Điện thoại giao tiếp với nhau
Bluezone là phần mềm hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng dùng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp hay BLE (Bluetooth low energy), được Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu mới đây, do Bkav cùng các tập đoàn công nghệ lớn phát triển. Ngày 27/4, đơn vị phát triển đã công bố mã nguồn của phần mềm, đặt trên nền tảng GitHub của Microsoft. Người dùng có thể truy cập, tải về và giám sát để kiểm tra tính bảo mật của ứng dụng. Bên cạnh đó, nhóm phát triển cũng cung cấp white paper, ghi lại toàn bộ quá trình phát triển và các thông tin chi tiết về dự án.
Trước đó trong quá trình làm việc, nhóm đã chủ động liên hệ với Google, Apple hay Viện Công nghệ Massachusetts - những đơn vị đang phát triển ứng dụng tương tự - nhằm thảo luận các vấn đề về chuyên môn và bảo mật. Trước khi ra mắt chính thức, nhóm phát triển cũng gửi thư mời đến 100 chuyên gia để cùng trải nghiệm và đưa ra góp ý, phản biện. Hiện tại, cộng đồng Bluezone đã vượt mốc hơn 50.000 người dùng và vẫn liên tục được cập nhật từ ý kiến phản hồi của người sử dụng.
Trong số những chiến lược nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, nhiều quốc gia đang áp dụng triển khai các ứng dụng điện thoại thông minh. Khi những chiếc điện thoại đã được cài ứng dụng truy dấu ở gần nhau, chúng sẽ trao đổi thông tin – trong một số trường hợp chúng sẽ ghi lại danh sách những người mà người dùng đã tiếp xúc gần. Người dùng sẽ được cảnh báo nếu ở gần người mắc bệnh. Những ứng dụng này có thể hỗ trợ cho các chiến lược kiểm soát dịch Covid-19 của một quốc gia – bao gồm xét nghiệm, tiền sử dịch tễ, cách ly và giãn cách xã hội, nhưng cũng không thể xem chúng như một công cụ thay thế cho các chiến lược kiểm soát kể trên hay những đội chuyên phụ trách theo dõi lịch sử di chuyển của người bệnh.
Các điện thoại thông minh cài ứng dụng Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách hai mét, ghi nhận sự tiếp xúc gần vào lúc nào và trong bao lâu qua công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp. Khi có một ca nhiễm Covid-19 mới, cơ quan y tế nhập dữ liệu F0 này vào hệ thống. Hệ thống sau đó gửi dữ liệu F0 đến các điện thoại khác trong cộng đồng Bluezone. Lịch sử tiếp xúc F0 trong 14 ngày trước đó sẽ được phân tích, đối chiếu và nếu trùng khớp, Bluezone sẽ cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm, đồng thời hướng dẫn họ liên hệ với cơ quan y tế để nhận trợ giúp. Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định nếu ứng dụng được cài rộng rãi sẽ phát huy hiệu quả, giúp kiểm soát các ổ dịch mới, nhất là khi người dân quay trở lại làm việc sau vài tuần ở nhà.
Không lo lộ thông tin
Việc cho phép truy cập vị trí, lộ trình di chuyển, người tiếp xúc… khiến nhiều người lo ngại bị lộ thông tin cá nhân. KS Nguyễn Đức Linh, chuyên gia về công nghệ thông tin của một công ty công nghệ tại Hà Nội cho hay, nhiều người lo lắng vấn đề bảo mật của phần mềm là có lý do. Bluezone sử dụng sóng Bluetooth để phát và thu mã số ngẫu nhiên, mỗi người sử dụng Bluezone chỉ có một mã số duy nhất, gọi là mã ID Bluezone. Người sử dụng không thể thay đổi mã số này, trừ khi xóa và cài lại ứng dụng.
Ứng dụng Bluezone cũng không thay đổi địa chỉ Bluetooth của thiết bị nên nhiều người lo sẽ bị theo dõi và bị lộ thông tin vị trí, hành trình, đã gặp ai, có bị nhiễm hay phơi nhiễm hay không. Nếu không bảo mật tốt, mã ID Bluezone, người dùng có thể bị kẻ xấu quy kết là đã nhiễm bệnh hoặc phơi nhiễm, dẫn đến bị cách ly, mặc dù hoàn toàn khỏe mạnh. Ứng dụng Bluezone Android yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập thông tin vị trí, hình ảnh, tài liệu lưu trên điện thoại… nên nhiều người lo lắng lộ thông tin là có cơ sở.
Các ứng dụng truy dấu đều chia sẻ thông tin qua Bluetooth – công nghệ cho phép các thiết bị trao đổi thông tin ở cự ly gần. Điều này khá thuận tiện, bởi hầu hết điện thoại thông minh hiện nay đều cài đặt Bluetooth. Thế nhưng, trước đây đã có nhiều báo cáo và nghiên cứu được công bố liên quan đến vấn đề vi phạm an ninh của công nghệ này. Người dùng điện thoại thông minh thường được khuyến cáo nên tắt Bluetooth khi không cần thiết, nhất là khi đang ở gần người dùng điện thoại khác. Nhưng ứng dụng truy dấu Covid-19 cần người dùng bật Bluetooth để hoạt động – đặc biệt là khi người dùng đang ở nơi công cộng.
Tuy vậy, Bộ TT&TT khẳng định ứng dụng Bluezone không thu thập thông tin người dân, và sẽ được phát hành dạng mã nguồn mở để mọi người có thể giám sát. Phần mềm này sẽ mang tính toàn cầu khi nó được để ở dạng nguồn mở để các quốc gia được chia sẻ; các công ty và các hãng công nghệ lớn như Apple, Google sẽ cùng chung tay phát triển; và để người dân cùng giám sát phần mềm mình đang dùng có an toàn hay không. Cộng đồng, chuyên gia khi có ý kiến tham gia thì trực tiếp trao đổi, thảo luận trong nhóm phát triển trước để cùng làm rõ bản chất của vấn đề, tránh hiểu nhầm, gây hoang mang dư luận.
Theo các chuyên gia, các ứng dụng truy dấu là một công cụ trợ giúp phòng dịch Covid-19, nhưng không thể dùng nó như một phương tiện thay thế cho việc xét nghiệm Covid-19 hay các biện pháp giãn cách xã hội khác. Thuốc, vắcxin và các biện pháp điều trị, phòng bệnh khác mới là những tiêu chuẩn mang tính toàn cầu.