Truyền động lực chinh phục tiếng Anh cho học trò vùng xa

GD&TĐ -  Cô giáo Tống Thị Thùy Dung, Trường THPT Bảo Lâm (Cao Bằng) đưa tiếng Anh đến với HS DTTS ở ngôi trường xa nhất của tỉnh miền núi phía Bắc.

Cô Tống Thị Thùy Dung (đứng) đã coi ngôi trường xa nhất tỉnh Cao Bằng là nơi gắn bó với thanh xuân. Ảnh: NVCC
Cô Tống Thị Thùy Dung (đứng) đã coi ngôi trường xa nhất tỉnh Cao Bằng là nơi gắn bó với thanh xuân. Ảnh: NVCC

Chuyến xe chở những “băn khoăn”

Cô Dung sinh ra tại thành phố Cao Bằng trong gia đình có mẹ làm giáo viên mầm non. Bố mẹ đều mong muốn con cái lớn lên sẽ theo nghề của mẹ, thế nên, từ nhỏ cô gái trẻ đã có ước mơ trở thành cô giáo.

Để thực hiện ước mơ ấy, cô Dung thi vào Trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, học chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh. Tháng 8/2018, cô Dung chính thức được tuyển dụng vào ngành Giáo dục và nhận công tác tại Trường THPT Bảo Lâm.

“Khi nhận được quyết định tuyển dụng, trong trái tim tôi dâng trào niềm hạnh phúc nhưng cũng không khỏi những trở trăn, lo lắng bởi đó là một trường xa nhất của tỉnh Cao Bằng. Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số Mông, Sán Chỉ, Lô Lô. Ngày đầu khi nộp quyết định, tôi ngồi trên xe khách từ Cao bằng vào Bảo Lâm, đi con đường đèo 175km với hai bên là đồi núi ngút tầm mắt, có những chỗ là vực thẳm, trong lòng không khỏi bồn chồn, lo lắng”, cô Dung bồi hồi nhớ lại.

Chưa hết, ngày ấy, khi cô đến được ngôi trường nằm ở trên núi cao, xung quanh bao phủ bởi rừng núi, cô cũng như tất cả các đồng nghiệp đã đến đây đều chung tâm trạng bùi ngùi, trống trải. Khoảng cách địa lý và không gian, cảnh vật xung quanh khiến ai mới đến cũng tăng thêm nỗi nhớ nhà. Thế rồi, sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng đầy sự chia sẻ, quan tâm và động viên của Ban giám hiệu nhà trường và các đồng nghiệp, cô Dung cảm thấy vững tin hơn để nhận nhiệm vụ.

Là giáo viên trẻ, vừa lập gia đình, được điều động đến công tác tại trường thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đối với cô Dung thì đó là một thử thách lớn. Nhưng với lòng đam mê, nhiệt huyết của mình, cũng như sự ủng hộ từ phía gia đình và sự tạo điều kiện, hướng dẫn, giúp đỡ của Ban giám hiệu, của các đồng nghiệp, đặc biệt là sự hướng dẫn của cô giáo Dương Thị Hiếu - Tổ trưởng chuyên môn Tổ Xã hội, cô Dung đã mạnh dạn tự tin hơn trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm.

Thời điểm đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn. Trường chưa có đủ phòng học bộ môn, nguồn Internet chưa được phủ sóng rộng rãi, nguồn tài liệu dạy và học còn hạn chế. Hơn nữa, với học sinh ở đây, tiếng Anh là một môn học không những chưa được yêu thích, mà còn là nỗi sợ.

Hầu hết, các em là người dân tộc thiểu số (DTTS), còn thiếu nhiều kỹ năng giao tiếp, chưa chủ động, tự giác trong việc học. Các em cũng chưa cởi mở, thoải mái trò chuyện, nói lên những suy nghĩ cảm nhận về việc học tiếng Anh. Cô Dung đã gặp khá nhiều khó khăn khi truyền đạt kiến thức mà các em ngơ ngác, không hiểu được do không biết nghĩa của từ vựng.

“Trong lớp, các em còn mang nặng tâm lý rụt rè, ngại phát biểu, ngại nói vì sợ sai, sợ phát âm không đúng. Với các em, việc học tiếng Anh là một môn học vừa khó vừa rất đáng sợ.

Nhưng dần dần, tôi tiếp cận với các em bằng sự cởi mở, yêu thương của người thầy, với nhiều cách gợi mở và khuyến khích động viên các em, qua nhiều tiết học sau đó, chúng tôi đã có nhiều chủ đề chung để nói, cùng chia sẻ cách học tiếng Anh, cùng đặt ra mục tiêu là chinh phục bộ môn này.

Nhờ đó, các em đã phá bỏ rào cản, bớt đi sự ngượng ngùng và sẵn sàng chia sẻ với cô giáo nhiều hơn. Tôi nhận thấy các em đã chủ động, tích cực làm việc nhóm, thoải mái thực hành giao tiếp tiếng Anh hơn”, cô Dung hào hứng chia sẻ.

Quả ngọt từ nỗ lực và yêu thương

Ngoài công tác giảng dạy chuyên môn, ở cương vị là giáo viên chủ nhiệm, cô Dung cũng tích cực tổ chức những buổi hoạt động nhóm cho các em, như tham quan các danh lam, di tích tại địa phương. Đây vừa là hoạt động giúp gắn kết tình đoàn kết của các học sinh trong lớp vừa giúp các em thêm yêu và tự hào về cảnh đẹp hùng vĩ của mảnh đất quê hương Bảo Lâm, Cao Bằng.

Khi cô và trò đã có được tình cảm tin cậy, gắn bó, cô Dung tích cực bồi đắp khát khao và nhen lên ngọn lửa mong ước giúp quê hương ngày càng đổi mới trong trái tim của các em, tiếp thêm năng lượng yêu thương cháy bỏng. Các em thấy thích môn ngoại ngữ và trở nên tự giác, chăm chỉ học tập hơn. Sự tiến bộ từng ngày giống như tích tiểu thành đại, các em đã đạt được thành tích cao, cũng như đạt được danh hiệu tập thể lớp xuất sắc của Huyện đoàn khen tặng.

Hàng năm, Trường THPT Bảo Lâm đều tổ chức hoạt động “Tết yêu thương”, cô giáo trẻ đã cùng đồng nghiệp đi qua những cung đường gồ ghề sỏi đá, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm đến nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở tận trên đỉnh núi, đỉnh đồi, gặp gỡ phụ huynh chuyện trò, chia sẻ và trao những món quà ý nghĩa nhất tới gia đình các em để giúp các học trò của mình có được hương vị của một cái Tết ấm no.

Tháng 10/2019, lần đầu tiên cô Dung được phân công ôn luyện học sinh giỏi. Mặc dù, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng, luyện thi, nhưng cô đã cố gắng tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, tìm kiếm tham khảo các đề thi, phân tích đề qua các nguồn học liệu mở trên web để cung cấp và mở rộng kiến thức cho học sinh.

Trước đó, cũng chưa có học sinh đăng ký ôn luyện, nhưng dần dần đã có vài em chủ động xin tham gia đội tuyển khiến cô cảm thấy rất vui và phấn khởi. Điều đó chứng tỏ các em đã mạnh dạn hơn, đã dám theo đuổi, chinh phục một ngôn ngữ mới đầy khó khăn gian nan. Những năm đầu, các em mới chỉ được giải cấp huyện, sau đó, các em đã đạt thành tích cao hơn. Năm học 2020, cô Dung đã có học sinh đoạt giải Tư cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Năm 2023, cô Dung là một trong số những giáo viên được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được san sẻ những áp lực tâm lý, tinh thần và cùng vượt thử thách, vượt vũ môn với các em học sinh khối 12. Tôi ý thức được rằng dạy học không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là truyền lửa, truyền động lực cùng sự tự tin cho thế hệ sau”, cô Dung chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ