Truyện ngắn: Mùa Thu khải hoàn

GD&TĐ - Những ngày mùa Thu kháng chiến toàn quốc, chàng thanh niên rời Thủ đô cùng đồng đội tiến quân lên Tây Bắc...

Minh họa: Vietpink
Minh họa: Vietpink

- Em và con về thôi. Anh đi, chuyến này chiến thắng trở về, gia đình mình đoàn tụ.

- Nhưng em lo lắm, chiến tranh biết bao giờ mới kết thúc. Em bụng mang dạ chửa thế này, sinh con rồi, nằm chờ anh và đồng đội, xót ruột lắm.

- Em yên tâm đi, kháng chiến nhất định sẽ thành công. Khi con mình chào đời, em hãy đặt tên con là Giải Phóng nhé. Đó là cái tên ý nghĩa, mang bao khát vọng của anh cùng tầng lớp thanh niên Hà Nội yêu nước. Nhất định bọn anh sẽ trở về.

Anh bộ đội dặn dò vội vã rồi chuẩn bị lên chuyến xe cuối cùng, rời Thủ đô để đến với Điện Biên Phủ.

Hà Nội những ngày tháng lịch sử ấy, chìm trong sự kìm kẹp của thực dân Pháp. Mặc dù không trải qua bom đạn ác liệt nhưng Thủ đô luôn là con mồi lớn của bọn thực dân. Bà Thanh ôm bụng bầu nặng nề bước qua dãy phố dài miên man, lúc này trời đang tối mịt mùng, đoàn quân đã đi xa, nước mắt người phụ nữ ấy âm thầm lặng lẽ rơi. Đứa con trong bụng hình như cảm nhận được nỗi buồn của mẹ, nó cựa quậy, muốn đạp chân ra khỏi không gian chật hẹp này.

***

Những ngày mùa Thu kháng chiến toàn quốc, chàng thanh niên rời Thủ đô cùng đồng đội tiến quân lên Tây Bắc thì nhận được mệnh lệnh gấp rút tiến công tiêu diệt địch ở Lai Châu. Cả đoàn quân lại hành quân trong đêm, được lệnh cắt đường đi của quân địch, không cho chúng đường lui về phía Điện Biên Phủ. Cùng lúc đó, anh nghe tin chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân ta tiến hành bám sát địch, bao vây Điện Biên Phủ và chuẩn bị chiến trường cho cuộc tổng tiến công.

Đến ngày 8/10/1954, tin vui báo về, các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội, người chiến sĩ ấy lại hăm hở vác súng, ba lô theo đoàn quân trở về. Mặc dù tâm trạng khấp khởi mừng, nhưng trong đoàn quân ấy, anh cũng chưa thể rẽ nhánh về với vợ con, về với ngôi nhà thân yêu của mình, đón chào đứa con đầu lòng.

Anh nhớ, tầm bốn giờ chiều thì đoàn quân đã tiến đến đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân. Lúc này mọi người đều trong tâm trạng mừng và phấn khởi, chờ những đơn vị tiếp theo phía sau, một đêm không ngủ, trằn trọc, thao thức, niềm vui cứ lâng lâng.

Đến buổi sáng ngày mùng 9, từ nhiều đường của ngoại thành, bộ đội ào ào tiến vào 5 cửa ô. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản đến đó. Buổi chiều đó, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.

Đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về, nhân dân đổ ra hai bên đường, phất cờ, tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các nẻo đường, cờ đỏ sao vàng rực rỡ, phấp phới bay trên các tầng nhà. Hai bên đường dậy lên khung cảnh đón đoàn quân giải phóng.

***

Ngày 10/10/1954 ấy, một bé trai mang tên Giải Phóng chào đời. Bầu trời mùa Thu trong veo, cả Thủ đô đang chào đón chiến thắng mới. Đứa con đỏ hỏn cất tiếng khóc váng lên trong ngôi nhà ngói cũ kĩ. Bà đỡ hân hoan:

- Ôi, con trai nhé, chào mừng con đến với Thủ đô. Giờ này, bố con chắc đang cùng đoàn quân chiến thắng trở về. Nghe đâu, chúng ta đã đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi thành phố rồi.

Bà Thanh ôm con, khóc trong niềm hạnh phúc. Tâm trạng bà buồn vui lẫn lộn. Ngoài kia, phố đang râm ran tin chiến thắng, không biết chồng mình có nằm trong đoàn quân trở về hay không, hay anh lại đang ở đâu đó trên chiến trường của Điện Biên Phủ. Bà âu yếm ngắm nhìn “Giải Phóng” tin rằng chồng mình sẽ được trở về, đoàn tụ với gia đình.

***

Mới đó thôi, thời gian trôi qua như cái chớp mắt. Chàng trai mang tên Giải Phóng ngày ấy, bây giờ đã là một ông già bảy mươi tuổi. Tuổi xế chiều, ngồi ngẫm lại những khoảnh khắc từng trải qua, vui buồn lẫn lộn, nhưng hơn hết đó là cái tên mà ông mang theo suốt những năm tháng cuộc đời.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố và cả cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, thì với ông, niềm tin về một Việt Nam hòa bình, phồn vinh; Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng luôn đẹp đẽ trong trái tim ông. Người con vinh dự được sinh vào đúng ngày Giải phóng Thủ đô, luôn là tấm gương, nghị lực và là niềm tin cho cả gia đình.

Mẹ ông kể lại rằng, ngày cả Thủ đô rợp trong cờ hoa, thì người mẹ trẻ ấy ôm con chờ bố trở về. Lòng bà khắc ghi câu: “Anh nhất định sẽ trở về”. Những ngày nằm trong buồng cữ, bà không khỏi mừng và sợ. Mừng vì không khí ngoài kia, cả Thủ đô Hà Nội đang hừng hực trong niềm vui đuổi được thực dân Pháp ra khỏi vùng đất kinh kì. Suốt chín năm ròng rã nằm trong sự kìm kẹp, mặc dù không có nhiều thương vong, không xảy ra những trận chiến ác liệt nhưng trái tim ấy bị bóp nghẹt bởi sự thống trị, chèn ép của bọn thực dân. Bà con mong chờ ngày giải phóng đến mức nào.

mua-thu-khai-hoan-8701.jpg
Minh họa: Vietpink

Cậu con Giải Phóng nằm trong bụng mẹ ngoan ngoãn lạ thường. Những ngày cận kề khai hoa, bà luôn nghe thông tin, theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Do đó, thực dân Pháp được Mỹ giúp đỡ âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho Chính phủ kháng chiến; ngăn trở không cho xây dựng Thủ đô Hà Nội; hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục miền Bắc, chúng muốn cướp nước ta một lần nữa. Chúng muốn ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn, làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và quốc tế. Lòng bà dâng trào bao nhiêu nỗi lo lắng. Không biết rồi đây Thủ đô, trái tim của mình, cuộc sống của mình sẽ như thế nào.

***

Đêm khuya khoắt ngày 10/10/1954, người chiến sĩ được đơn vị cho về nhà. Mặc dù đã hành quân bao nhiêu ngày, ngấm những mệt mỏi, nhưng khi đứng trước cửa nhà, mùi dành dành bay ra, quện lấy không khí đang tưng bừng của Thủ đô hôm đó, anh hét toáng lên:

- Giải Phóng ơi, bố về rồi, bố về rồi này!

Cửa nhà bật tung, ông nội, bà nội và mọi người chạy ra. Mẹ Giải Phóng cũng ôm con mới đỏ hỏn bước tới đón bố. Anh ôm chầm lấy vợ, long lanh mắt khi thấy đứa con của mình đang ngủ ngon lành. Cả nhà quây quần bên nhau. Anh hí hửng kể về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta.

“Này nhé, hôm đó mới sáng mồng 9 thôi, tiếng hát “Vì nhân dân quên mình” vang lên trên những ngả đường vào Bạch Mai, Kim Liên, ô Cầu Giấy. Quân đội ta, hàng ngũ nghiêm chỉnh, tiến vào giải phóng Thủ đô. Trên Quốc lộ số 1, nhìn về Hà Nội, ánh đèn điện Bạch Mai gần hơn. Ánh điện báo hiệu công nhân và toàn thể nhân dân Hà Nội đang chờ bộ đội trở về.

Một bà cụ già thốt lên: “Bao nhiêu năm trời rồi, nay mới có ngày sung sướng”.

Các em bé đứng lên những chỗ ao nhất, vỗ vỗ đôi bàn tay nhỏ xinh. Rồi có một cụ già ôm cháu thơ vào lòng: “Vinh ơi, có thích không cháu?”.

Không biết từ lúc nào, tấm biểu ngữ đỏ thắm chữ vàng đã chăng qua đường với dòng chữ: “Hoan nghênh quân đội nhân dân anh dũng vào giải phóng Thủ đô”.

Quân đội ta tiến đến đâu cờ đỏ sao vàng mọc ra đến đấy. Trên nóc nhà, trên hiên gác, nhà nào nhà ấy treo cao những lá cờ đã lắp cán sẵn. Nhiều cửa đóng kín từ lâu nay bỗng mở tung ra. Sau bao năm xa cách, lần đầu tiên bà con mới lại nhìn thấy người chiến sĩ anh dũng của quân đội nhân dân xông pha chinh chiến, trăm trận trăm thắng.

Anh đã hòa cùng đồng bào hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm!”. Khi đó, đứng trên tầng cao, nhìn ngược về dốc Hàng Gà, phố xá đã trở thành một dòng sông đỏ cờ và biểu ngữ. Bộ đội ta đứng giữa lòng nhân dân Hà Nội. Lòng nhân dân Hà Nội vốn giàu nhiệt tình cách mạng. Các em nhỏ quấn quýt lấy các anh bộ đội và hỏi han ríu rít: “Bao giờ Bác Hồ về hở các anh? Các anh sẽ chép bài hát cho các em nhá”...(1)

***

Suốt bảy mươi năm cuộc đời, chàng trai Giải Phóng cũng đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Kon Tum, Gia Lai, tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn thống nhất đất nước. Trở về Thủ đô, Giải Phóng tiếp tục học đại học lĩnh vực xây dựng. Chính những năm tháng trong cái nôi của cách mạng, ông đã thấm nhuần tư tưởng của bố và gia đình để lại.

Bảy mươi năm, Hà Nội với bao nhiêu đổi thay, thăng trầm của lịch sử. Bây giờ, những ngày tháng 10 cận kề, ông lại không khỏi xúc động, nhớ về những năm tháng lớn lên cùng bố mẹ, gia đình và cái tên “Giải Phóng”. Sau này, đi học ai cũng bảo, “bố mẹ giao trọn niềm tin của Thủ đô cho ông rồi đấy”. Ông cười hiền, giấu niềm tự hào vào những bước hành quân, những trang sách cuộc đời.

Những ngày bão bùng ập đến Thủ đô, bao nhiêu cây gãy đổ, nước sông Hồng cuồn cuộn chảy. Ông lại một lần nữa thấy sự kiên cường của người dân mình trong bão tố. Năm nay, Thủ đô đón chào 70 năm ngày Giải phóng, không khí đang tưng bừng trên mỗi con phố, góc chợ, nẻo đường. Sẽ lại có một Hà Nội hào hoa, rực rỡ đón chào ngày giải phóng, mình tin như thế - ông vừa bước đi vừa nghĩ suy. Miên man về những tháng năm lịch sử hào hùng ấy.

Tiếng bà văng vẳng:

- Mai Hà Nội làm lễ mít tinh đấy, ông tham gia chứ?

- Có chứ, không lẽ “Giải Phóng” không đi.

_________________________________

(1) - Nội dung trong báo Nhân dân, số ra ngày 09/10/1954 thông tin về niềm vui giải phóng của nước ta thời bấy giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.