Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa: Vietpink
Minh họa: Vietpink

1.

Trước khi trở thành tay buôn ngựa, hắn là một thằng đàn ông dốt nát, thô lỗ, hung hãn và hoàn toàn vô dụng. Chỉ có một điều duy nhất làm hắn không cảm thấy xấu hổ mỗi khi nói về bản thân là được tiếp xúc với ngựa từ lúc mới biết đi. Hắn có thể cưỡi ngựa và điều khiển chúng một cách điêu luyện mà không cần yên, không cần cương từ khi lên bảy. Ngoài hai mươi tuổi, hắn đã dày dặn kinh nghiệm trong việc tuyển lựa, huấn luyện và nuôi dưỡng ngựa, nhất là ngựa đua.

Người dân ở đất này bao đời nay cần cù chịu khó, quanh năm làm việc chăm chỉ để đổi lấy bát cơm, tấm áo và đồng tiền cho con cái ăn học... Con ngựa vừa là bạn, là phương tiện lao động, vừa là tài sản lớn nhất trong nhà dùng để vận chuyển nông sản, hàng hóa và đi lại... Tuy nhiên, cũng không thiếu gì những thằng đàn ông sức dài vai rộng mà chỉ biết ăn chơi, cá độ đua ngựa... Đa phần những thằng ăn chơi, cá độ đua ngựa ấy lại là con cái nhà quyền thế, giàu có… Đây chính là lý do khiến cuộc đời hắn thoát khỏi cảnh lụi tàn trong vô dụng.

Một thằng dốt nát, ngang ngược nhanh chóng trở thành tay buôn ngựa nổi tiếng và giàu có trong vùng. Người có ngựa thì không muốn bán cho hắn vì hắn luôn tìm ra vô vàn điểm để chê bai rồi trả với mức giá rẻ mạt. Nhưng cuối cùng lại phải bán vì cả cái bản này chỉ có một tay buôn ngựa duy nhất. Những tay chơi ngựa đua ở khắp nơi thì cứ kéo nhau tìm đến hắn ngày càng nhiều. Những con ngựa được mua với giá rẻ mạt, ngay lập tức đem lại cho hắn cả núi tiền lời…

Ông bà ta nói “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Đối với hắn, từ ngày có phú quý không chỉ lễ nghĩa được sinh ra mà còn vô số thứ khác cũng từ đó mà thồi ra như: Đẳng cấp, sang trọng, lịch sự và cả sự hiểu biết rộng rãi nữa... Thế rồi bỗng nhiên người ta nhận được tấm thiệp mời tân hôn của hắn. Ai cũng ngạc nhiên đến sững người, không phải vì hắn lấy vợ mà vì người mà hắn lấy làm vợ lại là một cô giáo vô cùng duyên dáng, xinh đẹp, người Kinh từ dưới xuôi lên. Bọn quyền thế, giàu sang, ăn chơi thì hả hê chúc mừng cho hắn. Người dân trong bản thì lo lắng: “Không biết cô giáo đã tìm hiểu kỹ về tên này chưa? Rồi đây, cô có sống nổi với một thằng thô lỗ, hung hãn như hắn không”…

mua-xuan-tro-lai-2-2143.jpg
Ảnh minh họa: INT

2.

Mấy năm nay, mùa màng thất bát, đa số người dân lâm vào cảnh đói kém triền miên. Con em họ không có tiền ăn học, một số buộc phải bỏ, số còn lại, nhờ vào tiền bán đi những con ngựa cuối cùng trong tàu mà vẫn tiếp tục được đi học. Không thể để người dân thật thà, hiền lành chịu thiệt thòi mãi được. Già Nhân quyết định phá mảnh vườn trồng hoa và cây cảnh ngay trước túp lều cỏ của mình để làm một cái tàu ngựa. Từ đó, ai muốn bán ngựa chỉ việc dắt qua khoảng rừng hoa mơ nở trắng, đến lưng chừng núi, cột vào tàu ngựa của già Nhân rồi mấy ngày sau quay lại lấy tiền...

Già Nhân không phải người được sinh ra ở bản này, cũng không phải là một tay buôn ngựa. Già chưa bao giờ nuôi ngựa, chưa bao giờ mua bán dù chỉ một con nhưng già biết thế nào là ngựa tốt, thế nào là ngựa xấu. Già biết nói lý lẽ, mấy tay buôn không bịp được già. Dân trong bản ai cũng thấy vui vì từ nay họ bớt được một nỗi lo mỗi khi cần bán ngựa…

Lần đầu bán ngựa già cũng hơi lúng túng, không phải vì sợ mình không đủ lý lẽ và sự am tường về ngựa mà vì phải tiếp xúc, nói chuyện với một tên lái buôn nổi tiếng là gian manh, thô lỗ và côn đồ… Khi hắn vừa bước qua cái cổng ngõ bằng đá tổ ong xếp chồng lên nhau, già đã khẳng định: “Tên này chắc không giống như lời đồn”. Dáng người hắn thanh thoát, đôi mắt sáng, khuôn mặt hiền từ, dáng đi nhẹ nhàng uyển chuyển… Hắn chào hỏi già lễ phép, rồi mới giới thiệu.

- Thưa già! Con ở bản Siều, bên kia núi. Nghe nói già muốn bán hai con ngựa, xin phép già cho con ra tàu xem ngựa?

Già Nhân không tin người đang ở trước mặt mình lại là tay buôn ngựa mà người ta thường nói. Những gì già đang thấy hoàn toàn trái ngược với những điều già đã nghe nói về hắn. Già cứ vẩn vơ suy nghĩ mãi. Hắn phải nhắc lại một lần nữa.

- Thưa già có được không ạ?

- Được chứ. Mời anh!

Già Nhân dẫn tay buôn ngựa ra tàu mà trong lòng bối rối vô cùng… Để rồi xem hắn sẽ chê hai con ngựa này ở điểm nào và trả giá bao nhiêu… Hắn nhìn hai con ngựa một lát rồi quay về phía già Nhân. Vẫn cử chỉ nhẹ nhàng, lời nói ôn tồn.

- Già ạ! Hai con ngựa của già không được tốt lắm, nên tôi không thể mua với giá cao được.

- Được rồi, anh chỉ cho tôi thấy hai con ngựa này xấu ở điểm nào? Tôi chỉ muốn lấy số tiền đúng với giá trị thực của chúng mà thôi.

Không nhìn thẳng vào mắt già Nhân như trước, hắn nhìn vào hai con ngựa và nói:

- Cả hai con đều là ngựa đực, chân cao lều khều, mình dài và hơi gầy. Mua ngựa này về sợ không bán được thì lỗ vốn…

- Xin lỗi anh! Cho tôi được nói thẳng?

- Vâng! Mời già cứ nói!

- Ông bà ta thường dạy: “Sống trên đời đừng bịp ai và cũng chớ để ai bịp mình”. Anh đã nghe câu nói này chưa?

Hắn không trả lời, đôi mắt lộ vẻ bối rối. Không để cuộc trò chuyện rơi vào yên lặng, già Nhân nói tiếp:

- Việc lựa chọn ngựa đua cũng giống như ngựa thồ, ngựa kéo xe. Ngựa khỏe, chạy nhanh và bền phải là ngựa đực, có thân hình cao ráo, gân to, thịt săn chắc, chân thẳng và thon chắc, ngực nở, móng chụm, cổ cao vạm vỡ, khoáy không quá cao, răng trắng đều, bờm dày, lông đều, sờ vào có cảm giác mượt như sờ một tấm lụa. Anh mua ngựa đua hay ngựa thồ hàng?

- Dạ, tôi mua ngựa để đua.

- Thế thì anh là một tay buôn ngựa tồi nhất trên thế gian này. Muốn chọn được ngựa đua tốt, ngoài nhìn hình dáng bên ngoài anh phải cưỡi thử chạy mấy vòng quanh núi rồi hãy kết luận là ngựa tốt hay ngựa xấu. Nếu ngựa chạy về mà thở đều, không có tiếng khục khặc hoặc thở dốc là ngựa có sức khỏe tốt. Việc chọn ngựa đua cũng cần phải chú ý đến tuổi của nó. Ngựa khỏe nhất là khoảng từ sáu đến mười tuổi, ở tuổi này cơ và xương của nó mới đạt độ săn chắc nhất. Muốn biết tuổi ngựa thì xem răng. Ba tuổi, ngựa sẽ thay răng, tùy vào độ trắng và độ mòn của răng mà đoán tuổi. Căn cứ vào răng của hai con ngựa này thì biết chắc chắn rằng con đen sáu tuổi, con xám bảy tuổi. Khi chọn ngựa còn phải xem kỹ tính nết mỗi con, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, có con biết nghe lời và có con bướng bỉnh...

- Dạ!

Già Nhân nói cả tràng, hắn chỉ ngoan ngoãn lắng nghe và vâng, dạ liên hồi.

- Những điểm mà anh vừa chê đều là những điểm tốt cả. Chỉ duy có một điều là chúng hơi gầy. Điều này thì đúng vì anh thấy trong xã hội này, có kẻ nào ăn không, ngồi rồi mà ốm yếu gầy mòn không? Anh chỉ cần chăm sóc chúng một chút thôi là chúng sẽ béo tốt trở lại ngay. Anh có muốn mua hai con ngựa này không?

- Dạ có! Thưa già!

- Nhưng phải đúng giá?

- Vâng!

mua-xuan-tro-lai-1-1152.jpg
Ảnh minh họa: INT

3.

Tay buôn ngựa thì không hiểu tại sao vợ mình bỗng nhiên trở nên có hứng thú với chuyện mua bán ngựa ở bản Sịa. Mỗi lần nghe nói ở bản này có ngựa là cô vội vàng thu vén công việc giảng dạy của mình để thay chồng đi mua ngựa cho kỳ được. Mặc dù, vợ mình luôn mua với giá rất cao nhưng thấy vợ có hứng thú với việc này, nhất là mỗi lần đi mua ngựa về cô ấy rất vui nên hắn không tỏ thái độ gì khó chịu.

Hôm nay, dân bản Sịa bán nhiều ngựa để có tiền cho con đi nhập học đại học, hắn định lần này sẽ đích thân đi mua. Vừa khoác chiếc áo bông lên người, mở tủ lấy một cục tiền bỏ vào túi, hắn đã bị vợ chặn lại và hỏi:

- Anh định sang bản Sịa à?

- Ừ! Hôm nay, anh muốn sang bên ấy xem thế nào.

- Vâng! Nhưng từ từ hãy đi cũng được. Trời còn lạnh lắm! À, mà anh đã đọc hết mấy cuốn sách của em đưa chưa?

- Nhiều quá, làm sao anh đọc hết được.

- Sáng nay, em không đi dạy học à?

- Không! Sáng nay em nghỉ. Đúng rồi, em ở nhà một mình sẽ buồn đến chết. Em muốn đi mua ngựa cùng anh.

Hắn không nói gì, chỉ mỉm cười lấy thêm một cục tiền nữa đưa cho vợ. Vợ hắn bước ra khỏi cổng, vừa đi vừa bấm số điện thoại của cô đồng nghiệp hôm nay không có tiết dạy…

Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn hơn bình thường cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá nhưng hôm nay núi rừng bỗng bừng dậy một sức sống mới. Những làn gió ấm từ dưới chân núi thổi lên xua đi đám mây đen âm u, Mặt trời vàng rực như một trái cam núi. Cây cối thi nhau đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái rực rỡ hương sắc. Muôn loài sinh sôi cho núi rừng trù phú trở lại. Những cánh rừng mơ sau một thời gian dài khô héo, quắt queo lại đâm chồi nảy lộc. Chưa bao giờ vợ tay buôn ngựa lại thấy trong người thư thái, phấn chấn và yêu đời, yêu cuộc sống, yêu núi rừng đến thế. Thế là cho đến tận bây giờ, cô vẫn chưa bao giờ ân hận về những quyết định lớn nhỏ trong cuộc đời mình, kể cả việc quyết định lấy một tay buôn ngựa khét tiếng thô lỗ…

Những câu trả lời của chồng sáng nay là căn cứ rõ ràng nhất, chắc chắn nhất về điều này.

- Thực ra anh đã đọc xong mấy cuốn sách của em từ lâu rồi nhưng anh muốn đọc lại thêm một lần nữa để ngẫm nghĩ cho thật kỹ.

- Vậy bây giờ anh có còn cảm thấy hai con ngựa màu đen và màu xám mà em giữ lại không bán ấy phải mua với giá đắt nữa không?

- Không đắt, cũng không rẻ. Người ta bán đúng giá.

- Hôm nay, ở bản Sịa có năm con ngựa tốt, anh sang mua nhé. Em hơi mệt nên muốn ở nhà.

- Ừ! Anh đi ngay.

Vẫn từ trong lều cỏ nhìn tay buôn ngựa bước qua chiếc cổng được làm từ những viên đá ong xếp chồng lên nhau. Không phải cô bé đáng yêu ấy, cũng không phải người có dáng vẻ nho sinh kia. Người này, già Nhân chưa gặp bao giờ nhưng rõ ràng hắn rất quen. Có lẽ, hắn giống một người quen nào đó của Già mà Già chưa nhớ ra.

- Có ai ở nhà không? Đây có phải nhà già Nhân không?

- Chào anh! Tôi là già Nhân đây.

Vừa nhìn thấy già Nhân từ trong lều cỏ bước ra, mặt mày hắn đã tái mét, chân tay run lẩy bẩy, miệng cứng lại, khó khăn lắm mới thốt nên lời:

- Già có phải là thầy Nhân không ạ?

- Tôi đã không còn là thầy Nhân từ lâu rồi.

Tay buôn ngựa vội quỳ xuống trước mặt già Nhân.

- Thầy ơi! Con xin lỗi thầy! Con chính là trò Cơi đã đánh lại thầy và tự ý bỏ học đây ạ. Bao năm rồi con chỉ muốn gặp lại thầy một lần để nói lời xin lỗi…

Già Nhân vội cúi xuống đỡ hắn đứng dậy.

- Em đứng dậy đi! Thầy nhớ ra rồi. Thầy không giận em đâu, thầy chỉ buồn thôi… Tại sao em biết thầy ở đây?

- Con không biết thầy ở đây. Con chỉ đến mua ngựa thôi. Con chính là tay buôn ngựa mà người đời đồn đại...

- Thế còn…

- Dạ không! Cô ấy là vợ của con, còn người thanh niên nho nhã ấy là em trai của vợ con.

- Thì ra là vậy, cả hai vợ chồng con đều đã từng là học trò của thầy.

- Vợ con chưa từng nói về điều này.

- Bây giờ thầy có còn dạy học như ngày xưa nữa không?

- Thầy bỏ nghề sau khi em tự ý bỏ học và nhiều lần đi tìm em mà không thấy. Thôi đừng nói chuyện cũ nữa! Thầy có một bình rượu ngô rất thơm, người dân trong núi cho đã lâu, thầy muốn mời em một chén mừng gặp lại.

- Vâng! Cám ơn thầy!

Già Nhân và tay buôn ngựa vừa uống rượu ngô vừa nói chuyện mua bán ngựa.

- Lần này, thầy bán năm con ngựa. Tất cả đều là ngựa tốt nhưng chúng không được chăm sóc và huấn luyện nên rất gầy và hơi bất kham.

- Thầy cứ yên tâm, con biết cách chăm sóc ngựa. Ngựa là loài vật có sức khỏe dẻo dai, ít bị ốm đau nhưng do thời tiết lạnh nên dễ bị sổ mũi, đau bụng và đầy hơi. Nếu thấy chúng dùng chân cào xuống đất, đứng lên nằm xuống liên tục là nó bị đau bụng. Hay khi thấy nó chảy nước mũi nhiều là bị cúm, bị sổ mũi. Chúng ta phải tìm hiểu xem nó bị bệnh gì để dùng các loại thuốc khác nhau. Chữa bệnh cho ngựa hiệu quả nhất là bằng các bài thuốc dân gian. Khi ngựa mắc bệnh viêm phổi, sổ mũi thì dùng tay ngoáy vào mũi để nó hắt xì thật mạnh, sau đó dùng thảo quả khô nghiền nhỏ pha với nước muối rồi cho ngựa uống vài lần kết hợp với dùng lá thuốc xông mũi là khỏi. Để chống cảm lạnh, chống rét cho ngựa trong mùa Đông giá lạnh thì cần cho ngựa ăn thêm bã rượu ngô...

Thầy Nhân yên lặng nhìn vào đôi mắt và lắng nghe từng lời hắn nói, thẳm sâu trong trái tim thầy một niềm vui nho nhỏ, một niềm tin mạnh mẽ: “Thế là trò Cơi ngày nào đã trở thành một tay buôn ngựa thực thụ”. Ngày mai, thầy sẽ nhờ người phá cái tàu ngựa trước nhà để trồng hoa trở lại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ