Truyện ngắn: Câu chuyện thú vị của cậu bé Kolia

GD&TĐ - Khi chiến tranh bắt đầu, Kolia Sokolov có thể đếm đến số 10.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Tất nhiên, đếm đến 10 là chưa đủ, nhưng vẫn có những đứa trẻ thậm chí còn không biết đếm đến số đó cơ mà.

Ví dụ, tôi biết cô bé con Lyalia chỉ có thể đếm đến số 5. Cô bé ấy đã đếm như thế nào? Cô bé đếm “Một, hai, bốn, năm” và bỏ qua số “ba”. Thế mà cũng gọi là đếm! Điều này thật là buồn cười.

Không, một cô bé như vậy khó có thể trở thành nhà khoa học hay giáo sư toán học trong tương lai. Rất có thể cô ấy sẽ trở thành người giúp việc gia đình hoặc lao công quét dọn vì không có khả năng về các con số.

Còn Kolia của chúng tôi thì đã biết đếm đến 10, nhờ đó mà cậu đã đếm được 10 bước đi từ cửa ngôi nhà mình. Sau khi đếm những bước này, cậu bắt đầu dùng xẻng để đào hố, liền đặt xuống đó chiếc rương gỗ bên trong có nhiều thứ khác nhau - đôi giày trượt, rìu con, cái cưa tay nhỏ, con dao bỏ túi gập, con thỏ bằng sứ và những đồ vật lặt vặt khác. Tiếp đó, cậu vùi nó bằng đất rồi dùng đôi chân dẫm đạp lên đó. Ngoài ra, cậu còn phủ cát vàng lên trên để không bị phát hiện.

Bây giờ, tôi sẽ giải thích cho các bạn hiểu lý do vì sao Kolia lại chôn những thứ đồ cần thiết đối với cậu ấy xuống đất.

Kolia cùng mẹ và bà ngoại đã đến thành phố Kazan. Bởi vì lúc đó bọn Đức Quốc xã đang tấn công. Chúng đã đến rất gần ngôi làng của họ nên tất cả cư dân vội vàng rời đi. Và có nghĩa là Kolia, mẹ và bà cũng quyết định rời làng ra đi.

Tất nhiên, không thể mang theo tất cả đồ đạc. Vì thế mà mẹ cậu đã cất một số vào rương và chôn xuống đất để bọn phát xít không lấy được. Mẹ cậu đã đếm ba mươi bước chân tính từ cửa nhà và chôn chiếc rương ở đó.

Cô ấy đếm như thế là để không phải đào xới nát cả sân khi tìm lại. Lúc đó, chỉ cần đếm ba mươi bước về phía khu vườn, và chiếc rương sẽ được tìm thấy ngay sau khi quân Đức bị đuổi ra khỏi làng.

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Tóm lại, mẹ cậu đã chôn chiếc rương cách cửa ba mươi bước chân. Còn Kolia, cậu có thể đếm đến 10, và cậu đã đếm 10 bước chân đến chỗ chôn chiếc rương của mình.

Cũng trong ngày hôm đó mẹ, bà và Kolia rời đến thành phố Kazan. Họ sống ở đây gần bốn năm. Tại đó, Kolia lớn lên và bắt đầu đến trường học học đếm được đến số một trăm trở lên.

Rồi cuối cùng thì mọi người được biết rằng quân Đức đã bị đuổi ra khỏi ngôi làng, nơi Kolia từng sống. Và không chỉ ra khỏi ngôi làng đó, mà bọn giặc bị đuổi khỏi mảnh đất của chúng tôi. Kolia, mẹ và bà của cậu trở về quê hương của mình.

Thế là, họ đang hồi hộp đi đến gần ngôi làng của mình. Họ nghĩ: “Nhà mình có còn nguyên vẹn không? Quân Đức có đốt nhà không? Và những thứ được chôn dưới đất có còn nguyên lành không? Hoặc, biết đâu quân Đức đã đào những thứ này lên và lấy chúng đi rồi? Chà, thật đáng tiếc nếu chúng lấy đi đôi giày trượt, cái cưa và cái rìu nhỏ”.

Cuối cùng, Kolia cũng về đến nhà. Ngôi nhà bị phá hủy một chút. Tất cả những đồ đạc còn sót lại đều biến mất. Bọn Đức đã lấy chúng. Nhưng mẹ cậu nói: “Không sao đâu. Chúng ta vẫn còn giữ được nhiều thứ chôn dưới lòng đất”.

Khi nói điều này, mẹ cậu đếm đúng ba mươi bước chân và bắt đầu dùng xẻng đào đất. Rồi chẳng mấy chốc bà đã nhìn thấy chiếc rương. Khi đó, Kolia nói với mẹ:

- Đó chính là ý nghĩa của số học. Nếu khi chôn cái rương đó mà chúng ta không biết đếm ba mươi bước thì bây giờ chúng ta sẽ không biết đào ở chỗ nào.

Cuối cùng, mẹ mở chiếc rương ra, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn và trong tình trạng tốt. Thậm chí mọi đồ đạc không bị ẩm ướt vì có một chiếc khăn tẩm dầu đã được đặt lên trên đó. Mẹ và bà rất hài lòng là đã giữ lại được những đồ vật này, thậm chí họ còn cất tiếng hát bài ca “Trăng sáng, ánh trăng sáng soi”.

Đến lượt mình, Kolia cầm lấy chiếc xẻng, cậu đếm mười bước chân và nói với những đứa trẻ hàng xóm đang tụ tập xung quanh mình:

- Nếu như tớ mà chôn đồ đạc một cách ngẫu nhiên, không đếm mười bước thì đến bây giờ tớ cũng không biết được chúng đang nằm ở chỗ nào. Việc biết đếm mang lại lợi ích lớn cho con người. Nhờ có số học mà tớ biết mình cần đào đất ở đâu.

Vừa nói những lời này, Kolia vừa bắt đầu đào đất. Cậu cứ đào, đào mãi nhưng đã không thể tìm thấy chiếc rương của mình. Cậu đã đào một cái hố thật sâu rồi mà vẫn không thấy nó đâu. Thế là, cậu bắt đầu đào sang bên trái một chút, rồi lại sang bên phải một chút. Vẫn không thấy đâu cả.

Các cậu bé bắt đầu cười nhạo Kolia.

- Sao nào - chúng nói - số học của cậu không giúp gì cho cậu rồi. Có lẽ bọn phát xít đã đào đồ đạc của cậu và lấy chúng đi rồi nhỉ?

Kolia nói:

- Không, nếu quân Đức không thể tìm thấy chiếc rương lớn của nhà tớ thì chắc là chúng không tìm được đồ đạc của tớ. Có điều gì đó không đúng ở đây.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Kolia bỏ cái xẻng xuống, ngồi xuống bậc thềm hiên nhà. Cậu cứ ngồi đó, chán nản và buồn bã. Cậu nghĩ ngợi, lấy tay xoa trán. Và đột nhiên, cậu bật cười và nói to:

- Dừng lại, các cậu! Tớ biết đồ đạc của mình ở đâu rồi.

Vừa nói như vậy Kolia vừa đếm chỉ 5 bước chân và nói:

- Đây, nó nằm ở chỗ này.

Rồi cậu lấy xẻng và bắt đầu đào. Quả đúng như vậy, không lâu sau chiếc hòm đã hiện ra trong lòng đất. Và lúc đó, tất cả những người tụ tập quanh đó nói:

- Lạ thật đấy. Cậu chôn chiếc rương cách cửa 10 bước chân, thế mà bây giờ hóa ra nó chỉ còn cách 5 bước. Chẳng lẽ trong thời chiến tranh, chiếc rương của cậu đã tự di chuyển đến gần hơn nhà cậu à?

- Không - Kolia nói - chiếc rương không thể tự di chuyển được. Chuyện xảy ra là thế này. Khi tớ chôn nó, tớ chỉ là đứa bé con mới 5 tuổi thôi nên thực hiện những bước đi ngắn và thậm chí là rất ngắn.

Còn bây giờ, tớ gần mười tuổi rồi, và những bước chân của tớ dài hơn nhiều. Đó là lý do tại sao thay vì 10 bước, bây giờ tớ chỉ đếm đến 5 bước thôi. Số học đã mang đến lợi ích cho những người có thể hiểu được những gì đang xảy ra trong cuộc đời. Điều xảy ra là thời gian cứ tiến về phía trước.

Lúc này, Kolia mở chiếc rương của mình ra. Mọi thứ vẫn ở đúng chỗ, ngay cả những thứ đồ bằng sắt cũng không bị rỉ sét vì Kolia đã bôi mỡ lên trên.

Chẳng bao lâu, bố của Kolia trở về. Ông là trung sĩ, được tặng huân chương dũng cảm. Sau đó, Kolia kể cho bố nghe mọi chuyện, cậu được khen là thông minh và khéo léo. Và tất cả mọi người đều rất hài lòng, hạnh phúc. Họ đã ca hát, vui chơi và thậm chí còn nhảy múa nữa.

Bích Nguyễn (Dịch từ tiếng Nga)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.