Những câu hỏi đó được giải đáp trong chương trình “Thế giới huyền bí của Hans Christian Andersen” do Nhà xuất bản Kim Đồng, Đại sứ quán Đan Mạch và CLB “Đọc sách cùng con” phối hợp tổ chức nhân dịp Những ngày sách châu Âu 2018.
Một phần tuổi thơ của hàng triệu trẻ em
Với nhiều tiết mục phong phú đặc sắc như: Đóng kịch, đọc trích đoạn trên nền nhạc… cùng các trò chơi tương tác, chương trình “Thế giới huyền bí của Hans Christian Andersen” tái hiện lại một cách sinh động không gian và màu sắc các truyện cổ Andersen dành cho độc giả nhiều lứa tuổi.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Ane Kirsten Andersen, Tham tán Văn hóa ĐSQ Đan Mạch, đã khẳng định giá trị trường tồn của truyện cổ Andersen qua hai thế kỉ. Và cho tới nay, những tác phẩm của Andersen đã đến với độc giả thuộc 160 ngôn ngữ trên thế giới.
“Bởi vậy, vào giờ phút này, tại một nơi nào đó trên trái đất cũng có những bạn nhỏ đang say sưa với những trang sách Andersen như chúng ta ở đây hôm nay. Và rất có thể, truyện cổ Andersen đang đến với các em không phải qua tiếng Đan Mạch hay tiếng Việt, mà là một ngôn ngữ khác, như tiếng Hindi hay tiếng Nga, và đây là một điều hết sức thú vị”, bà chia sẻ.
Bà Ane Kirsten Andersen cũng khẳng định, chính tình cảm yêu mến đối với truyện cổ Andersen đã gắn kết độc giả khắp nơi trên thế giới. “Tôi cũng là một “fan hâm mộ” lâu năm của truyện cổ Andersen, khi gia đình đã dày công sưu tầm trọn vẹn tuyển tập những tác phẩm của nhà văn vĩ đại này”.
Từng xuất bản nhiều ấn bản “Truyện cổ Andersen”, nhưng đây là lần đầu tiên Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt “Truyện cổ Andersen” qua bản dịch của dịch giả Trần Minh Tâm. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, dịch giả Trần Minh Tâm đã chọn và tham khảo qua nhiều bản dịch tiếng Anh, đây là ấn bản “đầy đủ nhất, nêu bật được tinh thần bản gốc Đan Mạch nhất”. Bộ truyện có đầy đủ truyện cho trẻ con và người lớn, và gần với văn phong của Andersen.
Vượt qua những khoảng cách về thế hệ
Ký ức tuổi thơ của nhiều độc giả Việt Nam đều không thể quên những truyện cổ Andersen như Chú lính chì dũng cảm, Nàng công chúa và hạt đậu, Vịt con xấu xí, Nàng tiên cá, Cô bé bán diêm, Bộ quần áo mới của hoàng đế. Điều gì khiến những truyện cổ này làm say mê đọc giả khắp thế giới?
Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết:“Em nhỏ nào đã đọc qua truyện ngắn Andersen thì trọn đời không khi nào quên và dửng dưng với thơ ca, mộng ước, tình thương yêu và lòng công bằng… Ở người độc giả lớn tuổi, Andersen đã biết tỉnh gợi được lại cái phần hồn nhiên trong trắng vẫn đọng chìm, đánh thức lại những cái bồng bột chân chất của tuổi măng trứng để mà đối soi vào thực tế phiền phức”.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ: “Tôi nhớ tôi đã từng đọc một báo cáo của một cô giáo Đan Mạch chia sẻ về việc cô đã dạy cho học sinh triết lý sống thông qua những câu chuyện cổ tích của Andersen. Qua những bài giảng của mình, cô đã gói gọn triết lý sống trong 3 từ “tò mò, kỳ diệu và thích thú”. Sau khi thảo luận những câu chuyện cổ tích của Andersen, các em học sinh đều tìm thấy 3 từ trên trong các tác phẩm của Andersen.
Tuy nhiên, nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu lại khẳng định truyện cổ tích, đặc biệt là truyện cổ tích Andersen không phải là truyện dùng cho thiếu nhi. Nhà văn J. R. R. Tolkien tác giả của “Chúa tể của những chiếc nhẫn” đã viết: “Truyện cổ tích không phải dành cho trẻ em mà cho chính chúng ta, những người lớn đã tự quyết định điều đó dựa vào những nhận định sai lầm về bản chất của những loại văn học này cũng như bản tính thiếu nhi”.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên khuyên, các bạn đọc nhỏ tuổi hãy đọc truyện của
Andersen, chắc chắn theo cách của mình các em sẽ hiểu, và khi lớn hơn một chút, hãy đọc lại các em sẽ có những phát hiện mới trong những câu chuyện đó.