Truyện ngắn: Lòng hiếu thảo

GD&TĐ - Mẹ tôi là người hay nói nhiều nhưng dễ mềm lòng, đến nỗi chỉ chưa đến một tuần, bà đã đến bệnh viện thăm hai cụ già này.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Buổi sáng, khi tôi vừa ngồi xuống uống ngụm sữa đậu nành đầu tiên, mẹ lại bắt đầu ca thán: “Chuyện gì xảy ra thế này? Không biết gia đình hai nhà hàng xóm làm sao nữa? Họ đều có người nhập viện rồi”. Cái gì? Bố và tôi đều ngạc nhiên nhìn mẹ.

“Lão Zhang bảo ông ấy bị ung thư phổi, khi phát hiện thì đã ở giai đoạn cuối rồi! Bà Li bị bệnh tim…”.

Mẹ tôi là người hay nói nhiều nhưng dễ mềm lòng, đến nỗi chỉ chưa đến một tuần, bà đã đến bệnh viện thăm hai cụ già này.

“Haiya, người ta thường nói nuôi con khôn lớn, để sau này về già, chúng nó chăm sóc lại mình, nhưng mà không phải ai cũng được như vậy!” - Bà lại thở dài trên bàn ăn sáng.

“Thằng con trai lão Zhang đúng là không biết ơn bố mẹ. Bệnh viện chỉ định cho bố nó hóa trị và xạ trị, nó thì hay rồi, kéo theo ông già rời khỏi bệnh viện, nói đưa ông ấy về quê dưỡng bệnh sẽ tốt hơn. Không phải chỉ là lo tiêu tốn tiền bạc mà mặc kệ sống chết của bố sao? Nói thì hay lắm, mà chắc làm thì chẳng ra sao, ở đó còn có năm, sáu bác sĩ nữa chứ!”.

Chẳng trách hôm qua tan sở, tôi nhìn thấy anh Zhang xách một chiếc rương lớn xuống lầu.

“Ông xem bà Li đi, bà ấy đúng là có phước. Con gái lớn làm ở Cục y tế quen biết viện trưởng tên Wang Yi Dao, nhất quyết nhờ ông ấy đích thân khám bệnh cho bà ấy. Thật là làm cha mẹ nở mày nở mặt!

Lại được cả thằng con út làm giám đốc công ty nào đó, nó nói thẳng với bác sĩ “dùng thuốc nhập ngoại nào cũng được, tiền không phải là vấn đề. Tôi muốn mẹ tôi sống đến trăm tuổi!”. Thật khó so sánh con người với nhau mà, hàng hóa còn có tiêu chuẩn mà so sánh!” - Mẹ tôi đặt bát đĩa xuống bàn rồi thở dài.

“Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên. Người ta cũng gần tám mươi hết cả rồi, có bị khó thở hay tức ngực chẳng phải cũng chỉ là bệnh thường gặp tuổi già thôi sao? Cứ thế chữa trị, thế có khác nào đốt tiền, có khi càng làm khổ bố mẹ!” - Bố tôi không ngẩng đầu lên, đáp.

Tôi và bố luôn thông qua mẹ mà biết được tình hình nhà họ Zhang và Li nhưng lần này tính tò mò của tôi lại nổi lên. Bởi tổng biên tập tờ tạp chí - người luôn muốn trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, sớm yêu cầu tôi - một phóng viên nhỏ bé: “Nghe này, năm nay đã muộn rồi. Vào Ngày của Mẹ và Ngày của Cha năm sau, cô phải nộp một bản thảo thu hút độc giả với chủ đề “hiếu thảo”!”.

Bệnh viện nơi bà Li điều trị nằm trong thành phố nên đi đến đó rất dễ dàng, nhưng quê của ông Zhang thì nhất định phải đi qua các tỉnh khác, di chuyển phiền phức.

Bố tôi khuyên: “Ở nhà thì sao có thể viết được bài viết hay cơ chứ? Đừng chỉ nghe lời mẹ con nói, phải điều tra tình hình thực tế mới biết được!”. Tôi như được khai sáng, bố tôi cũng nghĩ tôi phải đi thực tế, theo dõi và phỏng vấn cơ mà!

Tôi hăng hái đến bệnh viện nhưng tinh thần hăng hái ấy tụt dốc không phanh. Chỉ trong vòng ba tháng, sao bà Li lại trở thành thế này? Ông bác sĩ Wang Yi Dao phẫu thuật cho bà thất bại, bà cụ trở thành người thực vật. Cô con gái lớn thì “nói hay hơn làm”, ngủ gật trong lúc trông, quên không lật người cho mẹ khiến bà vừa mới nằm liệt giường, nay thêm bệnh lở loét.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Sau đó, mọi chuyện đã vượt quá tầm kiểm soát, cũng không thể trách đứa con út của bà Li oán giận chị gái nhiều như vậy. Cậu con trai út này, đến các bác sĩ, y tá phụ trách phòng bệnh cũng luôn giơ ngón tay cái lên mỗi khi nhắc đến ông.

Ông tự mình sắp xếp, làm mọi việc cho mẹ từ cho đi vệ sinh đến thay quần áo, ngay cả hai nhân viên chăm sóc được thuê cũng không thể giúp được gì. Thấy mẹ có vài vết lở loét, có vết to bằng miệng cốc, ông vừa ôm mẹ vừa bôi thuốc, đau lòng đến mức bật khóc.

“Mẹ ơi, mẹ có đau không? Đau thì cứ kêu lên một tiếng đi mà! Đều tại con, đáng lẽ ngay từ đầu con nên nghe lời mẹ, sao lại vào bệnh viện để mẹ phải chịu cảnh này cơ chứ! Con hối hận rồi, con thật bất hiếu!”. Người đàn ông năm mươi tuổi đầu bật khóc.

Khi về, tôi kể lại chuyện này với bố mẹ, họ rất buồn. Mẹ tôi im lặng một lúc rồi chợt kích động, nói: “Ôi, sao mẹ lại quên chuyện này nhỉ? Lão Zhang không biết dạo này thế nào rồi. Lần trước, mẹ cùng Zan đến bệnh viện thăm ông ấy, hỏi y tá thì cô ấy nói ông ấy chỉ sống được nhiều nhất là sáu tháng. Bây giờ cũng qua một năm rồi, không biết ông ấy có còn ở đó không nữa!”.

Hôm đó là một ngày mùa Thu mát mẻ, nhưng lòng tôi nặng trĩu, chán nản đến mức chẳng có tinh thần mà nghỉ ngơi. Tôi lo sau này mình cũng sẽ giống như bà Li, bị bệnh chỉ có thể nhìn mà không thể gọi người khác.

Tôi đến tìm ông Zhang tại ngôi làng miền núi nhỏ ở phía Đông Cát Lâm, nhìn lên có thể thấy núi Trường Bạch. Hai đứa trẻ bảy, tám tuổi dẫn tôi đến trường tiểu học của làng, chỉ vào một dãy lớp học và nói: “Cô ơi, ông Zhang của con ở trong đó!”. Tôi hơi bối rối, sao có thể như vậy được? Nhưng cảnh tượng nhìn thấy càng làm tôi ngạc nhiên hơn.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Từ cửa sổ hé mở, tôi nhìn vào bên trong. A, chính là ông ấy, dáng người cao cao, hình như gầy đi một chút, nhưng tinh thần và khí lực đã phấn chấn hơn trước rất nhiều.

Lúc này, ông đang cầm cuốn sách dạy tiếng Trung cho bọn trẻ, trên bảng đen có dòng chữ: “Cố nhân cụ kê thử/Yêu ngã chí điền gia…” - bài thơ đồng quê “Quá cố nhân trang” của nhà thơ thời Đường Mạnh Hạo Nhiên. (Dịch nghĩa: Người bạn cũ bày biện cơm gà/ Mời ta đến chơi nhà ở nơi vườn ruộng).

“Cháu gái, cảm ơn bố mẹ con đã quan tâm đến ta. Đây là nhà mới của ta. Căn nhà cũ trước đây bán cho người khác lâu rồi, bây giờ khoảng sân và căn nhà này đều do thằng con trai mua cho”.

Tôi nhìn kỹ bốn xung quanh, có ba căn phòng tường trắng mái xanh, cửa ra vào và cửa sổ làm bằng nhựa thép, sân không lớn nhưng rộng rãi, thoáng mát. Trên bức tường phía Đông có chiếc giá treo hồ lô - một loại hồ lô quý với hoa văn hình vảy mà tôi chưa từng thấy - treo từng chiếc, từng chiếc từ trên giá xuống.

Giàn nho trồng ở bức tường phía Tây cũng rúc rích những chùm tím. Bên lối đi trước nhà là những bông hoa cúc leo theo bậc thềm, đủ màu sắc, đua nhau khoe sắc tím đỏ rực rỡ. Thấy tôi ngạc nhiên, ông lão mỉm cười nhẹ nhàng, bắt đầu kể.

“Chắc con không nghĩ chúng ta cách nhau hai thế hệ phải không? Khi được chẩn đoán mắc bệnh lần đầu tiên, ta cũng không cảm thấy như thế giới đang sụp đổ mà chỉ cảm thấy có chút tiếc nuối. Bà nhà ta qua đời từ sớm, ta một mình gà trống nuôi con cũng không dễ dàng gì.

Ta nuôi dưỡng con trai lớn khôn trưởng thành, vào được trường y. Nó tập trung cho công việc kinh doanh, lại vừa tìm được cô vợ, ta còn chưa được lên chức ông nội, đã phải ra đi, thế nên ta có chút không cam lòng”. Ông ấy bình tĩnh kể lại.

“Vậy tại sao ông lại từ bỏ việc điều trị sau khi xuất viện?”. Tôi có phần mất kiên nhẫn, hỏi.

“Tại sao lại từ bỏ sao? Con trai ta nghiên cứu về các khối u, sao nó lại không hiểu chứ? Lúc đầu nó do dự, nhưng rồi cố thuyết phục ta không xạ trị, hóa trị hay đặt ống điều trị vào cơ thể, như thế sẽ bớt đau đớn hơn trong khoảng thời gian còn lại.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Haizz! Nhưng ai mà ngờ được, may mắn là ta phù hợp với phương pháp điều trị tự nhiên này. Ta không giống như người bạn cùng lớp cấp ba. Ông ấy tiêu hết số tiền dành dụm cả đời, kể cả tiền là của hồi môn cho con gái lấy chồng, vào việc đặt ống điều trị. Tiền bạc không còn, đau đớn giày vò trên cơ thể, gia đình tan nát, người thân cũng không còn bên cạnh nữa…”.

“Một ngày sau khi có kết quả kiểm tra, con trai ta đã mua cho ta căn nhà mới ở đây với giá 20 vạn nhân dân tệ. Nó đã suy nghĩ rất kỹ xem ta muốn gì, thích gì và làm nhiều cách để mua nó cho ta. Con thấy căn nhà này thế nào? Trông cũng không tồi, phải không?”.

Bất chợt, trong tâm trí, tôi cảm giác như mình vừa mở cánh cửa sổ và một làn gió mùa Thu mát lạnh thổi vào. Nhưng tôi vẫn hơi nghi hoặc, thực sự ông ấy không cần điều trị thêm nữa sao?

“Chẳng phải ta vẫn đang điều trị bệnh này hay sao? Muốn chữa trị bệnh, trước hết phải dựa vào tinh thần của bệnh nhân, sau đó việc chữa trị phải được lựa chọn một cách khoa học. Y học cổ truyền Trung Hoa của tổ tiên chúng ta vẫn rất hữu hiệu”.

Ông chỉ vào bã thuốc dưới gốc hoa cúc, nói tiếp: “Trước khi chuyển đến nơi này, ta chưa bao giờ cảm thấy dễ chịu như bây giờ. Chẳng phải trong bài “Ẩm tửu kỳ 5” của Đào Uyên Minh có câu “Thái cúc đông ly hạ. Du nhiên kiến Nam sơn” sao? (Dịch nghĩa: Hái hoa cúc dưới mảnh giậu phía Đông. Thong dong, nhàn nhã ngắm nhìn núi Chung Nam).

Ta cũng sáng tác được vài câu thơ tuyệt, con nghe nhé: “Thưởng cúc sơn môn hạ, cử mục kiến Trường Bạch/ Điền viên duyệt tâm tính, di nhiên hướng tuyền thai”. Thế nào, cũng hay không kém ông ấy phải không?”. (Tạm dịch: Ngắm hoa cúc dưới cổng núi, có thể tận mắt thấy núi Trường Bạch. Cảnh quê làm ta vui lòng, sân xuân thật dễ chịu). Tôi vội vàng ghi lại mấy câu thơ năm chữ độc đáo này vào sổ tay của mình.

Khi tôi chuẩn bị rời đi, ông nói: “Con trai ta cũng nói, có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y đang băn khoăn về phương pháp điều trị này, phương pháp điều trị kia. Nhưng ta không quan tâm, ta cũng sống quá nửa đời người rồi, giờ có thời gian trồng hoa, trồng dưa và dạy học.

Ngày nào ta cũng vô cùng bận rộn. Những việc này không phải là kiếm được rất nhiều tiền sao? Lão Diêm Vương hãy quên ta đi! Haha, năm sau ta còn muốn leo lên đỉnh núi Trường Bạch để ngắm hồ Thiên Trì nữa cơ! Hahaha”.

Ông cười thật sảng khoái, tiếng cười khiến đàn ong đang đào sâu vào bầu nhụy bông hoa trắng để lấy mật, sợ hãi đập cánh bay đi.

Trên chuyến tàu trở về, mở laptop, gõ chủ đề “hiếu thảo”, tôi cảm nhận được cảm xúc văn chương trong mình tuôn chảy như suối…

Hạ An (Dịch từ tiếng Trung)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.