Truyện ngắn: Người bảo vệ

GD&TĐ - Sinh ra và lớn lên ở khu rừng này, từ khi lọt lòng cho đến trưởng thành Hận quen với cuộc sống bìa rừng, làm bạn với muông thú và cây cối.

Truyện ngắn: Người bảo vệ

Hận đang ngồi dưới gốc cây pơmu, mệt nhọc giở đụn cơm trắng muối vừng ra ăn. Buổi trưa đứng bóng, cây xòe tán rộng, mát rượi. Dòng suối bên cạnh róc rách chảy. Ngày thứ hai theo đoàn đi khảo sát thực tế khu rừng, chuẩn bị báo cáo cấp trên về tình trạng chặt phá rừng ở đây, Hận thấy oải.

Suốt ba mươi lăm năm ở đất này, chưa bao giờ anh thấy tình trạng lâm tặc hoành hành, phức tạp và có chiều hướng manh động như bây giờ. Đối với chúng, một cán bộ kiểm lâm như anh chẳng là gì cả. Chúng ngang nhiên chặt phá rừng một cách bừa bãi.

Đơn vị xã đã lập chốt kiểm lâm, chặn các con đường vào khu rừng, nhưng đa phần chúng đi đường tắt và hoạt động liều lĩnh, đáng sợ. Bàn tay rớm máu hôm nọ vẫn nhưng nhức.

Trong lần truy đuổi bọn lâm tặc, Hận bị chúng xẹt ngang một đường vào tay, may là chưa trúng gân. Nếu không, giờ anh còn nằm trong bệnh viện, chẳng thể ngồi đây. Hôm anh vác súng chạy theo lâm tặc, hắn nhanh như một con sóc, vừa chạy vừa quay đầu lại chọc tức:

- Lều lều… Mày cũng từng là đồ chặt phá rừng mà, đừng có bày đặt chạy theo tụi tao.

Hận vừa chạy vừa tức anh ách trong bụng. Mà thì… hắn nói đúng. Chỉ mới cách đây chừng ba năm, Hận vẫn là một thằng lâm tặc chính hiệu.

Sinh ra và lớn lên ở khu rừng này, từ khi lọt lòng cho đến trưởng thành Hận quen với cuộc sống bìa rừng, làm bạn với muông thú và cây cối. Cha hằng ngày đi làm rẫy, đốt nương. Mẹ theo sau trỉa bắp, trồng lúa. Hận ngồi trong gùi mẹ từ lúc ba bốn tháng.

Cây cối, chim muông đối với Hận không còn gì xa lạ. Cho đến ngày cha đi rừng chặt cây làm một ngôi nhà gỗ. Cha bảo làm cái nhà cao cao, to to cho hai mẹ con ở, tránh thú dữ và động vật hoang dã. Những tưởng cha làm nhà xong cho hai mẹ con ở rồi dừng lại.

Nhưng đúng là lòng tham con người vô tận. Lúc Hận được mười tuổi thì cha dắt mối ở đâu về và bán ngôi nhà. Mẹ con Hận ra mé rừng ở tạm nhà lá. Mấy tháng sau, ông đi rừng, khai thác gỗ làm một ngôi nhà khác. Lần này, hai mẹ con tưởng được ở lâu dài nhưng niềm hi vọng mong manh đó không tồn tại.

Hận và mẹ lại cắp đít đi ở mé rừng khi ông tiếp tục bán nhà. Xoay vòng như thế, số tiền cha kiếm được nhiều lên từng ngày. Cha bảo, mình là dân rừng rú, mình phải khơi thông đầu óc lên, kẻo tụi đồng bằng nó chê mình ngu. Bán được nhiều nhiều nhà, gom nhiều nhiều tiền cha sẽ cho Hận xuống đồng bằng, xây nhà to thật là to để ở, cho Hận tới trường cùng chúng bạn.

Hồi nhỏ, nghe cha nói như vậy Hận sướng mê tơi. Tưởng tượng đến một ngày, mặc áo đồng phục, cắp sách tới trường cùng bạn bè, Hận cười tủm tỉm. Mẹ cũng vui, bao năm ru rú ở trong rừng, bà muốn một ngày cả gia đình được về xuôi, thăm ông bà, anh em xóm giềng cho đã cơn thèm khát.

Nhưng… lời hứa là lời hứa thôi. Một ngày, cha đi rừng về và dẫn theo người đàn bà xa lạ. Cô ta đẹp, cao ráo và giọng nói lảnh lót như một con chim rừng. Cha bảo đó là bạn làm ăn của cha, rồi chỉ cho cô xuống nhà tắm rửa, đưa quần áo của mẹ cho cô ta mặc. Bộ quần áo rộng thùng thình, ngắn cũn. Người đàn bà đứng xoay xoay một vòng nhăn nhó. Mẹ đứng ở bếp nhìn lên, lặng lẽ. Hận ngấp nghé cửa, thì thầm:

- Cha ơi, bao giờ mình về dưới xuôi?

Ông quay ra, trợn tròn mắt nhìn thằng con, giơ cái rựa đi chặt cây lên gằn giọng:

- Xuôi xuôi cái gì, đang kiếm tiền đây. Đi xuống dưới nhà phụ mẹ nấu cơm mang lên đây cho cha với cô ăn, rồi còn đi công chuyện nữa.

Hận cụp mi đi xuống, trong lòng đầy thất vọng. Hồi đó, trái tim non nớt của cậu chưa hiểu thế nào là tình yêu, ngoại tình và những đổ vỡ của một gia đình. Chỉ thấy nhiều hôm mẹ ngồi ở mé sàn, len lén lấy khăn lau nước mắt. Cha đi rừng biền biệt.

Có khi cả tháng ông mới về một lần. Nhưng mỗi lần ông về, mọi thứ đều xáo trộn. Ông nằm lăn lóc một góc, ngủ cho tới chiều. Tỉnh dậy lúc nào ăn lúc đó. Có khi mang cả cái cô xinh đẹp kia về, cũng có khi không.

Ông như một con ma xó, người bắt đầu gầy gò, tính tình cục cằn hơn. Có bận, Hận thấy mẹ hỏi ông tiền đóng học cho nó và xin một ít để trang trải trong gia đình, ông gườm gườm nhìn mẹ rồi bảo:

- Tiền đâu ra, mua gỗ đầu tư làm nhà hết rồi. Mốt bán được nhà thì đưa cho, giờ vay tạm ai đó đi mà ăn.

Vay tạm ai là vay tạm ai. Ở khu rừng này, lác đác được mấy hộ dân, cũng toàn là dân vùng núi, nghèo nàn, lạc hậu. Hận đi học phải băng qua cánh rừng, xuống tận dưới thị trấn mới có lớp.

Thầy cô sợ Hận không đi học nên bảo với mẹ cho cậu ở dưới thị trấn luôn. Mỗi tuần, Hận chỉ được về nhà một lần, lấy gạo và thức ăn, rồi đi bộ ra đường xin nhờ xe xuống trường học.

Lâu dần thành quen, Hận cũng thích đi học nên mỗi lần cô giáo hỏi con có nhớ cha mẹ hay không, Hận chỉ lắc đầu, buồn buồn không nói. Thực tâm, Hận nhớ mẹ, nhớ ngôi nhà sàn hai mẹ con thường ngồi bên ánh lửa bập bùng, mẹ nướng cho Hận mấy củ khoai, củ sắn.

Hai mẹ con dựa dẫm vào nhau. Hận muốn mẹ được về dưới xuôi với mình. Nhưng niềm mong mỏi đó mãi mãi không thành hiện thực.

Ngày cha bị bắt ở mé rừng, vì tội chặt phá rừng và buôn bán ma túy, Hận đang ê a học bài. Mẹ hay tin chạy đi tìm, băng rừng lội suối tới nơi thì người ta đã đưa cha đi rồi. Nghe phong phanh đâu người đàn bà kia cũng bị bắt.

Khu rừng hoang sơ chỉ còn mình mẹ, cô đơn và đầy nỗi sợ hãi hoang mang. Mẹ nói với Hận, cuộc đời mẹ chỉ có mình con, vậy nên ráng học cho giỏi rồi mai mốt về lại, đưa mẹ xuống miền ngược. Mẹ sẽ ở đây chờ con, cho tới khi con học xong.

* * *

Lời hứa của mẹ không thành. Bà cũng như cha Hận. Hứa rồi chẳng bao giờ thực hiện được. Bà ra đi sau một cơn bạo bệnh. Khi đó, Hận mới mười lăm tuổi. Cha còn trong tù và những người thân thương không thể gặp mặt được. Hận trở về lúc có người trên bản xuống báo tin.

Cậu chạy băng băng qua con suối, qua mấy dãy núi đá, chân trầy trật, tứa máu. Tới nơi, mẹ đã nằm yên trên chiếc chiếu, người ta đắp hờ cho mẹ mảnh vải trắng. Rồi dân làng chôn mẹ dưới gốc cây pơmu sát cạnh nhà. Hồi đó, cây nhỏ cao bằng người của Hận, trước lúc bị bắt cha đã trồng nó.

Cha bảo giống cây này tốt lắm, sau này chặt làm nhà, làm bàn ghế, giường tủ gì được hết. Cây nhà mình trồng thì sau này sẽ là của mình, chẳng có ai dám đụng tới hết. Cái cây lớn dần, lớn bằng cây cột trong nhà thì Hận nghỉ học. Các thầy cô ở trường khuyên Hận tiếp tục đến trường, học cái chữ sau này về phục vụ làng bản.

Nhưng nỗi nhớ bản làng, áy náy về sự ra đi của mẹ khiến Hận không còn tâm trí nào để tiếp tục cuộc hành trình. Đêm nào Hận cũng ngồi dưới gốc cây ủ rũ, khóc nhớ thương mẹ. Rồi người ta chỉ đường cho đi chặt cây, bán lấy tiền. Hận cứ thế cắm cúi làm theo.

Sức trẻ, khỏe và ý thức trong đầu về bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên không hề có trong đầu Hận. Hận cứ thế theo các anh, các chú trong bản băng qua rừng này, núi nọ đi tìm gỗ to, gỗ quý bán lấy tiền. Bao nhiêu tiền gom được Hận nhét xuống dưới tấm gỗ sàn nhà, ép thật kĩ trong một bao vải, chờ ngày nhiều nhiều tính đường về xuôi.

* * *

Ngày Hận hỏi ra đường, tìm đến trại giam thăm cha, Hận chỉ gặp và nói chuyện với cha được vài chục phút, cán bộ trại giam kéo anh ra không cho anh nói chuyện nữa. Cha ốm yếu, gầy mòn, mắt trũng sâu.

Người ta nói, ông bị nghiện thuốc phiện, khi vào tới trại không còn thuốc để dùng nữa. Ông nhìn Hận, nét buồn thảm trên gương mặt. Bao nỗi ăn năn khiến ông nói không nên lời. Ông dặn Hận về quê, tu chí làm ăn, đừng bao giờ nghĩ đến việc đi chặt cây phá rừng nữa.

Rồi một ngày thiên nhiên sẽ không còn hiền lành với con người nữa đâu con, nếu mình không biết cách gìn giữ và bảo tồn nó. Lúc nhìn cha nói, Hận cảm giác đó là những lời ruột gan cuối cùng ông dành cho anh trước lúc đi xa.

* * *

Hận xin làm kiểm lâm, suốt thời gian cắm mặt trong rừng. Anh thôi ý nghĩ tàn phá rừng. Dù gì cuộc đời của anh cũng được rừng bao bọc từ nhỏ, anh không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự suy đồi của một số cán bộ, muốn tàn phá rừng lấy gỗ về làm của riêng.

Anh cũng không thể mặc nhiên cho một số kẻ làm tay sai, suốt ngày chờ cơ hội để chặt phá rừng. Hôm rồi trận lũ lịch sử đã cuốn trôi tất cả những gì còn sót lại của bà con nơi đây. Bản làng hiu quạnh. Hận bới móc, tìm được một số vật dụng dưới đám đất bùn. Một số bà con bị lũ cuốn, lấp trong mớ đất nhão nhoẹt. Cây pơmu vẫn đứng vững sau cơn lũ.

Những đêm nếm mật nằm gai, ngủ trong rừng, ăn trong rừng, chực chờ để bắt mấy tên lâm tặc nhưng đều thất bại. Chúng thoắt ẩn thoắt hiện. Nhất là khi có mấy người dân cố tình chỉ đường.

Sau trận lũ, cũng có những anh chị báo chí về tìm hiểu thông tin và vào cuộc điều tra. Nhưng hầu hết, những người chỉ đường hôm trước thì hôm sau, một bọn đầu gấu, bịt mặt đến tận nhà để kiếm chuyện. Có người sợ quá phải bỏ làng, bỏ bản mà đi.

Hằng đêm, Hận vẫn nghe tiếng rục rịch sau nhà, tiếng chó sủa râm ran vang xa đến tận núi. Mặc kệ, Hận vẫn kiên trì bám trụ. Đối với anh, những gì trải qua trong cuộc đời, đủ để rèn bản lĩnh đứng dậy, chống chọi với mọi thứ nguy hiểm nơi chốn rừng thiêng nước độc này.

* * *

Anh trở lại trại giam thăm cha lần nữa thì ông đã không còn. Cán bộ trại giam nói ông không thể chịu đựng được sự hành hạ của những cơn nghiện nên đã đập đầu vào tường mà tự vẫn.

Hình như ông đã chuẩn bị trước cho việc mình ra đi. Ông nhắn nhủ một cán bộ, lúc nào Hận đến thì gửi cho anh một cái túi vải nhỏ. Toàn bộ gia tài bao năm lên rừng, xuống đồng bằng, bán nhà, buôn cây, cha để lại cho Hận được một cây vàng.

Số vàng ông bọc kĩ, là của để dành cho đứa con duy nhất của mình. Hồi đó, ông theo đuổi ả đàn bà kia nhưng cũng không có một mụn con nào. Khi cha ra đi, ả kia cũng không hề hay biết vì hai người bị giam ở hai trại khác nhau.

Tro cốt của cha, Hận xin cán bộ ban lãnh đạo trại đưa về bản, rồi đem chôn chung với ngôi mộ của mẹ. Đơn giản Hận nghĩ trên cuộc đời trần tục này, cha mẹ không sống được với nhau trọn vẹn nghĩa tình thì ở dưới suối vàng họ cũng tìm đường trở về với nhau.

* * *

Hận về với bản, hằng ngày ngoài việc lên rừng, báo cáo tình hình khai thác của bà con nơi đây, anh còn phụ giúp các thầy giáo, cô giáo dựng tạm những ngôi nhà nhỏ cho các em tới trường. Nhìn những bước chân nhỏ xíu, líu ríu theo nhau cắp sách đi học anh lại thấy vui trong lòng.

Con đường vào bản được mở rộng hơn một chút, cuộc sống mùa mưa vẫn còn vất vả, nhưng Hận đọc được trong ánh mắt của các thầy cô là niềm tin, hi vọng về một tương lai tươi sáng của lũ học trò nhỏ.

Rừng vẫn reo, cây pơmu đỏ vẫn xanh ngát từng ngày. Mùi thơm dịu nhẹ từ thân cây khiến Hận dễ chịu. Những mùa trăng dưới cánh rừng già trôi qua, Hận vẫn ở lại để bảo vệ sự bình yên cho bản làng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ