Truyện ngắn: Nắng mới đã về

GD&TĐ - Nghe mẹ bảo bao giờ nắng về lũ và mưa sẽ hết, Thảo Nhi rúc đầu vào lòng mẹ nũng nịu: 'Nếu nắng chưa về, con ứ học bài…'.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Thế là Thảo Nhi đã được đến trường. Lần đầu tiên cô bé sống trong cảm giác háo hức như thế. Mái trường nằm ngay bên kia đồi, có một lá cờ đỏ thắm. Bao năm nay, cứ mùa Thu đến tiếng trống lại vang lên náo nức. Giờ, chỉ có còn đợi nắng vàng trải trên con đường nhựa nữa là Thảo Nhi tung tăng chạy sang.

Cạnh trường là con suối Na. Mọi khi suối hiền hòa nhưng mấy hôm nay nó cồn cào dâng nước chia cắt con đường từ đây sang đó. Tối đến, nghe mẹ bảo bao giờ nắng về lũ và mưa sẽ hết, Thảo Nhi rúc đầu vào lòng mẹ nũng nịu:

- Nếu nắng chưa về, con ứ học bài…

Mẹ xoa đầu bé:

- Con gái nhỏ à, áo đồng phục mới mẹ giặt đã khô, treo trong tủ quần áo. Sách mẹ đã bọc, vở đã dán nhãn, ghi tên con rất đẹp. Cặp sách mẹ mua có chú mèo hồng hello kitty. Con ngoan tập đánh vần, tập viết nét là nắng sẽ về…

Thảo Nhi nghe thế thì thấy an tâm phần nào nhưng đến sáng hôm sau nắng vàng vẫn chưa về mà mưa thêm nặng hạt. Chú mèo con màu golden tai cụp chốc chốc lại ra hiên ngóng nắng cùng cô chủ nhưng bị những giọt mưa tinh nghịch bắn vào mắt nên vội vã chạy vào. Làm sao đuổi được cơn mưa đi, đón nắng vàng về, làm sao tát cạn con suối kia… bao nhiêu ý muốn cứ vang lên trong đầu bé. Thảo Nhi lo lắng thế mà bố mẹ thì cứ lặng thinh, đến bữa cơm bố nói với mẹ:

- Anh xem tin tức thấy trên ấy mưa to lắm, trôi cả nhà, sạt cả đường.

Mẹ nhỏ nhẹ:

- Năm nào cũng thế, may thì thiệt hại ít, chứ ai biết được tính ông trời.

Nghe người lớn nói thế, Thảo Nhi lại càng tức. Đã thế, mèo con cứ dụi vào chân, cô bé gắt:

- Em cút ra kia cho chị, chị không vui tí nào. Bao giờ nắng chị mới vui được ấy.

Bố nghe thế thì bịt miệng cười rồi quay sang vỗ về con gái:

- Con gái nhỏ, sao con lại bực bội với cả em mèo?

Thảo Nhi lườm bố rồi chạy lên phòng ôm gấu bông khóc thút thít, mặc cho mèo con cào cửa kêu meo meo đòi vào…

Mười hai giờ đêm hôm ấy, chuông điện thoại bên phòng bố mẹ bỗng vang lên. Thảo Nhi bừng tỉnh, lắng nghe. Thỉnh thoảng lại có tiếng “vâng”, “vâng” của mẹ. Trời vừa hé sáng, mẹ đã dậy sửa soạn, một tay mẹ dụi mắt như đang khóc. Bố cũng khoác áo lấy xe đưa mẹ đi vội vã. Thảo Nhi lo lắng nhưng vì chưa hết cơn giận nên mặc kệ cứ nằm lì.

Cuốn lịch trên tường lại bớt đi một tờ, nắng vẫn chưa về. Bố bảo Thảo Nhi lấy sách ra cho con gái tập viết nét. Bỗng Thảo Nhi nghe thấy tiếng người lao xao dưới con suối. Ngó thấy bố đang mải mê làm việc, Thảo Nhi xỏ dép, khẽ khàng hé cửa ra ngoài rồi ba chân, bốn cẳng chạy tới xem. Mọi người đang xúm đông ở bờ suối bàn tán. Ở chỗ bờ kè uốn khúc, một chiếc cặp sách màu xanh đang mặc kẹt. Nó từ đâu tới nhỉ? Tò mò quá, mèo con cũng đang hồi hộp đứng dưới chân.

Bác Lâm lấy cây sào hay dùng để hái quả kéo được chiếc cặp đó lên. Khi nước đã được trút hết, mọi người mở cặp ra xem thì thật bất ngờ, đó là mấy quyển vở đã mục ra vì ngấm nước, mấy chiếc bút chì và một chú mèo được gọt đẽo bằng gỗ. Bác Lâm khẳng định đó là của trẻ con ở bản phía thượng nguồn. Mọi người tỏ ra lo lắng không biết tính mạng của em và gia đình thế nào. Khi chú mèo gỗ được lau khô, Thảo Nhi nhìn thấy ở lưng có khắc hai chữ rất nhỏ mà bé chưa thể đánh vần được.

Tối ấy, khi ngồi ăn cơm, bố cố dỗ dành Thảo Nhi ăn nhanh vì bố sợ lại mất điện đột xuất. Mấy hôm mẹ vắng nhà, bố chỉ biết làm món thịt luộc, trứng luộc, đậu luộc, rau luộc… thật nhàm chán. Nhưng tối nay, cô bé ăn chậm còn vì mải nghĩ đến chiếc cặp, chú mèo gỗ và một người bạn mơ hồ nào đó. Vừa đặt bát xuống, cô bé chạy lên phòng.

- Thảo Nhi không ăn hoa quả à? Vừa ăn xong không được nằm ngay đâu nhé con…

Mặc cho tiếng bố gọi với sau lưng, bé đã lên mở cặp, lấy quyển sách mẹ mua ra để tìm hai chữ trên lưng mèo gỗ. Thảo Nhi đọc chưa thạo nhưng vốn có trí nhớ rất tốt. Bé tìm, tìm mãi được một chữ, còn chữ thứ hai thì… bé chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Thảo Nhi mở cửa, một cậu bé hiện ra ở bậc thềm, khuôn mặt lo lắng.

- Bạn có việc gì đó?

- Tớ tìm mèo để tớ với mèo cùng đến lớp.

- Mèo nhà bạn màu gì?

- À, mèo nhà tớ màu… mèo nhà tớ không cần ăn đâu, cứ thế bỏ vào cặp đi theo tớ thôi…

- Vậy thì tớ sẽ dẫn cậu đi tìm, tớ biết ở đâu rồi.

Thảo Nhi vội vã dẫn bạn chạy đi tìm nhưng chú mèo con cứ quấn lấy chân làm cô bé không sao bước được. Thảo Nhi tức tối quát: “Miu có nghe lời chị không?”.

Tiếng “meo”, “meo” làm cô bé tỉnh giấc. Ôi, đó chỉ là giấc mơ thôi mà, còn em mèo đang ngậm gấu quần Thảo Nhi lôi đi. Theo thói quen, cô bé biết mèo con đang có chuyện gì vui mừng. Vừa chạy xuống dưới nhà, bé thấy mẹ đã về, mẹ ôm Thảo Nhi vào lòng với mùi ẩm ướt từ bộ quần áo. Bố hỏi mẹ dồn dập:

- Bà con trên quê thế nào em?

- Cơn lũ qua nhanh quá, may mà người không thiệt hại gì chứ nhà cửa thì…

- Ừ, anh xem tivi với Facebook cũng thấy thế, lo nhất là bọn trẻ…

Mẹ cúi đầu buồn bã, áp cằm vào má Thảo Nhi:

- Tụi trẻ bằng tuổi con gái mình giờ không còn quần áo mới và sách vở đến trường. Lũ cuốn trôi hết. Nghĩ mà tội quá.

Bố đặt tay lên vai mẹ an ủi:

- Hết mưa là nắng, rồi mọi thứ sẽ khá lên, chỉ cần mỗi người chung tay một chút…

Thảo Nhi nghe thấy thế thì ngẩng lên hỏi bố:

- Hôm nào nắng hả bố?

- À, nắng của ông trời có thể mai kia, hoặc chậm vài ngày. Nhưng mình cũng có thể tạo ra nắng con à. Con có muốn góp sức làm ra nắng với bố mẹ không?

Cô bé bướng bỉnh suy tư, vầng trán bé bỏng hơi nhăn rồi khẽ gật đầu. Mẹ mở điện thoại cho Thảo Nhi xem một clip mà mẹ quay được ở bản trong cơn lũ. Nơi ấy là quê mẹ, nơi mẹ đã lớn lên trong gian khó. Xem xong, cô bé rơm rớm nước mắt sà vào lòng mẹ.

- Con gái nhỏ à, nắng về chưa bao giờ muộn cả, nắng ở ánh mắt yêu thương chứ đâu cần đợi ánh nắng ngoài kia. Mình đợi nước lũ rút là sẽ lên ngay với các bạn con nhé.

Mưa tạnh, cả nhà Thảo Nhi và đoàn thiện nguyện mới lên được với bản nhỏ nơi thượng nguồn suối Na. Nước rút đi để lại những dấu vết của sự thiệt hại, mất mát nhưng người dân đang hăng hái dọn dẹp, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Đoàn dừng xe, khuân những thùng hàng xuống trao tặng bà con. Người lớn thì được nhận những bao gạo, thùng mì, trẻ em được nhận sách vở, quần áo. Trong số đó có cả mấy chiếc bút chì, thước kẻ mà Thảo Nhi mới mua tặng các bạn nhỏ từ tiền mừng tuổi trong con lợn đất. Khi sắp ra về, cô bé thấy một bạn tầm tuổi mình đứng ở gốc cây. Nhìn quần áo bạn lấm lem, tay cầm chiếc bút đang viết gì đó lên vỏ cây nhìn thật ngộ nghĩnh, cô bé liền tiến lại:

- Cậu làm gì đó?

Cậu bé giật mình quay lại nhìn Thảo Nhi ấp úng:

- Tớ vẽ chú mèo, chú mèo của tớ đã bị lũ cuốn trôi rồi.

- Thế cậu tên là gì? – Cô bé hỏi lại.

- Tớ tên xấu lắm. Là Văn Bàn.

- Hì, có phải cậu tìm chú mèo này không?

Nói rồi, Thảo Nhi lấy từ trong cặp ra đưa cho bạn.

- Ôi!, đúng rồi, sao cậu lại có nó?

Thảo Nhi giảng giải từ lúc nhặt được trong cặp sách như thế nào. Bàn vừa mân mê chú mèo gỗ vừa kể:

- Đây là thứ duy nhất mà bố để lại cho tớ. Bố tớ mất rồi, mai kia sẽ không còn được bố đưa đến trường, chỉ còn mèo gỗ đi học, mà bạn ấy còn là góc bí mật của tớ nữa đó.

- Bí mật gì?

Bàn khẽ xoay, từ trong thân chú mèo gỗ lộ ra một ngăn nhỏ. Trong đó đựng những viên bi nhỏ lấp lánh dưới ánh sáng. Thảo Nhi chưa từng thấy những viên bi đẹp đến thế, vừa lúc ấy Bàn reo lên:

- Nắng, nắng rồi kìa.

Đúng là nắng đã về, Mặt trời hiện lên giữa đám mây trong niềm vui vỡ òa. Ánh nắng phản chiếu lên những viên bi. Bàn dạy Thảo Nhi cách chơi, trò chơi mà chỉ trẻ em miền núi còn lưu giữ. Dưới trời xanh và nắng vàng, đôi bạn nhỏ nô đùa với tiếng cười hồn nhiên trong trẻo…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bùi Tiến Dũng lâm cảnh thất sủng khi rời Hoàng Anh Gia Lai.

Bùi Tiến Dũng thất sủng

GD&TĐ - Chia tay Hoàng Anh Gia Lai, thủ môn Bùi Tiến Dũng đang phải đối diện với cảnh thất sủng ở Câu lạc bộ TPHCM.