Tôi nhìn một lượt xuống lớp học. Ánh nắng mùa Thu xuyên qua sửa sổ, ùa vào từng dãy bàn, bông đùa trên những mái tóc vàng hoe. Tôi dừng lại nơi những cặp mắt tròn xoe đang chờ đợi những điều mới lạ từ bài học mới:
- Các em đã làm rất tốt các bài tập về số tự nhiên. Bài học hôm nay, thầy sẽ giúp các em nắm vững và vận dụng tốt hơn các kĩ năng đó thông qua một số bài tập thực hành.
Tiếng sột soạt từ góc lớp chen ngang. Tôi dừng lại, hơi cau mày, tỏ ý không vừa lòng rồi lại tiếp tục:
- Bây giờ, các em hãy dùng cái thước này để đo và tính xem, nếu thay toàn bộ gạch nền căn phòng này bằng loại gạch hình vuông 60 xen-ti-mét vuông thì…
Lách cách. Tôi nhìn về phía có tiếng động. Mặt một cậu học trò đỏ như gấc. Mấy viên bi từ cái túi áo bị thủng lần lượt rủ nhau chạy ùa ra, lăn tứ tung khắp lớp học. Cả lớp im thin thít. Tôi mất hứng, nổi nóng nhưng tự nhủ: Đó là một tình huống ngoài ý muốn thôi mà. Đợi học sinh thu nhặt mấy viên bi lên trả lại cho bạn, rồi tiếp tục:
- Nếu thay toàn bộ gạch nền căn phòng này bằng loại gạch hình vuông 60 xen-ti-mét thì ta phải cần đến bao nhiêu viên như thế?. Bạn nào...
- Thầy ơi…
Người tôi nóng ran lên. Hòa dùng tất cả sách vở có trên bàn của mình, dồn toàn bộ sức lực, ném vào một bạn phía bàn dưới. Tôi lao về phía diễn ra sự cố. Vung cái thước lên, mặt tôi phừng phừng như một con ngáo ộp. Hòa rụt cổ, mắt trợn trừng nhìn theo cái thước, toàn thân run lên bần bật.
Tôi dừng lại khi cái thước vừa khẽ chạm đến bàn tay co quắp tật nguyền.
Bầu trời màu xanh phía bên kia ô cửa sổ lớp học vẫn là nơi tôi tìm đến mỗi khi cần giấu đi sự xúc động hay giờ đây nó như một liều thuốc giúp tôi lấy lại tâm thế để tiếp tục bài dạy.
Tôi ít khi khắt khe với học sinh. Trong giờ học, nhất là lúc thảo luận nhóm hoặc cả lớp làm việc cá nhân, tôi thường bỏ qua hoặc chỉ nhắc nhẹ khi học sinh tranh thủ bông đùa nhau, thì thào chuyện riêng. Nhưng khi tôi đang nêu vấn đề, rút ra kết luận bài học thì cả lớp phải tuyệt đối im lặng, con kiến cắn cũng ngồi im, cố mà tập trung, qua phần đấy thì có gãi xoa, rên rít gì gì cũng được.
Tôi đã kịp kìm chế trước khi sảy ra sai lầm nhưng vẫn làm Hòa tổn thương. Hành động của tôi là quá mức cần thiết đối với một trẻ tật nguyền. Tôi ân hận khi nghĩ đến lúc Hòa rụt cổ, mắt nhìn chằm chằm vào cái thước, toàn cơ thể run lên bần bật… Em bị khuyết tật vận động ở khuỷu chân và cổ bàn tay trái, bước đi tập tễnh, cầm nắm khó khăn. Tôi luôn nghĩ cách bù đắp những tổn thương mà các bạn học sinh trong lớp vô tình hay cố ý tạo ra cho em.
Hòa luôn dành cho tôi và cả lớp nhiều bất ngờ. Buổi học đầu tiên khi em mới chuyển đến, tôi viết một bài tập nâng cao lên bảng. Cả lớp thi nhau làm nhưng khi gọi lên bảng thì bạn này lại nhìn sang bạn kia, tránh cái nhìn của thầy. Vẫn còn nét bẽn lẽn, Hòa không giơ tay xung phong nhưng ánh mắt em nhìn tôi long lanh đầy tự tin. Tôi gọi tên em. Em tập tễnh lên bảng, cố dấu cái tay co quắt của mình trong sự chú ý của mọi người. Chỉ sau vài bước tính, Hòa đã chốt được đáp số. Cả lớp reo hò vỗ tay tán thưởng, mặc dù có bạn còn chưa kịp hiểu ra cách làm. Điều đáng ngạc nhiên là Hòa luôn thể hiện sự sòng phẳng trước bạn bè. Mặc dù bị khuyết tật vận động nhưng Hòa chưa một lần bị xử phạt trong các trò chơi vận động của lớp. Hòa nhanh nhẹn, thông minh và nhạy cảm.
Em vẫn ngồi đó thất thần. Tôi cố lấy lại hứng thú học tập cho em bằng nhiều cách nhưng không được. Đôi lông mi vẫn cụp xuống, con ngươi vẫn đờ đẫn như đang nhìn vào khoảng không vô tận. Thường thì chỉ sau vài phút bị trách phạt, học sinh lại trở về trạng thái bình thường nhưng Hòa thì không, suốt giờ học hôm ấy, Hòa ngồi im nhưng không tập trung vào bài học. Thỉnh thoảng, đôi mắt buồn rười rượi lại thẫn thờ để ở cửa sổ. Cuối giờ, tôi gọi Hòa ở lại: “Sao em đánh bạn, gây mất trật tự trong giờ học?”. Hòa im lặng, nhìn tôi rồi lại trốn câu trả lời bằng cách lảng nhìn ra ô cửa sổ.
Đêm đó, tôi không sao chợp mắt được. Chuyện trách phạt một học sinh trên lớp là chuyện thường tình, diễn ra thường xuyên trong bất cứ buổi học nào, nhưng chuyện của Hòa thì khác. Sao trong đầu tôi cứ hiện lên cái chân teo tóp với bước đi tập tễnh trong nắng chiều dài lê thê? Sao tôi cứ mãi chập chờn đôi mắt cậu học trò buồn rười rượi, thỉnh thoảng lại lơ đãng nhìn ra ngoài, vào khoảng trời xa xôi?
Hồi đầu năm học, trời mưa dòng, Hòa được bố cõng đến trường. Nhìn thấy tôi, như xấu hổ, em vội vàng tụt xuống khỏi bố, nhoài người cố chạy bước thấp bước cao vào lớp học. Bố Hòa nhe hàng răng vàng ố vì khói thuốc, cười, chào tôi rồi lại nhìn theo những bước chân tập tễnh đứa con tội nghiệp bước vào lớp. Cứ hôm nào trời mưa, đường đất lầy lội là tôi lại thấy bố Hòa như một cái đinh đứng nép dưới ô văng cổng phụ tránh mưa, đợi con tan trường. Có lần tôi bảo: “Anh vào phòng bảo vệ đứng cho đỡ ướt”. Bố Hòa xuýt xoa cảm ơn, xua tay ra hiệu không cần thiết, rồi lại nhìn vào cơn mưa chờ đợi... Hòa được vào đội tuyển học sinh giỏi của lớp. Hôm đứng trên bục nhận giải thưởng, em xúc động nhắc đến công ơn thầy cô, công ơn bố mẹ rồi dừng lại nhập ngừng: “Nhất là bố em ạ!”. Từ xa, bố Hòa mãn nguyện nở nụ cười với những chiếc răng vàng ố. Tôi hỏi: “Tại sao lại không phải mẹ mà lại là bố?” Em không ngập ngừng nữa: “Dạ, vì tối nào bố cũng giúp em giải toán và cõng em đi học mỗi hôm trời mưa ạ”. Tôi thích cái ngây thơ, trong sáng của trẻ em là vì vậy.
Hình ảnh Hòa được bố cõng đến trường trong mưa, những bước chân tập tễnh, ánh mắt long lanh khi tìm ra cách giải mới cho một bài toán, vẻ mặt buồn thiu hồi sáng, cái cổ rụt lại, mắt nhìn chằm chằm vào cái thước, toàn thân run lên bần bật,… và nhiều chi tiết khác như những thước phim quay chậm lướt qua lướt lại trong tôi.
Những thước phim quay chậm đó vô tình gọi lại trong tôi kí ức về một tuổi thơ tuyệt vọng. Tuổi thơ của chính tôi. Hôm đó là một đêm mùa Đông. Tôi tỉnh giấc bởi một luồng gió lạnh. Tôi mở mắt nhìn ra bầu trời tối đen. Gió mùa xào xạc lùa qua khe hở của tấm phên nứa. Bố ôm tôi vào lòng, sờ nắm khắp cơ thể. Bố hôn lên vai, lên mặt, lên đầu tôi. Bố hay mắng tôi chạy nắng nhưng lại thích cái mùi tóc, mùi mồ hôi khen khét của tôi. Tôi nằm im thưởng thức sự vỗ về của bố rồi lại ngủ thiếp đi. Sáng dậy, tôi không thấy bố nữa. Mẹ ngồi sụt sùi khóc. Tôi lờ mờ hiểu ra một chuyện gì đó không bình thường giữa mẹ với bố. Rồi bố không về nữa. Những đêm đông lạnh giá chỉ có hai mẹ con ôm nhau ngủ. Cơn gió bấc vẫn xào xạc tầu lá chuối khô mỗi đêm. Đêm nào ngủ tôi cũng mơ thấy bố. Bố về ôm chặt lấy tôi, hít hà lên mái tóc khen khét của tôi. Tỉnh dậy, tôi muốn gào lên thật to nhưng rồi lại cố im lặng vì sợ mẹ buồn. Bố đi đâu? Giờ này bố đang làm gì? Bố có nhớ mẹ con mình không? Bao câu hỏi cứ đặt ra trong đầu tôi: Giằng xé và bế tắc. Sợ tôi buồn nên có lần mẹ ôm tôi thì thầm: Bố có khoảng trời của bố, lớn lên con sẽ hiểu.
Hòa bằng tuổi tôi ngày đó.
Tật nguyền cả tay và chân nhưng tôi mừng cho trò cưng được sống trong tình yêu thương của cả bố và mẹ. Nhìn ánh mắt Hòa tìm kiếm bố mỗi khi tan trường trong những ngày mưa là đủ biết em vui sướng nhường nào.
Mới đó mà trời đã sáng, tôi vội vàng lên lớp.
- Thưa thầy, chúng em không hiểu vì sao bạn ấy nghỉ ạ!
Hòa không đi học. Lòng tôi trống vắng lạ thường.
Con đường làng đổ bê tông uốn lượn như con rắn gấp gáp trườn qua khe suối, tuông qua bụi rặm, rồi thong thả vòng qua các con thung đầy lúa… “Anh rẽ vào đường đất, lội qua một con suối nhỏ nữa là đến nhà Hòa”. Tôi cảm ơn người nông dân thăm đồng rồi tiếp tục đi. Ngôi nhà nhỏ xíu, nằm cạnh chân đồi hiện lên trong mắt tôi. Căn nhà hai gian, được xây bằng gạch cốm tự đóng. Thứ gạch chủ yếu được dùng để xây công trình phụ hoặc nhà ở tạm. Nhưng được cái gọn gàng. Tôi bước vào nhà. Căn nhà lạnh ngắt, tối om. Nhìn mãi, tôi mới thấy có bóng người nằm ẹp ở góc giường phía trong. Tôi lên tiếng và rón rén bước lại. Hòa mở mắt. Cánh cửa sổ mở toang. Cậu ngạc nhiên ngồi phắt dậy, dụi mắt.
- Em bị sao à?
Tôi đưa tay xoa nhẹ lên đầu, rồi dừng lại ở trán.
- Trời ạ, sao em nóng ran thế này. Em nằm xuống đi.
Hòa ngoan ngoãn nằm xuống. Em lần lượt trả lời những câu hỏi của tôi bằng cách gật, hoặc lắc đầu một cách yếu đuối. Một lúc, không thấy người nhà, tôi hỏi:
- Bố mẹ em đi đâu?
Hòa ngước nhìn ra ngoài, định nhún người ngồi dậy. Tôi hiểu em định nói gì, ra hiệu cho Hòa nằm xuống. Miệng thở phì phò, đôi mắt Hòa cụp xuống, buồn thiu.
- Hình như em vừa ốm vừa có chuyện gì buồn phải không?
Hòa định nói gì đó nhưng lại thôi. Cậu xoay người, nhìn ra phía cửa sổ đầy nắng như giấu đi những giọt nước mắt trực rơi trên má. Tôi nhìn theo em về phía cửa sổ. Khoảng trời trong veo.
- Ai đấy ạ? - Một người mẹ trẻ bước vào nhà, giọng nói nhẹ có phần yếu ớt như người mới ốm dậy. - Ôi! Chào thầy!
Đó là mẹ Hòa. Đôi mắt sáng, đen láy nhưng hàng mi cụp xuống, đượm buồn. Người mảnh dẻ, nước da xanh xao. Người thiếu phụ tất tả xuống bếp pha nước. Cái bếp nho nhỏ chỉ tầm vài mét vuông nằm cạnh hai gian nhà, chỉ đủ cho chỗ ngồi nấu và vài thứ đồ bếp đơn giản.
Hòa kéo tay tôi lại như định nói nhỏ điều gì nhưng lại thôi. Tôi xoa lên trán Hòa, quay người xuống bếp:
- Hòa sốt cao lắm chị à.
- Dạ, do trở trời, cháu nó sốt, chưa kịp xin thầy cho nghỉ ạ! - Mẹ Hòa ngước nhìn tôi, đôi mắt buồn cố tỏ ra lanh lợi - Cháu nó lại có tội gì phải không thầy, chả biết học hành thế nào mà cũng hay nghịch lắm. Có gì thầy cứ dạy bảo đến nơi giúp em.
Cháu ngoan. Tôi ngồi nói về việc học hành của Hòa, về cách điều trị các bệnh cúm mùa, tay xoa bóp cái chân bị tật nguyền... Hòa áp thân hình gầy guộc mặc tôi vút ve, vừa nghe thầy nói chuyện với mẹ, mắt vừa lim dim nhìn ra ô cửa sổ.
Tôi ra về. Chân bước vào thung lúa đủ sắc màu, chỗ thì bông đã gục đầu vàng xộm, chỗ lại đang biêng biếc làm đòng.
- Bạn Hòa ốm. Chiều nay các bạn đến thăm bạn ấy nhé!
Tiếng xì xào dưới lớp:
- Là tại bố bạn ấy!
- Cái gì? - Tôi nhìn vào lớp trưởng giọng gấp gáp.
- Thưa thầy, hôm qua bạn ấy đánh bạn Hùng là vì chuyện ấy. Bạn Hùng nói xấu bố bạn Hòa.
Tôi nhìn về phía Hùng.
- Thưa thầy - mặt Hùng tái mét: Bố bạn ấy bỏ nhà đi ạ!
Tôi vội nhìn về phía bên kia cửa sổ. Đám trẻ vẫn lao xao những câu gì không rõ. Những thước phim quay chậm lại lướt qua trong đầu tôi. Khoảng trời sau ô cửa vẫn trong veo như không hề chứa đựng những bí ẩn, sự tổn thương và cả niềm khát vọng nữa. Vững tin lên em! Khoảng trời phía trước luôn chứa đựng bao tình thương. Ta sẽ bắt gặp người thân yêu ta ở đó. Khoảng trời ấy luôn lấp ánh nụ cười và bao điều kì diệu trong cuộc sống.