Tự dưng sông đẹp! Một buổi sớm thức dậy, xô cửa nhìn ra con sông chảy ngang qua trước nhà rồi quanh co uốn lượn từ làng này qua xóm nọ, nó reo lên:
- Mẹ ơi! Sông đẹp dữ thần.
Đẹp thật! Mẹ gật gù, không đáp, sắp đến Tết nên không khí xóm làng có vẻ như dịu dàng hẳn. Thì cái nắng gay gắt như thiêu như đốt của những ngày mẹ gặt lúa trên đồng, tưởng có thể đốt cháy bờ lưng cong cong, đã trốn biệt còn gì; để lại những nhớ nhớ thương thương trong ngọn nắng mong manh như tơ ai thả từ trời xuống. Còn dòng sông, cứ mùa Xuân thì tự khắc nó sẽ đẹp, nước sẽ đầy nhưng dòng chảy thì lặng lờ tưởng như một mặt hồn yên tĩnh.
Nó thường trông đợi những chuyến lênh đênh trên sông vào giáp Tết, chỉ để gần với dòng sông mà nó cho là đẹp và hiền hòa, dẫu mỗi ngày mở mắt thức giấc là thấy sông, trong giấc mơ có sông êm đềm chảy. Nó yêu dòng sông da diết. Mẹ nói trong đêm xuân năm ngoái, không biết thật hay đùa, rằng ngày sinh nó ra, mẹ cắt nhau rốn của đứa nhỏ thả vào sông, dặn nó rằng sông cũng như là mẹ.
Gần Tết, khi lúa trên đồng đã được gặt sạch và gốc rạ đã dần khô rộp đi, là lúc ruộng dưa của mẹ đã đến kỳ thu hoạch. Mấy tháng ròng mẹ chăm sóc cho đám dưa xanh mướt, từ khi còn là một hạt mầm trong đất cho đến độ ra hoa, rồi đơm quả, rồi quả dưa xanh vỏ đỏ lòng, mọng nước.
Những mùa dưa mẹ trồng đã nuôi nó khôn lớn từng ngày.
Nó không nhớ mẹ bắt đầu trồng dưa và lênh đênh trên những chuyến ghe bôn ba chợ nổi từ khi nào, nhưng khi bắt đầu nhận biết thế giới xung quanh, nó đã thấy ruộng dưa đương mùa xanh lá. Từ mộ ba nhìn ra ruộng dưa, nó thấy bao la đất, bao la trời, bao la màu dưa xanh ngút ngắt.
Nó yêu cái màu xanh ấy, yêu mảnh đất quê ngai ngái nồng thơm mỗi độ sa mưa, yêu con sông quê hương hiền lành và bao dung như lòng mẹ, yêu những xóm nhà ven sông nơi mà nó và mẹ thường đi ngang qua để bán dưa những ngày sắp Tết...
***
Dưa đã chất thành đống trước nhà, long lanh dưới nắng chiều soi xuống miền quê yên ả.
- Mẹ Thảo bao giờ “ra khơi”?
Giọng của dì Tư từ bên kia sông vọng lại, mấy chữ cuối vang vỡ ra, tan vào sóng.
Quệt mồ hôi, mẹ cười:
- Khuya mai, dì Tư ạ! Nhà đơn chiếc, hai mẹ con lủi thủi, tranh thủ đi được lúc nào thì đi. Tết đến nơi rồi!
Dì Tư cười hề hề, khen nó giỏi, mới tí tuổi đầu đã biết giúp mẹ từ chuyện trong nhà cho đến chuyện ngoài ruộng dưa, rồi còn theo mẹ lênh đênh trên những nhánh sông, qua bao chợ nổi rộn ràng. Nó biết rao hàng, biết mời hàng ngọt lịm như đường mía, biết kỳ kèo thuyết phục các cô các dì đừng trả giá bởi để trồng được trái dưa xanh vỏ, đỏ lòng, mọng nước như vậy không dễ chút nào.
Được khen, nó cười tít mắt, ra chiều ngượng nghịu. Nó thương mẹ lắm! Thương mẹ đã một thân nuôi nó nên hình. Mỗi lần ra ruộng thăm dưa, tạt qua mộ ba, nó đều thủ thỉ những điều mà chưa bao giờ nó mở lời nói với mẹ, rằng nó thương mẹ nhiều. Nhìn khuôn mặt rám nắng và mái tóc đẫm màu gió sương của mẹ, nó thấy lòng quặn đau...
Đồ đạc đã được dọn xuống dưới ghe, dưa được chất gọn ở phía trước, chiếc ghe rời bến sông quê khi sao còn đầy trên bầu trời sẫm tối. Mẹ ngồi sau lái điều khiển cái máy cũ kỹ thoảng lại dở chứng không chịu hoạt động, mẹ lại hì hục sửa.
Bao nhiêu năm phiêu bạt trên sông nước, ghe mẹ cũng tự điều khiển được, máy hư thì mẹ tự sửa, cũng không cần ai, trừ khi hỏng hóc nặng quá phải nhờ đến thợ lành nghề. Mọi thứ mẹ tự lo được. Với nó, mẹ là bờ vai vững chắc để nó tựa vào, là trụ cột, là mái ấm yên bình. Nó nghĩ có mẹ là nó có tất cả! Có mẹ là một điều may mắn đối với nó.
Chiếc ghe đi từ sông này qua kênh rạch nọ, khi đi trên con rạch nước đỏ luồng giữa cánh rừng lặng thinh, khi đi ngang qua chợ huyện nhộn nhịp dưới bến đậu cơ man là ghe xuồng, sóng vỗ chiếc nọ cọ chiếc kia làm thành một âm thanh vui tai thường nghe được ở những bến sông rộn ràng tấp nập.
Cũng có khi ghe đi ngang qua chợ nổi - một nét đặc trưng của vùng Đồng bằng sông nước, nó nhìn ra chợ, thấy vui. Đó là niềm vui hiếm hoi trên sông nước mà nó bắt gặp, nó gói ghém những dấu ấn đó để cất cho thật kỹ, đợi những lúc đi ngang qua khúc sông buồn lại giở ra mà vui mà cười, mà thêm yêu vùng châu thổ...
***
Rong ruổi, quanh quẩn vài ba ngày, cuối cùng mẹ đã quyết định chọn cái chợ nằm ngay ngã ba sông Cái làm bến đỗ cho mùa Xuân năm nay. Giáp Tết, chợ xao động hẳn. Sớm mai mở mắt, bật dậy ghé mắt qua ô cửa nhỏ xíu của chiếc ghe cũ nhìn ra ngoài sông, nó thấy xuồng ghe dập dìu trên bến.
Cũng là chợ đó thôi nhưng ngày Tết lại rực rỡ và sôi động hơn nhiều. Những người đi sắm Tết đỗ ghe chật ních cả một vùng bến rộng. Trên bến, nào hoa vạn thọ, hoa cúc, nào dưa hấu, dưa hoàng kim, bưởi da xanh, rồi vô số loại trái cây và vật phẩm trang trí Tết được bày ra san sát mé sông.
Nó ngồi nhìn ra, tự dưng thấy thương những người bán hàng ngày Tết quá, nhất là những người từ nơi khác đi phiêu bồng rồi đỗ lại tại chốn này như nó. Nó đương độ lớn, rất tinh tế mà cũng vô cùng nhạy cảm. Nó ngồi tết tóc, nhìn cảnh đó, bỗng nước mắt ứa ra...
- Thảo, rửa mặt rửa tay vô ăn cơm, con! Còn bán nữa, trưa nắng lên rồi!
Nó tết tóc thật nhanh, bước vào trong ghe. Cơm mẹ đã dọn sẵn, cũng mấy món quen, Tết thì có thêm ít củ kiệu, thịt kho mẹ kho từ khi còn ở nhà, nay đã dần rịu. Với nó, chỉ mấy món vậy thôi là đã thành Tết, không cần chi xa xôi.
- Chừng nào mình về lại nhà ăn Tết hả mẹ? Hay mình lại ăn Tết trên ghe giống năm ngoái?
Mẹ và cơm vào miệng, nhìn nó, nhìn đống dưa trên bờ đang phơi mình dưới nắng, được che chắn tạm bởi một lần rơm mỏng, khẽ khàng:
- Hết dưa mình sẽ về! Thảo thích ăn Tết ở nhà hay trên ghe?
Ngẫm ngợi một lúc về câu hỏi tưởng như dễ trả lời ấy, nó thều thào:
- Ở đâu cũng được... Trên ghe cũng có cái vui... Nhưng con thích ăn Tết ở nhà hơn! Ở nhà vui hơn. Con lại thấy mình được gần ba...
Người đàn bà lặng đi. Khoảnh khắc đó, tự dưng chị thấy mình nghèn nghẹn lại. Người mẹ hiểu rằng, việc ăn Tết trên ghe không hề là dễ dàng. Tết thì ai cũng muốn được về nhà, được đoàn viên sum họp.
Đâu ai muốn mình phải lang bạt nơi nao. Năm ngoái, dưa ế ẩm. Hai mẹ con đợi bán cho hết dưa mà quên mất rằng đã ba mươi Tết. Đêm giao thừa, hai mẹ con không về kịp, đành phải đón Tết trên ghe, giữa nơi đất khách quê người. Mẹ biết nó buồn lắm nhưng không nói ra.
Nó là một cô bé hiểu chuyện, nhân hậu, biết gia cảnh mình nghèo nên nó đành chấp nhận cuộc sống bôn ba. Một phần vì nó cũng yêu dòng sông thiết tha. Mẹ nói sông cưu mang mình, con phải thuỷ chung với dòng sông, với đất quê phù sa màu mỡ...
***
Thấm thoắt thì cũng đã ba mươi Tết. Ngày cuối năm, chợ càng nhộn nhịp hơn. Mặc dù là chợ huyện, lại nằm ở vùng sâu vùng xa, song Tết đến lại náo nức như hội. Xuồng ghe dập dìu. Chiếc xuồng nào cũng có một vài chậu hoa vạn thọ thắp lửa phía trước mũi. Bức tranh Xuân miền quê làm xao xuyến lòng người.
Nó ngồi nhìn đống dưa, lòng sắt se. Nó sợ cảnh đón Tết xa nhà như năm ngoái quá. Dù ở nhà cũng chỉ có hai mẹ con quanh quẩn, xúm xít bên nhau, nhưng chỉ khi ở nhà nó mới cảm nhận được không khí của mùa Xuân tràn về trên dòng sông phía trước, trên cây mai vàng thuở còn sống ba trồng trước sân nhà để báo Tết, ở khóm hoa vạn thọ nó trồng Tết sang lại rực lửa khoảng sân, ở chái bếp thoảng đưa mấy món ăn truyền thống của đất nước mình mỗi khi Xuân về Tết đến...
Chỉ khi ở nhà, nó mới nhận ra: À, Tết thực sự đến rồi!
- Dưa còn nhiều quá! Mẹ sợ năm nay lại như năm ngoái quá! - Mẹ ngồi bên đống dưa, tháo cái nón lá phe phẩy quạt, thở dài.
Nó đâm lo. Nhìn mẹ, nhìn những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đầy tàn nhang của mẹ đổ trong nắng xuân hồng, lòng nó như xát muối. Nó biết mẹ cũng đâu muốn ăn Tết xa nhà, cực lắm, mẹ cũng không được gần ba. Mà, không chỉ mẹ đâu, bất kỳ ai cũng mong được ăn Tết trên mảnh đất quê mình, với những người yêu dấu.
Im lặng một lúc, mẹ hỏi nó:
- Thảo, con có sợ phải ăn Tết xa nhà không con?
Nó gật đầu, giọng trầm buồn, nói:
- Tất nhiên là con sợ... Nhưng để về nhà ăn Tết mà mình bán thốc bán tháo, hay là bỏ dưa trên bến rồi về, con không đành... mẹ ơi! Để có được trái dưa xanh, ruột đỏ, to tròn như vậy, mẹ phải vất vả nhiều... Làm như vậy còn buồn hơn gấp trăm lần!
Nghe nó nói vậy, nước mắt mẹ lã chã rơi, hòa cùng những giọt mồ hôi chảy dài trên gò má. Mẹ biết nó luôn hiểu chuyện và nhân hậu, nó chưa bao giờ khiến mẹ buồn hay lo lắng vì bất cứ điều gì.
Xoa đầu nó, mẹ cười hiền lành. Nụ cười ấy bao năm vẫn không hề thay đổi. Nụ cười khiến nó thấy lòng bình yên:
- Con gái của mẹ, mẹ nói này! Người nông dân mình vốn đã rất cực khổ, đó là chưa kể những khi bị ép giá, rồi mất mùa, dưa bị sâu bệnh... nên mẹ vẫn luôn quý trọng từng quả dưa. Không chỉ vì dưa nuôi sống đời mình, mà còn vì tình nghĩa nữa... Mẹ hiểu lòng Thảo, cô gái của mẹ đã lớn, đã biết suy nghĩ chín chắn rồi...
Mẹ ôm nó vào lòng. Mùi thơm của cỏ cây, của ruộng dưa, của đất bùn, của lúa má... quyện từ bầu ngực của mẹ vào trong mũi nó, khiến nó thấy lâng lâng trong lòng. Cái mùi ấy bao năm nó vẫn nhớ thương, trân trọng, muốn vùi vào để tìm được cảm giác an bình.
Và mùi Tết đang sực nức trong không gian nắng đẹp!
- Thảo, đem dưa xuống ghe thôi con! - Mẹ đề nghị.
Nó chưng hửng:
- Không bán nữa sao mẹ? Dưa vẫn còn, người đi chợ Tết cũng còn kia mà?
Mẹ nhìn sâu vào đôi mắt của nó, cái nhìn hiền dịu biết bao:
- Thì dưa vẫn còn, nhưng... Tết là phải về nhà! Về để mình còn thắp nhang cho ba, để Thảo còn ra sân cắt đoá vạn thọ vào chưng trong cái chậu cổ có hình con nai vàng cho có mùa Xuân, rồi còn đi chúc Tết những người mình thương yêu nữa... Mẹ không để Thảo phải ăn Tết trên ghe nữa...
Mẹ chỉ mới nói đến đó thôi mà mắt nó đã sóng sánh nước. Nó làm bộ trách vu vơ:
- Trời, Tết mà gió dữ quá mẹ! Mẹ quyết định vậy, con thì sao cũng được.
Nó nói vậy chứ mẹ biết nó mừng lắm, sung sướng lắm! Rồi nó sẽ lại chăm chút cho từng cái ly, cái tách trên bàn. Nó sẽ ra sân chọn mấy bông vạn thọ to và đẹp nhất cắt vào để cắm rồi dâng lên bàn thờ của ba.
Đôi mắt trong biếc của nó sẽ nhìn qua song cửa, ngoài sân là cây mai vàng đang bung nở rực rỡ đợi nó về. Và mẹ sẽ nghe nó hát những giai điệu mùa Xuân mà nó thuộc từ hồi còn bé xíu...
Và mẹ cũng hiểu rằng, với nó, mùa Xuân đẹp nhất, ấm áp nhất, vui vẻ nhất là khi được sống trong không khí của gia đình, có mẹ, có hình ba trên bàn thờ dõi theo từng bước trưởng thành của nó!