Truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn Lịch sử

GD&TĐ - Mục tiêu của chương trình môn Lịch sử mới là truyền cảm hứng và giúp cho học sinh yêu thích môn lịch sử, thông hiểu lịch sử và quan trọng hơn là biết kết nối lịch sử với hiện tại để hiểu rõ hơn về thế giới, về đất nước mà họ là những chủ nhân tương lai.

Truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn Lịch sử

Đó là chia sẻ của GS.TS Trần Thị Vinh- giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội, thành viên nhóm biên soạn môn Lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tại hội thảo quốc tế “Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK” do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức.

Đổi mới dạy học lịch sử theo định hướng phát triển năng lực

GS.TS Trần Thị Vinh cho biết: Việc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử theo định hướng phát triển năng lực là trọng tâm của chương trình môn Lịch sử.

Phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển năng lực đặt trọng tâm vào việc xây dựng và phát triển năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống, đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giữa người dạy và người học theo hướng cộng tác, đối thoại, lấy học sinh làm trung tâm nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, đáp ứng mục tiêu của chương trình tổng thể.

Phương pháp dạy học lịch sử theo định hướng tiếp cận năng lực được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của khoa học lịch sử thông qua các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện lịch sử, phục dựng một cách khoa học, khách quan, chân thực quá trình hình thành phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp của các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Đồng thời đặt quá trình phát triển đó trong sự tương tác với các nhân tố liên quan trong suốt quá trình vận động của chúng.

Giáo viên không đặt trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức một chiều cho học sinh mà chú trọng việc hướng dẫn học sinh khai thác các nguồn sử liệu để tìm kiếm sự thật lịch sử.

Giờ học lịch sử trở thành quá trình tìm kiếm sự thật lịch sử. Học sinh được hướng dẫn đọc hiểu, giải mã văn bản lịch sử thông qua các kênh hình, kênh chữ, hiện vật lịch sử... để từ đó tái hiện quá khứ, nhận thức sự thật lịch sử, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự tiến hóa của sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử cũng như quá trình phát triển của lịch sử.

Học sinh được trang bị phương pháp tự học, biết cách khai thác các nguồn sử liệu, xác minh thông tin, đồng thời biết cách phân tích các sự kiện, hiện tượng lịch sử và tự mình rút ra những nhận xét, đánh giá, tạo cơ sở phát triển năng lực tự học, năng lực học lịch sử suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam và thế giới.

Thông qua việc tổ chức các hoạt động dạy học đa dạng, giáo viên giúp học sinh phát huy năng lực sáng tạo trong học tập lịch sử, trở thành "người đóng vai lịch sử" hay "người làm lịch sử" để khám phá kiến thức lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.

Về dạy học tích hợp, Lịch sử là môn học mang tính giáo dục cao do đối tượng nghiên cứu liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa ở các thời đại khác nhau. Chính vì vậy môn Lịch sử có điều kiện thuật lợi để kết hợp giáo dục học sinh các kiến thức liên môn về các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, về môi trường, phát triển bền vững, bình đẳng giới...

GS.TS Trần Thị Vinh

Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học

Theo GS.TS Trần Thị Vinh, giáo dục lịch sử là một hoạt động mang tính xã hội cao, sự phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục (nhà trường, gia đình, xã hội) là nền tảng quan trọng để hình thành năng lực đặc thù của môn Lịch sử.

Trong đó, giáo viên là người chủ động thiết lập và duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục lịch sử thông qua các môn hình phối hợp như: Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh có sự tham gia của phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội, tổ chức các hoạt động "cha mẹ lắng nghe con kể chuyện lịch sử", "cha mẹ cùng con khám phá lịch sử đất nước, lịch sử địa phương".

Chương trình Lịch sử mới sẽ chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn và phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học lịch sử.

Ở cấp tiểu học với hình thức kể chuyện lịch sử, giáo viên giúp cho học sinh làm quen với lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc thông qua các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian, tạo cơ sở để học sinh bước đầu nhận thức về khái niệm thời gian, không gian, đọc hiểu các nguồn sử liệu đơn giản về sự kiện, nhân vật lịch sử.

Ở cấp THCS, với hình thức dạy học lịch sử theo thông sử, giáo viên giúp học sinh nắm vững hệ thống kiến thức cơ bản, toàn diện về lịch sử dân tộc, lịch sử dân tộc, lịch sử khu vực và lịch sử thế giới trên cơ sở tạo điều kiện để học sinh có khả năng tiếp cận các nguồn sử liệu khác nhau, đọc hiểu các văn bản lịch sử, tái hiện quá khứ lịch sử, mở rộng tầm nhìn về sự kết nối giữa lịch sử dân tộc với lịch sử khu vực và lịch sử thế giới, bước đầu hình thành năng lực chuyên môn lịch sử.

Ở cấp THPT, với hình thức dạy học lịch sử theo chủ đề, giáo viên giúp học sinh phát triển năng lực chuyên môn lịch sử thông qua việc củng cố, nâng cao tri thức về lịch sử Việt Nam, khu vực và thế giới thông qua hệ thống chủ đề về lịch sử chính trị, kinh tế- xã hội, văn hóa- văn minh, tôn giáo- tín ngưỡng, dân cư- tộc người, nghệ thuật- kiến trúc, ngoại giao- quan hệ quốc tế...

Thông qua hệ thống chủ đề này giáo viên giúp học sinh có khả năng tiếp cận và xử lí thông tin từ những nguồn khác nhau, có khả năng xâu chuỗi các sự kiện lịch sử có liên quan, đưa ra nhận xét cá nhân về các sự kiện, chủ đề lịch sử, xây dựng năng lực phản biện và sáng tạo, từ đó có khả năng vận dụng những kinh nghiệm lịch sử vào thực tiễn, dùng tri thức lịch sử để giải thích những vấn đề hiện tại.

GS Vinh cho biết thêm: Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử theo hướng phát triển năng lực, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức trong thực tiễn, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử làm trung tâm của việc đánh giá.

Mục đích chủ yếu của đánh giá kết quả học tập là đối chiếu, so sánh năng lực học sinh đạt được với mức độ yêu cầu của chuẩn kiến thức và năng lực môn học lịch sử ở từng chủ đề, từng lớp học, để từ đó có những biện pháp cải thiện kịp thời hoạt động dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ