Buổi đầu tiên tập trung lớp 10 ở ngôi trường mới, toàn những gương mặt lạ lẫm, đang loay hoay tìm chỗ ngồi, Ngọc giật mình khi nghe tiếng quát:
- Ê, chỗ đó có người ngồi rồi.
Ngọc quay lại, thằng Tóc đỏ câng câng nhìn nó. Trông Tóc đỏ đúng dân “anh chị”: tóc nhuộm đỏ, quần bò rách gối, áo sơ mi trắng còn in logo của một trường trung học cơ sở, hai nút áo trên phanh ra, để lộ hình trái tim nhỏ xăm trên cổ.
Ngọc định ngồi vào bàn gần cửa sổ, mấy năm học cấp hai nó thường ngồi ở vị trí đó, khi ra chơi có thể quan sát thế giới sinh động ngoài lớp học: Khi thì gia đình chim ríu rít, lúc là những tia nắng xuyên qua kẽ lá lấp lánh. Ngọc luôn chú ý đến ngọn gió “mồ côi” thi thoảng lướt qua. Sở dĩ Ngọc gọi đó là ngọn gió “mồ côi” vì nó luôn đơn độc, lẻ loi. Ngọc thấy đồng cảm với những gì đơn độc như thế.
Thằng Tóc đỏ sấn tới, Ngọc lặng lẽ bước ra nhường chỗ, ngồi lùi lại phía sau một bàn. Chỗ này vẫn có thể quan sát được thế giới bên ngoài dù nó không thoáng đãng bằng chỗ Ngọc vừa nhường cho Tóc đỏ.
Cô giáo bước vào lớp, không khí ồn ào lắng xuống rồi im hẳn. Cô lật mở danh sách điểm danh. Ngọc hồi hộp nghe từng cái tên.
- Nguyễn Văn Hòa. Giọng cô dõng dạc
- Có ạ. Thằng Tóc đỏ hô to, khiến cô cũng phải ngước lên nhìn. Thì ra Tóc đỏ tên Hòa. Ngọc nghĩ thầm: “Tên Hòa mà không hòa nhã chút nào”.
Không khí lớp có phần sôi động khi cô giáo bảo: Lớp mình cần bầu lớp trưởng.
Năm, sáu cánh tay xung phong: “Em, em”, … Ngọc thấy cả thằng Tóc đỏ, có vẻ nó tự tin nhận chức lớp trưởng. Cô giáo đi một lượt vòng quanh lớp rồi cô dừng lại chỗ Ngọc. Cô hỏi:
- Em là Nguyễn Bảo Ngọc?
Ngọc lễ phép đứng lên: “Vâng, thưa cô!”
Cô giáo nhìn Ngọc bằng ánh mắt đầy tin tưởng, rồi khi đã bước lên bục giảng, cô quay xuống cả lớp nói:
- Cô đã tìm hiểu hồ sơ của tất cả học sinh lớp mình, cô rất ấn tượng về bạn Ngọc. Bạn đã là lớp trưởng gương mẫu chín năm, tạm thời lớp mình tiếp tục tín nhiệm bầu bạn làm lớp trưởng. Các em đồng ý không nào?
Cả lớp đồng thanh: “Đồng ý ạ!”. Riêng Tóc đỏ quay xuống nhìn Ngọc nói khẽ: “Để xem làm nổi không?”
Chẳng thèm để ý đến lời của Tóc đỏ, Ngọc điềm tĩnh trả lời cô:
- Em cảm ơn cô và các bạn đã tín nhiệm, em sẽ cố gắng hết sức ạ. Ngọc vừa nói vừa nhìn thẳng Tóc đỏ để nó biết rằng: “Ngọc không hề sợ nó”. Nhưng chính lúc nhìn thẳng vào mắt Tóc đỏ, Ngọc nhận thấy sự đơn độc, bất cần trong mắt nó. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Ngọc: “Tóc đỏ đáng thương hơn đáng ghét”.
Cuối giờ, cô giáo bảo Ngọc ở lại. Cô hỏi han nhiều và điều Ngọc bất ngờ nhất là mới buổi đầu mà cô đã biết hoàn cảnh của nó. Cô động viên Ngọc. Cô bảo, có khó khăn gì cứ nói, cô và các bạn sẽ chia sẻ.
Đêm qua, mẹ lại quậy phá, mẹ hát hò suốt đêm, hết hát mẹ lại khóc, lại cười. Ngọc nghe bà kể, hồi trẻ, mẹ yêu say đắm một chàng trai trong làng nhưng gia đình người con trai cấm đoán, họ chê gia cảnh “mẹ góa con côi” của mẹ không tương xứng.
Ngày cưới của chàng trai với người con gái khác cũng là ngày mẹ điên dại. Người làng cảm thông, thương xót cô gái thất tình, còn bà ngoại thì đau đớn lắm.
Bà đưa mẹ đi khám chữa các nơi mà không khỏi đành bất lực cùng mẹ sống lặng lẽ trong căn nhà lụp xụp cuối làng.
Ngọc đến với mẹ và bà như sự sắp đặt của ông trời. Ai đó đã cố tình đặt nó trước cửa nhà bà, đứa bé đỏ hỏn còn nguyên dây rốn quấn vội trong chiếc khố mỏng. Bà vui mừng đặt tên nó là Bảo Ngọc, mang họ Nguyễn của mẹ, nó là viên ngọc quý của mẹ và bà.
Mẹ bồng bế cưng nựng Ngọc như con đẻ của mình. Có Ngọc, bệnh mẹ phần nào thuyên giảm. Vậy là ba bà cháu, mẹ con nương tựa nhau trong ngôi nhà xiêu vẹo. Bà ngoại không được ở nhà mới, bà mất trước khi xã xây nhà tình thương cho mẹ con Ngọc.
Từ khi bà ngoại mất, bệnh mẹ hay phát về đêm, ban ngày mẹ trầm lặng nhưng tỉnh táo. Mẹ ngồi bên đống hàng mã, lặng lẽ làm cả ngày.
Ngọc phụ mẹ những lúc rảnh rỗi, mỗi ngày hai mẹ con cũng kiếm được vài chục nghìn. Số tiền ít ỏi này cộng thêm tiền trợ cấp hàng tháng cũng đủ để mẹ con nó sống tằn tiện.
Ngọc biết ơn cô Thoa, chủ cơ sở hàng mã Ngân Thoa, cô thương hoàn cảnh của nó nên luôn để dành hàng cho mẹ con nó làm. Khi trả công, thỉnh thoảng cô còn đưa thêm cho nó cả trăm nghìn, cô bảo tiền thưởng cho nó mua áo mới. Mỗi lần như vậy cô hay chẹp miệng: “Cái thằng côi cút mà ngoan.”
Từ đầu năm, Ngọc đã phải xin nghỉ học ba lần, cũng may cô giáo hiểu rõ hoàn cảnh nên rất thông cảm. Các bạn nhiệt tình, chép bài rồi gửi cho nó. Có vài bạn còn đến tận nhà để xem nó cần giúp gì không. Nó cảm nhận rõ tình thương yêu mà cô và các bạn dành cho mình.
Hôm nay đến lớp, Tóc đỏ không thấy Ngọc, nó ghét cái kiểu khoan dung, độ lượng của thằng lớp trưởng, càng ghét nó càng gây sự. Nó thấy khó chịu, giá như nó không biết hoàn cảnh của Ngọc thì khi phá đám, nó còn thấy vui. Bây giờ, nó lại thấy hối hận bởi những lần nó phá Ngọc.
Lời cô giáo nói với cả lớp về hoàn cảnh của Ngọc cứ văng vẳng bên tai, tự nhiên Tóc đỏ nghĩ nhiều đến Ngọc. “Thật vớ vẩn”, nó nhủ thầm, nhưng vẫn không dứt được suy nghĩ ấy.
Tóc đỏ đem cả cái khó chịu ấy về nhà, vùng vằng với mẹ:
- Con xe lỗi mốt rồi, sinh nhật này bà bu cho con đổi xe.
- Lỗi thế nào, vừa mua năm ngoái gần trăm triệu của tao.
Mẹ Tóc đỏ trả lời nó mà mắt vẫn chăm chú nhìn vào khuôn mặt được trang điểm kỹ càng trong gương. Mẹ nó chuẩn bị đi đến câu lạc bộ khiêu vũ.
- Nhưng con chán rồi, bà bu bán quách nó đi.
Nói rồi Tóc đỏ lên xe rồ ga phóng thẳng. Tụi bạn đua xe đang chờ. Mẹ nó nói với theo:
- Lo mà học hành đoàng hoàng, bố mày về chết với ông ấy.
Bố Tóc đỏ bận bịu với những chuyến hàng xuyên biên giới Việt – Trung, chả mấy khi ông có nhà. Mỗi khi ông về là hai mẹ con Tóc đỏ lại được nghe những bài giáo huấn từ ông.
Bài giáo huấn của bố chưa thấm vào đầu Tóc đỏ thì ông lại đi. Những ngày dài nối tiếp khi ông không có nhà, hai mẹ con Tóc đỏ lại thoải mái làm những việc mình thích.
Tối nay, Tóc đỏ không có hứng đua xe nên bỏ về sớm. Mẹ nó không có nhà, mẹ còn bận giao lưu, biểu diễn ở câu lạc bộ khiêu vũ. Nó học hay chơi, nó ăn gì, mẹ cũng chẳng biết. Mẹ nghĩ, chỉ cần cho nó tiền là xong, mẹ đâu có biết nó ao ước được như mọi nhà, sum vầy bên mâm cơm gia đình.
“Đi thật xa để trở về, có một nơi để trở về”, trong chiếc ti vi to kê giữa phòng khách, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn đang ngân nga đoạn điệp khúc, làm nó thấy tủi thân, nó đưa tay tắt phụt đi. Một nơi để trở về là gia đình, là bố mẹ, Tóc đỏ không có.
Nó cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Càng cô đơn nó càng phá phách để bố mẹ nó quan tâm đến nó hơn. Trong ngôi nhà của nó, tiền không thiếu nhưng luôn thiếu sự quan tâm, yêu thương.
Ảnh minh họa ITN. |
Sáng nay, Ngọc lại nghỉ, tự nhiên Tóc đỏ thấy buồn. Từ khi nó biết hoàn cảnh của lớp trưởng, nó không còn gây sự với Ngọc nữa.
Hôm trước cái Như đến nhà Ngọc, thấy mẹ nó đang bệnh, hàng giao cho cô Thoa vào hôm sau chưa làm xong, Như nảy ra ý định nhờ một số bạn trong lớp cuối giờ học buổi chiều đến tranh thủ giúp Ngọc.
Tóc đỏ là một trong mười đứa được cái Như chỉ đích danh. Tóc đỏ đã định từ chối. Từ bé đến giờ nó không quen với việc giúp đỡ, chia sẻ nhưng hoàn cảnh của Ngọc khiến nó tò mò: “thử đến một lần xem sao”. Nghĩ vậy nên Tóc đỏ đến nhà Ngọc dù nó chẳng vui vẻ gì.
Nhà lớp trưởng nhỏ nhưng sạch sẽ, gọn gàng nổi bật trước cửa là hàng chữ “Nhà tình nghĩa”. Tóc đỏ thấy ấm cúng chứ không như nhà nó, rộng mà lạnh lẽo.
Cái Như đưa tay lên miệng “suỵt”, ra hiệu cho các bạn yên lặng. Ngọc nói như giải thích việc mẹ nó đang nằm yên trên giường: “Mẹ tớ vừa uống thuốc an thần”.
Tóc đỏ ngần ngừ ngồi xuống cạnh rổ hàng mã cái Như để trước mặt. Nó loay hoay mở miệng túi ni lông bé xíu, trơn tuột rồi đưa miếng mã vào. Ồ, không đơn giản. Túi ni lông và miếng mã vừa khít nên phải chỉnh đúng chiều mới đưa vào được. Lệch chút là phải xoay chỉnh lại, rất mất thời gian.
Tóc đỏ bị cuốn trong thử thách này. Nó cố gắng làm xong chỗ cái Như để trước mặt cũng mất nửa tiếng. Lưng mỏi, tay mỏi, mắt nó hoa lên vậy mà bất ngờ chưa, chỗ hàng nó vừa cố gắng làm chỉ được 2000 đồng tiền công. Nó nghĩ đến vụ cái xe nó đòi đổi lên đến cả trăm triệu, tự nhiên nó thấy xấu hổ. Nó thương Ngọc quá, nó trách bản thân nó.
Hòa có ý ngóng, vậy mà Ngọc lại nghỉ. Nó chuẩn bị sẵn mấy bộ đồ nó mua mà chưa mặc lần nào để tặng Ngọc.
Từ hôm làm hàng mã, nó và Ngọc gần nhau hơn. Nó còn hăng hái giúp Ngọc quán xuyến lớp. Tóc không còn đỏ, nó đã nhuộm lại tóc đen ngay sau buổi đầu tập trung, khi cô chủ nhiệm chấn chỉnh. Nhưng kể cả nó đã nhuộm đen thì các bạn vẫn quen gọi nó là Tóc đỏ chỉ duy nhất thằng Ngọc và cô giáo gọi đúng tên nó là Hòa.
Thực ra, đến tận bây giờ nó mới mở lòng hòa đồng với tập thể lớp. Nó thấy không còn cô đơn trong tập thể lớp mình. Nó cũng mạnh dạn nói chuyện với mẹ ao ước của nó về gia đình. Mẹ nó hiểu ra và đã chăm chút hơn cho ngôi nhà của mình.
Nó được ăn cơm mẹ nấu, được thấy mẹ ở nhà, thấy mẹ hỏi han chuyện học hành. Nó vui lắm. Mỗi khi bố về mẹ con nó đón bố vui vẻ, thoải mái. Nó muốn bố nó cảm nhận được “có một nơi để trở về”. Lần về vừa rồi, nó thấy trong mắt bố nó lấp lánh niềm hạnh phúc.
Dạo này, Hòa được cô xếp ngồi cùng bàn Ngọc nên chúng nó có thể trao đổi bài. Có hôm, nó thấy Ngọc cúi xuống khi cô nhắc đến bài thuyết trình - là lớp trưởng không có máy vi tính để làm cùng nên Ngọc không nhận xét được ai.
Cuối tuần này bố về, Hòa sẽ bảo bố bán chiếc xe đua, nó sẽ rời xa đội đua vô bổ một thời say mê. Nó muốn dùng tiền mua một chiếc laptop để nó và Ngọc học bài chung. Nó tin khi hỏi ý kiến, bố mẹ sẽ đồng ý. Đã vài lần nó kể về Ngọc cho bố mẹ nghe, bố mẹ rất vui khi nó chơi với Ngọc và thấy nó có những thay đổi tích cực.
Hòa khấp khởi với những suy nghĩ ấy, chợt nó nhìn ra cửa sổ hỏi thằng Ngọc:
- Mày bảo thích ngắm ngọn gió “mồ côi”, mà sao tao không thấy?
Ngọc mỉm cười bảo:
- Từ khi mày xuống ngồi cùng, tao cũng không thấy ngọn gió “mồ côi” nữa.
Chợt hiểu ra điều gì, Hòa nói rất nhỏ như thể nói với chính mình: “Ừ, tao cũng không còn đơn độc”.
Ngoài khung cửa, nắng vẫn nhảy nhót, chim líu lo, gió nô đùa vướng vít. Những tia nắng xuyên qua vòm lá lấp lánh chiếu vào chỗ hai đứa ngồi như những tia sáng lung linh tỏa ra từ tình bạn chân thành.