Những áng văn lay động tâm hồn

GD&TĐ - Alphonse Daudet (1840-1897) là nhà văn Pháp và là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng. Ông sinh ra ở miền Nam nước Pháp. Gia đình đã rời quê lên Lyon khi xí nghiệp tơ vải của cha ông bị suy sụp và phải đóng cửa.

Những áng văn lay động tâm hồn

Ông bắt đầu viết từ năm 14 tuổi, đến năm 18 tuổi ra thi tập «Những Người Ðàn Bà Ðang Yêu» và ngay lập tức được đón nhận.

Từ đó ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm thuộc các thể loại tiểu thuyết, tập truyện ngắn, thơ và kịch. Trong số đó có rất nhiều tác phẩm như Thằng Nhóc, Lá thư hè, Thiện xạ Tartarin, v.v. đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam nhờ văn phong giàu chất thơ, tính nhân văn và hết sức cảm động.

Đặc biệt trong số các tác phẩm của ông có tập "Lá thư hè" bao gồm những truyện ngắn được Alphonse Daudet viết khi về nghỉ tại một cối xay cũ kỹ thuộc xứ Provence miền Nam nước Pháp - vốn là sinh quán của thi sĩ - dưới dạng những lá thư gửi một người bạn làm nghề ký giả tại Paris.

Giá trị của tác phẩm đã vượt cả không gian và thời gian nhờ tính chất sâu sắc, châm biếm, thi vị và chứa chan tình cảm, thông qua những nhân vật hết sức thú vị: vị cha xứ tham ăn, ông già chủ cối xay trọn tình vẹn nghĩa, chàng trai tự tử vì tình, bà chủ nhà trọ cam chịu cho người khác cướp chồng, cặp vợ chồng già nhân hậu...

Là văn sĩ kiêm thi sĩ, những tác phẩm của A. Daudet nói chung cũng như tập truyện ngắn Lá thư hè nói riêng đều chứa đựng những nét đặc biệt, thơ mộng nhưng không rời xa thực tế, lời văn nhẹ nhàng trong sáng, dễ làm cho người đọc cảm động. Dành thời gian thưởng thức Lá thư hè cũng là cách ngắn gọn nhất để hiểu về một trong những đại văn hào Pháp, và thêm nữa là bồi đắp nỗi nhớ tuổi hoa niên vốn lắng đọng đâu đó trong mỗi con người chúng ta.

Chính Alphonse Daudet lúc sinh thời cũng từng chia sẻ: “Đây là tác phẩm tôi thích nhất, không phải về phương diện văn chương mà bởi tác phẩm này đã nhắc tôi nhớ những giờ khắc đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ, những trận cười điên cuồng, những phút say mê không hối tiếc, những bộ mặt, những bóng dáng bạn bè mà sau này tôi không còn gặp lại bao giờ.”

Hay tiểu thuyết "Thằng nhóc", cũng là điển hình về thời khắc tuổi trẻ: “Đó là một sự thật, tôi quả là hung tinh của bố mẹ tôi. Kể từ ngày tôi được sinh ra, biết bao nỗi bất hạnh khó mà tin nổi từ mọi nơi dồn dập đến với họ. Đầu tiên là chuyện tên khách hàng Marseille, sau đó là hai lần hỏa hoạn trong cùng một năm, rồi cuộc đình công của những công nhân mắc sợi, rồi mối bất hòa với bác Baptiste, rồi một vụ kiện sạt nghiệp với những người bán thuốc nhuộm của chúng tôi, rồi cuối cùng, cuộc Cách mạng năm 18... đã giáng cho chúng tôi một đòn chí tử.”

Thằng Nhóc đã ra đời như vậy đó, luôn coi mình là điềm gở, gánh nặng cho cha mẹ nhưng sâu trong lòng vẫn là một niềm mong mỏi có thể dùng chút tài mọn của mình để tái thiết gia đình. Đằng sau cuốn tiểu thuyết đầu tay của văn hào Pháp chính là một thiên hồi ký vừa dịu dàng êm ả vừa xáo động dữ dội của ông.

Câu chuyện về một chú bé tỉnh lẻ nghèo khổ và yếu đuối mà ta sẽ cùng chứng kiến hành trình trải đầy gian nan, cạm bẫy của cậu, từ những năm tháng niên thiếu gian khó đến giai đoạn tự xác định căn tính bao đau đớn trong trường đời, để rồi cuối cùng vượt qua cái chết và đến với một trang đời mới hứa hẹn hạnh phúc.

Buổi tọa đàm “Alphonse Daudet và những áng văn làm lay động tâm hồn” do Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace và Công ty cố phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức nhân dịp Ngày hội Sách châu Âu 2018 tại Việt Nam với sự tham gia của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, dịch giả Đỗ Thị Minh Nguyệt, tiến sĩ Văn học Trần Ngọc Hiếu. Tọa đàm diễn ra hồi 18h00, ngày 07 tháng 05 năm 2018 tại Thư viện Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.