Truyện ngắn Gã đào giếng

GD&TĐ - Gã độc thân. Hiện tại thôi. Tương lai còn dài. Gã từng có hai người vợ. Hai người đều bỏ đi. Con theo mẹ hết. Chẳng đứa nào nhìn lại cha nó.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Gã lại chặt ngón tay. Lần này thì gã thề sẽ yêu người đàn bà ấy. 30 Tết mà còn chặt ngón tay thề thốt, “em là người cuối cùng”. Ờ, gã thề xong, người cuối cùng sợ quá. Còn lại mình gã và chính gã mới chính xác là người cuối cùng.

Vài hôm sau gã ra khỏi nhà, người ta thấy ngón tay trỏ của gã băng băng trắng. Chẳng ai hỏi han gì. Vì biết hỏi gì cũng vô duyên. Họ hỏi đủ chuyện, gã nói đủ chuyện trừ ngón tay băng gạc trắng có vết nâu đỏ vền vện. Gã vẫn hề hề như mọi lời thề chỉ là một cơn say. Rồi tỉnh sau mọi cơn say.

Gã không biết đau, không ốm, không than vãn. Gã chỉ có công việc, ăn, uống no say. Rồi thỉnh thoảng lên cơn thì tiễn một vài đốt ngón tay. Thành thử, gã là người cùi không lây. Người làng gọi gã là gã cùi. Nhưng chẳng ai xa lánh gã, trừ vài cô bé sinh ra vào mùa trăng nên mong manh như nắng.

Gã độc thân. Hiện tại thôi. Tương lai còn dài. Gã từng có hai người vợ. Hai người đều bỏ đi. Con theo mẹ hết. Chẳng đứa nào nhìn lại cha nó.

Gã không được học chữ nào. Gã chưa từng biết đến lớp học nào. Trong cuộc nước chè xanh mùa nông nhàn nào đó, gã kể hồi theo bạn vào nhà thăm cô giáo của bạn, gã hốt nguyên ổ trứng gà đang ấp của nhà cô. Đó là bữa trứng gà luộc nhớ đời. Gã bình luận thêm.

Gã kể chưa xong, đã đứng dậy tớp thêm cốc chè đặc, vừa nuốt vừa bước đi. Ước gì gã có dáng đi như trâu như bò thì nhẹ nhàng cho cuộc đời biết mấy. Gã đi như ăn cướp, hoặc như đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ bị sói rừng ra đuổi rượt, móc đít cào ruột ra, vừa chạy vừa rống lên.

Nào gã có cướp của ai bao giờ đâu, trừ vụ trứng gà chuyện đời tự kể của gã, ai cũng biết gã thật thà. Gã từng chạy măng trong rừng từ hồi biết đi rừng tới xế bóng. Gã luôn lao động chân chính để nuôi thân. Gã đi đóng gạch thuê. Gã làm tất cả mọi việc, miễn có cái no bụng.

Nhưng cái miệng gã như một tai họa cho những ai theo phái văn hóa. Không vì thế mà gã bị hắt hủi. Gã được việc, nên cứ có việc nặng, việc khó người làng lại gọi gã. Gã chẳng bao giờ thất nghiệp. Đồng nghĩa với gã luôn có đủ ăn no, uống say, hề hề. Đời như mơ dù có lẽ gã nằm là ngủ và ngáy chứ chẳng mơ bao giờ?

Mỗi lần có sự cố gì đặc biệt, gã lại chặt một vài đốt ngón tay. Ngón tay của gã mỗi ngón còn 2 đốt. Nhìn như thằng cùi. Khốn khổ. Nhưng gã nào biết khổ. Lúc nào gã cũng cười hề hề.

Khi chạy măng, gã cũng bán được nhiều tiền nhất, vì gã có sức khỏe, như trâu. Gã có thể gánh số măng gấp đôi người ta. Chạy măng là đi lấy măng trong rừng sâu. Đi xa làng lắm. Đường rừng khó đi. Người khỏe mới đủ sức đi măng. Gánh nặng.

Có lần tôi đã đi theo mẹ. Tôi đã thấy người rừng. Người rừng bận áo như lá cây, tóc dài, mặt còn hoang dại, tôi nhìn thấy từ xa người rừng đã chạy mất. Tôi thấy hay tôi nghe người làng kể về người rừng, tôi tưởng tượng ra mà không chắc. Nhưng có người rừng. Tôi biết. Voi rừng thỉnh thoảng còn ra quật phá vườn nhà người làng mà. Chó sói bói đít bò nữa. Chuyện mới cách nay vài chục năm thôi. Nên tôi còn mang máng.

Trở lại với gã, người kì dị nhất làng. Vì gã to khỏe nhất. Vì gã nói to nhất. Vì gã có ít đốt ngón tay nhất.

Gã nói thì như chó sủa trăng, mà chó sủa trăng còn có lúc nó hụt hơi. Gã thì không. Giọng nói của gã, vang, cao, có lực như sấm. Vì sao thế. Sinh ra gã đã hơn người ở sức vóc. Gã đô con, khệnh khạng. Lại thêm nghề của gã, nghề đào giếng. Mùa khô thì đào giếng. Gã chui tọt xuống giếng, xà beng, cuốc, thuổng, giây thừng, gàu… Dụng cụ lao động của gã.

Và phải đồ ăn nhiều, ngon. Lao động nặng mà. Bữa sáng phải cơm thịt. Không cần canh. Gã chẳng ăn canh bao giờ. Bữa xế phải lòng lợn. Loại lợn mạ gã mới thích. Bữa trưa thì rượu không thể thiếu. Gã uống như đổ. Núc rượu. Đùng cái. Gã nói bỏ rượu. Vì sao đố ai biết được.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Thường, đi đâu về ghé qua nhà tôi, gã đều ghé vô uống nước. Cứ có gã vô, ấm nước chè nhẹ như ấm không. Lại lọ mọ đi làm ấm mới nên tôi ghét gã. Nếu không vô, gã sẽ ới gọi “Minh ơi. Sướng, no, say chưa?”. Minh là tên cha tôi. Dù cha tôi đáng tuổi anh nhưng gã toàn kêu ngang. Với gã, vai vế là gì. Thứ tự là gì. Ai đô con hơn, rượu núc tợn hơn là anh rồi. Nhưng với đàn bà, gã cũng nhõng nhẽo lắm. Như thành thói. Gã luôn gọi cha tôi tên ngang, Minh. Nhưng với mẹ tôi, gã gọi ả. Ả Đào. Tất nhiên gã không biết ả đào là một loại hình nghệ thuật.

Hồi nhỏ, tôi sợ gã phát khiếp. Gã mà vào nhà uống nước, nhà chỉ có mình tôi kiểu gì gã cũng chọc.

“Tối qua cha mẹ mi có ồn ào không?”. Hồi đó tôi chẳng biết ồn ào là gì. Tôi nói “Không”. “Nói phét”. “Lớn tướng rồi hậy”, vừa nói gã vừa nhìn chằm chằm vào chỗ không phải ai cũng được phép nhìn, gã làm tôi phát khiếp. Từ đó, cứ nghe tiếng gã trong nhà là tôi không dám về nhà. Dù đó là nhà tôi. Nếu tôi ở trong nhà, gã vào đột ngột, uống nước ngoài hiên nhà dưới là tôi tịt luôn trong nhà, cho đến khi gã ra về, mà tôi đoán gã đi khỏi rặng tre cuối cùng của vườn nhà tôi. Tôi sợ gã như người ta sợ cùi.

Lần nọ, gã đào giếng cho nhà tôi. Gã như bắt được mạch nước. Chỗ nhà tôi ở cao. Chân một quả đồi. Địa hình trung du miền núi, kiếm ra mạch nước đã khó. Kiếm được mà mạch nước đủ nguồn nước cho cả mùa khô thì thật khốn khó. Nhưng cả khu đó chỉ có nhà tôi có mạch nước muôn thuở ấy. Vì gã ngửi được mùi mạch chủ. Những nhà xung quanh thợ khác đào. Gã chỉ lắc đầu. Nhổ bọt miếng rồi đi. Gã lại đi như ăn cướp. Nhưng nào gã cướp của ai bao giờ.

Khi đào giếng cho nhà tôi, từ tối qua, cha tôi đã dặn mẹ sáng đi chợ, nhớ đi sớm, mua 5 kí lô bánh mướt, 2 kí lô lòng, chủ yếu là dồi, đoạn ruột già. 3 lít rượu mạnh, thuốc lào nhà ông Biên. Gã hút độc thuốc lào Vĩnh Bảo đó. Mẹ tôi “gớm” một cái như dài cả kilomet. Cha tôi nói: “Nó ăn uống như Hecquyn. Mẹ mày sẽ thấy thôi”.

Sáng sớm, mới 7 giờ gã tới. “Có chi ăn không ả Đào. Tối qua chén một nồi cơm với cà muối, giờ đói quá”. Mẹ tôi nói “chờ chút” rồi kêu tôi soạn bữa sáng cho gã. Tôi lấm lét như mèo con. Một đôi đũa, một chén ăn cơm. Một dĩa bánh cuốn, một muỗng nước mắm vô chén nhỏ.

“Bé con cho chú cái tô. Chai nước mắm”. Nói rồi gã ra góc vườn nhổ một cây ớt chuột vô. Tôi nhìn phát khiếp. Loáng cái, tôi mới rửa xong nắm chè xanh để làm nước thì gã đã ăn gần xong bữa. Thực ra tôi cũng hơi ngoa, vì tôi rửa nắm chè xanh thì nhanh mà chơi với mấy cái hoa chè trắng ngọc ngà thì nhiều, nên chậm. Cây ớt chuột gã nhổ cả gốc vào chỉ còn trơ trụi lá, chẳng còn quả nào. Ít nhất hai chục trái ớt. Tôi nhìn mẹ tôi, mẹ tôi nhìn cha tôi. Cha tôi a hèm sai vặt mẹ con tôi sau khi nói: “Tối qua tao đã bảo mẹ mày rồi mà”.

Loáng cái, 9 giờ sáng. Tôi vừa đi xin sả ở nhà bà ngoại về thì ối thôi, một đống đất đen, đỏ, cùng lởm chởm sỏi đã thành cồn. Tôi tưởng có máy ủi ủi đống đất kia. Không, mình gã và hai bàn tay to xù thô kệch của gã thôi. 10 giờ, mẹ tôi vừa vặt lông con gà mái mơ xong gã đã lên đòi điểm tâm. 3 gói mì tôm Tân Bình, lớp bao trong có bóng, lớp bao ngoài là giấy báo. Đó là loại mì gói ngon nhất thời đó. Gã húp mì chùn chụt.

Gã đưa tay quẹt mồ hôi. Nào có áo. Gã ở truồng. Bụi đất trên tay vây hết cả mặt gã, trông gã như diễn viên hài. Nhưng tôi nào dám cười, tôi trộm nhìn gã qua ô cửa sổ đã bị mưa dột làm cho khuyết một góc gỗ vì nước. Mẹ tôi bỏ một lớp củ sả xuống dưới đáy nồi, bỏ con gà lên bếp khi củi vừa đượm lửa. Gà vừa chín. Xôi vừa dậy mùi, mẹ bỏ lá cơm nếp vô cho thơm. Mùi bữa trưa gã đã đánh hơi được. Gã kêu lên từ dưới miệng giếng, chắc độ khoảng 20 mét “Trời ơi, mùi chi mà thơm khủng khiếp”. Gã như được tiếp sức. Tiếng vang của giọng gã, tiếng dội vào không gian giếng, tiếng của cây ròng rọc quay để hốt đất gã đào dưới sâu lên như vang vào tiếng chó sủa khách lạ.

“Chị ơi bán mít không”. “Bán chác gì, thích trái nào cho trái đó”. Mẹ tôi vốn hay cho người miền xuôi, họ lam lũ hơn nhà nông chúng tôi. Họ dân chài, đổi cá, đổi muối. Họ thồ hàng bằng xe đạp mà nhìn cái tôi muốn té bẹp dí.

Dưới giếng, gã vọng lên. “Đổi cái ấy không em ơiii”.

Gã hút sáo rồi nói: “Kéo đất nhanh lên, nghe ẩm rồi. Khoảng chục mét nữa là tới mạch chủ”. Mừng rơn. Mẹ tôi nói: “Thật hả, tôi cứ tưởng chỗ này không có mạch nước”, “Ả coi thường tui quá”. Đống đất đã chất như một quả đồi. Tôi thích thú với màu đất mới, màu vàng. Tôi chưa từng thấy đất nào trong vườn nhà mình lại có màu ngọt vậy. Thôi tính lấy một nắm để dành chơi.

Đến chiều, đất đen, pha nâu, ướt, mát, mịn. Đất thật kì diệu. “Ở dưới đó đất đẹp ri à chú Phương”, tôi thích thứ đất này quá, nên quên hết cả sợ hãi chú Phương. “Nhờ mày mà tao nhớ tao còn có một cái tên đó”. Chú Phương, tên gã. Tôi nói với, âm thanh vọng xuống đáy giếng rồi dội lại những gì tôi nói theo một giọng khác “Cháu muốn xuống đó chơi”, “Dưới này có ma đấy”. “Vậy thôi”, giọng tôi buồn thiu. “Nhưng tao có cái này cho mày này”. Nói rồi cha tôi kéo ròng rọc lên. Lần này trong thùng không phải là đất như những lần trước, là một trái lựu đạn. Chẳng phải nhà tôi ngoài vườn còn nhiều cái hầm đó sao. Đó là chiến địa một thời. Một trái lựu đạn chết. Cha tôi cũng biết nó đã điếc. An toàn cho tôi.

Món quà đó, tôi còn cất giữ như một kỉ niệm. Bao nhiêu người đã chia lìa vì trái lựu đạn này.

Đêm đó, tôi mơ tôi xuống đáy giếng, một đường hầm nhỏ, nhưng mát lạnh đưa tôi đến thế giới khác, cuộc sống khác dưới lòng đất. Đó là những cô gái, chàng trai trẻ đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất, họ mãi ở lại đó. Tôi chỉ cho họ đi theo con đường tôi vừa đi, sẽ trở về được, họ nói “nhưng chẳng ai còn nhận ra chúng tôi nữa”. Sáng, tôi dậy sớm, tôi lên nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào, nơi dãy mộ Vô Danh. Tôi quỳ gối!

Tôi không còn sợ chú Phương đào giếng nữa. Vì chú đã nói thật “dưới này có ma đấy”. Chú thô, chú khùng khùng là tự làm mình đau, chặt cả ngón tay, chú xưng hô bụi bặm, đúng thứ bậc, chú ăn và đi đứng, uống và ngủ nghỉ như trâu bò. Nhưng mà chú đã nói thật nên tôi không còn sợ nữa. Con người nói thật thì họ không đáng sợ. Sự thật dù trần trụi đến đâu cũng không đáng sợ.

- Chú kể cho cháu về những người dưới giếng đi. Họ nói gì với chú?

- Có chó nào dưới đó đâu. Tao dọa mày thôi. Con gái xuống sâu dưới giếng mày ngột không thở được đâu.

- Chú nói láp.

- Tao nói láp thì trời đánh.

Hồi đó, sau món quà là quả lựu đạn câm, sau giấc mơ tôi xuống giếng gặp những chàng trai cô gái trẻ mặc áo đồ bộ đội, vai đeo ba lô con cóc. Sau những chất vấn tôi hỏi chú Phương đào giếng, tôi lại nghĩ: Chẳng có chú Phương nào hết. Vẫn là gã đào giếng, say say, chán đời và yêu đời đều chặt ngón tay đó thôi.

Cô bé ngày xưa giờ đã bằng tuổi gã đào giếng ngày xưa. Tết rồi, tôi lên nhà ngoại chạy qua nhà chú Phương thấy chú… ngồi xe lăn. Mái tóc màu sương khói như người ta đốt đồng. Một trong những người đàn bà đã khiến chú Phương cụt một vài đốt ngón tay hay người đàn bà sắp làm chú cụt thêm một đốt tay đang ở cạnh chú? Người mới. Có thể lắm chứ.

Đời người đàn ông mạnh bạo như chú Phương đào giếng là để khai quật những mạch ngầm. Nếu không có những mạch ngầm, biết đâu chú Phương đã còn đủ những ngón tay trên hai bàn tay nhưng chỉ có một mình tóc bạc. Đôi khi thiếu những ngón tay để nhìn thấy người đã yêu và đau như thế nào. Sống là bất chấp cả niềm đau. Cơn đau tay hết lần này đến lần khác, biết đâu còn đỡ điếng hơn già héo một mình như cây mít chết róc sau vườn mà xung quanh chẳng có cây mít con nào vươn lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ