Truyện ngắn 'Hai người ăn Tết lạ' của Nam Cao: Hoàn lương giữa đêm tối

GD&TĐ - Sức sống của văn chương đích thực ngẫm thật tuyệt, có những áng văn xưa và rất xưa vẫn còn vang bóng thời gian, để nhớ để thương...

Chân dung nhà văn Nam Cao.
Chân dung nhà văn Nam Cao.

Đọc truyện “Hai người ăn Tết lạ” của cố nhà văn Nam Cao, người ta xót đau cho phận người đói khổ, mến phục tài năng của một cây bút truyện ngắn bậc thầy.

Tận cùng đói khổ

Tài danh của Nam Cao trên văn đàn dân tộc gần trăm năm nay gắn với những tác phẩm đặc sắc như: “Sống mòn”, “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Một bữa no”, “Một đám cưới”, “Trẻ con không được ăn thịt chó”... Truyện ngắn “Hai người ăn Tết lạ” thuộc trường hợp “đứa con” bị “thất lạc” của Nam Cao, rất ít độc giả biết đến. Theo tìm hiểu, truyện chỉ xuất hiện một lần trong tập “Những cánh hoa tàn” do GS Hà Minh Đức tuyển chọn, được Nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành năm 1988. Đọc truyện, nỗi ám ảnh bậc nhất với tôi là cảnh đời đói khổ trong đêm ba mươi Tết lạnh lẽo gió gào rít, bóng tối mịt mùng.

“Đói ăn vụng, túng làm liều”. Tên trộm trong truyện rơi vào hoàn cảnh bi đát, có đâu mà “ăn vụng”, thành thử phải “làm liều”, đi ăn trộm những mong kiếm được miếng ăn. Thiếu thốn khiến người ta làm chuyện phi pháp bất lương. Cái bụng “Đểu! Đểu! Đểu!” làm tội cái thân tên kẻ trộm. Giọng kể của Nam Cao dửng dưng, lạnh lùng, mà giàu tính triết luận: “À! Ra thế. Đểu, chính là cái bụng. Cái bụng lâu lâu không được ăn là nó đói. Nó đói thì chân tay bủn rủn. Người rét tợn. Ruột gan bộ rộ. Trăm thứ khổ do đấy mà sinh ra. Khổ nhất là những kẻ đêm hôm rét mướt thế này mà phải đi lùng cái ăn...”.

Biệt tài miêu tả tâm lí giúp nhà văn nói đủ cái nguy, cái rủi ro tên trộm sẽ đối diện: “Tức khắc, hắn nghĩ rằng: Đi ăn trộm thì cực lắm. Giời thì rét. Sương buốt như kim nhọn. Chó của nhà giầu dữ lắm. Những nhà giầu chỉ ngủ bằng một mắt. Giậu nhà họ kín. Tường nhà họ chắc. Họ ghét trộm như ghét rắn trông thấy đâu là đánh đấy. Đánh chết cũng không thương hại.”. Song, cực vẫn phải đi, bụng đói chân bước. Cái tặc lưỡi: “Đánh, ông cũng cóc sợ. Ông lại đi đây này” của tên trộm khiến người đọc nhận thấy được sự liều, nhưng hơn hết là cảnh ngộ túng quẫn của gia cảnh.

Giả sử, cái bụng “đểu” kia không làm tội, có lẽ tên trộm làm bạn với ổ lá chuối khô cho ấm chứ không đi ăn cắp trong đêm ba mươi “rất tối, giời đen nghìn nghịt”. Cái đói đẩy người ta đến sự liều, và cả sự bất lương, tội lỗi. Dõi theo mạch truyện, tôi cứ nghĩ mãi đến mấy câu văn này: “Ồ, đã đành rằng: Sinh ra đời, thằng nào cũng mong có của ăn của để cứ hơi đói là ăn. Nhưng ăn đủ thì thôi. Còn thì cho người khác làm ăn với. Tích làm gì lắm? Tích làm gì vậy? Trong một cái làng này, có biết bao nhiêu thằng chẳng ngày nào không phải đói...”.

Cách dùng từ của Nam Cao xứng đáng bậc thầy, tinh tế sâu sắc: “Còn thì cho ngươì khác làm ăn với”. Nên nhớ, “làm ăn với” chứ không phải “ăn với”. “Ăn với” nghiêng về chia sẻ, hoặc bố thí, ban phát; “làm ăn” mang hàm nghĩa khác, tạo cơ hội cho kẻ bần hàn được cày cuốc mưu sinh tạo dựng cuộc sống lâu dài bằng mồ hôi chân chính. Sự bóc lột, vơ vét của bọn cường hào, địa chủ nơi làng quê ngày đó đẩy người nông dân vào nghịch cảnh đói khổ, tha hóa. Số phận của tên trộm đêm ba mươi Tết chắc hẳn không phải cá thể bởi “một cái làng này, có biết bao nhiêu thằng ngày nào không phải đói” như lí sự tên kẻ trộm đã nêu trong truyện.

Kẻ đói gặp người nghèo, buồn ngủ ước gặp chiếu manh đâu ngờ chạm vào lá nát. Tên trộm đói, lê bước canh khuya, nhưng đêm giao thừa người ta thức, đèn sáng, tuần đinh lại thổi tù và tu tu, nguy cơ trở về tay không hiện rõ. Thế rồi, “vừa nghĩ hắn đã gặp một nhà không có lửa. Mà cũng không có chó: Hắn đi sát giậu mà không nghe tiếng sủa. Hắn tìm một chỗ giậu thủng chui luôn vào”. Trớ trêu thay, ao ước trộm “cá kho, thịt đông, bánh chưng, giò mỡ” vụn vỡ, vợ chồng nhà nghèo này ăn Tết bằng ngô rang, hoàn cảnh nào khấm khá hơn tên trộm, rách gặp tả tơi, ai cũng khổ như ai.

Đôi vợ chồng ăn Tết lạ đó cũng là hiện thân cho cảnh đói nghèo đến tội nghiệp xót xa. Viết về cái đói, cái khổ ngòi bút Nam Cao vẻ ngoài dửng dưng mà sâu thẳm yêu thương, luôn day dứt băn khoăn cho số phận con người. Để rồi, giữa bóng tối, ngòi bút nhân đạo của nhà văn làng Đại Hoàng vẫn tìm thấy ảnh sáng lương tri nơi con người giữa tận cùng đói khổ, bi ai. Ẩn sau trang viết là niềm thương cảm xót đau của người cầm bút.

Bìa tập truyện “Những cánh hoa tàn”.

Bìa tập truyện “Những cánh hoa tàn”.

Thức tỉnh kịp thời

“Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người” (Geogre Sand). Chân lí đó rất đúng với trường hợp nhà văn Nam Cao qua câu chuyện về tên ăn trộm đêm ba mươi Tết có một không hai này. Giả sử, giữa cái đêm định mệnh kia, tên trộm lẻn được vào một gia đình khá giả, hắn ta chôm được nào là giò, nào là bánh chưng thịt kho, thậm chí cả chè rượu nữa thì chắc chắn cái dạ dày của hắn ta đầy lên và bản tính thiện làm nên phẩm chất Người sẽ vùi lấp và tan biết đi. Cái tài của cây bút truyện ngắn bậc thầy Nam Cao là đặt nhân vật của mình vào một tình thế oái oăm, mong manh nhất giữa còn tính người hoặc mất tính người, bất lương hoặc hoàn lương. Thế rồi, trên bờ vực thẳm đó, tình yêu và niềm tin bất diệt vào con người giúp ông viết nên câu chuyện chân thực, xúc động hướng con người ta đến ánh sáng của cái thiện.

Đọc truyện, tôi nghĩ mãi đến phần kết mang tính bước ngoặc. Ở đó, nhà văn tả lại một cách tỉ mỉ hành động ăn căp ngô rang của anh trộm, những chuyển biến trong suy nghĩ hành động của nhân vật: “Anh trộm mừng rỡ lắm. Anh bốc vội bốc vàng mấy nắm ngô rang bỏ đầy hai túi. Như vậy thì trong rá hết nhẵn, không còn một hột. Anh ngẩn người ra một chút. Chừng như anh nghĩ ngợi... Bỗng anh móc túi lấy ngô bỏ vào cái rá. Anh móc ra một túi. Còn một túi anh giữ lại. Anh thở dài một tiếng, đi ra cửa, ra sân, ra khỏi giậu... Anh rón vài hột, nhai công cốc. Chà! Ngon quá! Anh muốn ăn vài hột nữa, nhưng cố nhịn. Anh nghĩ đến vợ, đến cái ổ lá chuối và cái rá. Quên cả rét, anh chạy thật nhanh về nhà”.

Cái tặc lưỡi liều lĩnh lúc đầu truyện đẩy tên trộm vào con đường bất lương ăn cắp. Ngược lại, cái tấm tắc “chà! Ngon quá!” ở cuối truyện này thúc giục bước chân anh ta trở về trong niềm khát khao yêu thương, tổ ấm. Gã chồng “lúc nào mặt cũng chau chau. Hai mắt đỏ ngầu. Mồm động há ra là chửi tục hay cấm cảu. Y như hằn học với ai suốt đời” đã thay đổi. Tính thiện được níu lại, lòng yêu đã trở về. Anh trộm nghĩ đến vợ, anh ta thèm thuồng cái hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo. Và trong khoảnh khắc đó, tên trộm chợt nhận ra, hạnh phúc bình dị nếu muốn, hắn cũng có thể như họ được.

Chỉ có điều, bấy lâu “hắn không âu yếm vợ. Cái ấy là lỗi của hắn. Hắn chẳng giết ai, nhưng giết chết lòng yêu”. Cảnh đôi vợ chồng ăn ngô rang đón Tết cùng những lời dịu ngọt “tay ải, tay ai” đã thức tỉnh lương tri, hồi sinh lòng yêu trong trái tim anh trộm cộc cằn lâu nay cầm dao quèn quẹt vào miệng vại dọa giết vợ. Người đàn ông thô bạo sẽ trở lại làm người chồng biết nghĩ, biết yêu thương. Kết thúc truyện, ngày mai của anh trộm ra sao, nhà văn không nói, nhưng người đọc vẫn tin và hi vọng, trong cái đêm ba mươi Tết bóng tối bủa vây nơi thôn nghèo xóm vắng, anh trộm đã tìm thấy được ánh sáng để hoàn lương và làm lại cuộc đời.

Tài năng truyện ngắn

Quá trình phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nam Cao giữa một vị trí riêng quan trọng. Đau đáu với nghiệp cầm bút, ông tâm niệm “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” (Đời thừa). Nhìn lại sự nghiệp văn chương của Nam Cao, người ta day dứt với kiệt tác “Chí Phèo”, trăn trở cùng kiếp “Sống mòn”, nhói đau với “Lão Hạc”, “Tư cách mõ”... Mỗi văn phẩm hàm ẩn những giá trị riêng song tựu chung đều làm nổi bật nét độc đáo của phong cách nghệ thuật nhà văn. Truyện ngắn “Hai người ăn Tết lạ” tựa như một thanh âm góp vào bản hòa âm nghệ thuật đặc sắc truyện ngắn Nam Cao.

Tài năng của người viết trong thiên truyện thú vị này là sáng tạo được một tình huống độc đáo: Hắn đi ăn trộm đêm ba mươi Tết, lại trộm đúng một gia chủ nghèo, vợ chồng nằm ổ lá chuối khô ăn ngô rang đón năm mới. Từ tình thế tréo ngoe đó, diễn biến cốt truyện được kể hấp dẫn, người đọc dõi theo hành trình của tên kẻ trộm từ nguy cơ tha hóa, bất lương đến hoàn lương. Số phận, tính cách nhân vật được khắc họa đậm nét, chiều sâu tư tưởng chủ đề tác phẩm dần bộc lộ. Người ta có thể rơi vào nghịch cảnh, song ánh sáng lương tri sẽ còn, nếu được thức tỉnh bằng ấm áp yêu thương. Thế nên, câu chuyện về cái nhỏ nhặt, xoàng xĩnh đời thường vẫn có những ý nghĩa đặc biệt.

“Hai người ăn Tết lạ” đích thực là một truyện ngắn rất Nam Cao. Ngòi bút biệt tài diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật của nhà văn được phát huy cao độ. Từ đầu đến cuối truyện, tác giả đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật tên kẻ trộm: Cau có, bực tức bởi cái bụng đói; liều lĩnh dứt khoát, suy đi tính lại về việc đi ăn trộm; day dứt, ân hận bởi bấy lâu giết chết lòng yêu; bừng tỉnh, khao khao tổ ấm yêu thương... Quá trình tâm lí nhân vật được miêu tả chân thực, dở khóc, dở cười, dõi theo diễn biến của truyện, người đọc mến phục tài năng, sự am hiểu tâm lí con người của nhà văn.

Truyện được kể với một giọng điệu riêng, dửng dưng, chua chát mà đầy cảm thương. Dường như, nhà văn cố tình tạo khoảng cách khi đặt tên nhân vật “hắn - tên trộm”, nhưng ẩn sau trang văn là niềm day dứt khôn nguôi cho số phận con người. Có thể nói, giá trị sức hấp dẫn của truyện được làm nên bởi chiều sâu ý nghĩa và cả những dấu ấn đậm nét của tài năng nghệ thuật truyện ngắn Nam Cao.

Có những trang văn viết từ hôm qua còn vẹn nguyên giá trị với hôm nay và cả mai sau. Truyện ngắn “Hai người ăn Tết lạ” của Nam Cao được viết từ trước cách mạng tháng tám năm 1945 vẫn mang tính thời sự. Nhân sinh bảy nổi ba chìm, dòng đời chông chênh, đục trong lẫn lộn. “Hành trình làm người của con người, nhất là những người bị tha hóa đi tìm lại phẩm cách, thiên lương” rất cần được coi trọng quan tâm. Mong sao, giữa cuộc đời chìm nổi, người ta biết dừng lại để giữ thiện lương như anh trộm ngày xưa trong câu chuyện của Nam Cao. Câu chuyện Nam Cao viết cách đây mấy mươi năm có vai trò thức tỉnh lương tri với những ai đó đánh mất mình muốn làm lại cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.