Trượt lớp 10 trường công lập: Không phải dấu chấm hết

GD&TĐ - Trong cuộc trò chuyện với Báo Giáo dục và Thời đại, TS Giáp Văn Dương - Chuyên gia giáo dục, nêu quan điểm và giải pháp giúp thí sinh vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập vượt qua áp lực đỗ - trượt.

Học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 công lập. Ảnh minh hoạ
Học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 công lập. Ảnh minh hoạ

Trẻ bi quan do bố mẹ áp đặt suy nghĩ

- Trong kỳ thi vào lớp 10 công lập ở các tỉnh thành, hàng chục nghìn thí sinh bị trượt, nhiều em có tâm lý rất bi quan. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Trước hết, tôi chia sẻ nỗi buồn với các sĩ tử, và phần nào cả gia đình nữa. Nhưng tôi cho rằng, cũng chỉ nên buồn tối đa là một hai ngày thôi, còn lại hãy để dành tinh thần làm việc khác, đưa ra các lựa chọn khác, để tiến về phía trước.

Với lượng học sinh và chỉ tiêu của các trường công lập như hiện nay, một số học sinh, lên đến 20 - 30%, thi trượt công lập là chuyện đương nhiên. Vì thế, việc thi trượt không rơi vào người này thì sẽ rơi vào người khác.

Kinh nghiệm cá nhân cho thấy, thi trượt vào 10 THPT công lập không phải là dấu chấm hết. Các trường ngoài công lập, rồi trường đào tạo nghề hiện nay rất nhiều. Nếu tài chính gia đình cho phép, học sinh có thể chọn một trường tư thục để học tiếp. Còn không, có thể chọn học nghề.

Các trường tư thục thường được chăm chút đầu tư và có những thế mạnh riêng mà trường công không có. Còn trường đào tạo nghề lại giúp các em chạm gần cuộc sống nghề nghiệp hơn. Những thứ đó đều cần thiết và là điểm khác biệt so với trường công.

Vì thế, trượt lớp 10 trường công là một nỗi buồn nhưng cũng là khởi đầu mới, thú vị hơn lộ trình đã đoán định.

- Theo ông, vì sao thí sinh lại có suy nghĩ đó?

- Các em cho rằng, thi trượt vào 10 công lập “là chấm hết” vì người lớn, mà chủ yếu là bố mẹ, cho rằng như thế. Còn các em còn quá nhỏ để trải nghiệm và hiểu ra rằng đó không phải là chấm hết. Đó thậm chí còn có thể là một khởi đầu mới, thú vị hơn.

Khi hiểu đó chỉ là sự cố hiện thời, khép lại của một trong rất nhiều cánh cửa, các em sẽ thoải mái hơn, nhìn ra cánh cửa khác đang chào đón và bước tiếp.

Ngoài ra, văn hóa trọng thi cử của chúng ta cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các em. Từ bao năm nay, thi trượt là một điều gì đó rất kinh khủng. Thất bại cũng bị coi là như vậy. Cho nên không ai dám mạo hiểm, không dám thất bại….

Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần hiểu rằng, thi trượt và thất bại cũng là một sự thường trong cuộc đời, thậm chí là cơ hội để trưởng thành. Điều quan trọng không phải là bản thân việc thi trượt, mà ở việc ứng xử với nó thế nào, để vượt qua và trưởng thành từ chính thất bại đó. 

TS Giáp Văn Dương khuyên thí sinh không nên để nỗi buồn nhấn chìm. Ảnh: NVCC
TS Giáp Văn Dương khuyên thí sinh không nên để nỗi buồn nhấn chìm. Ảnh: NVCC

Biết vượt qua sự cố mới có thể thành công

- Trong cuộc sống, ông đã gặp và ấn tượng với cá nhân trượt kỳ thi quan trọng, sau đó đã tìm được hướng phát triển, đi tiên phong trong lĩnh vực nào đó?

- Tôi cũng từng thi vào 10 công lập nhiều năm về trước. Lúc đó tỷ lệ thi đỗ thấp hơn bây giờ nhiều. Trong số bạn bè của tôi cũng có nhiều người trượt. Nhưng giờ nhìn lại, cuộc sống của những người đỗ và trượt không khác nhau nhiều. Thậm chí, trong số các bạn học thời cấp 2 của tôi, người học kém nhất và phải nghỉ học khi chưa hết cấp 2 lại đang làm chủ một doanh nghiệp khá lớn.

Vì thế, tôi cho rằng thi trượt vào 10 công lập chỉ nên coi là một sự cố đáng tiếc, một bài học cho bản thân sĩ tử, để rút kinh nghiệm và trưởng thành. Chưa kể, nếu nhìn từ góc độ toàn xã hội, việc này còn giúp cho hệ thống giáo dục giáo dục ngoài công lập và trung học nghề tìm được học sinh và có cơ hội phát triển. Xét về tổng thể, đây là một điều tốt vì khi đó, hệ thống giáo dục sẽ đầy đủ hơn, lựa chọn giáo dục sẽ đa dạng hơn, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu khác nhau của xã hội.

- Có học thì phải có thi và việc đỗ trượt là tất yếu của thi cử, nhưng tâm lý trượt vẫn rất nặng nề. Theo ông, gia đình và nhà trường có thể làm gì để tâm lý đó không kéo dài, gây tác động tiêu cực đến học sinh?

- Việc đầu tiên chúng ta nên làm là thông cảm và chia sẻ nỗi buồn với các sĩ tử đó. Buồn vì thi trượt là một sự thật, không nên trốn tránh. Nhưng cũng không nên để nó nhấn chìm.

Các thầy cô và bố mẹ cần phân tích cho học sinh thấy, với số lượng học sinh và chỉ tiêu vào 10 công lập như vậy, năm nào cũng sẽ có học sinh thi trượt vào 10 THPT công lập.

Với các em và gia đình lúc này, điều quan trọng nhất không phải là thi trượt rồi thì buồn chán và đay nghiến nhau, mà là cùng nhau vượt qua sự cố đó như thế nào, nhìn về phía trước để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

- Ông có lời khuyên gì với thí sinh rơi vào tình trạng bi quan, chán nản do không đỗ vào trường đã đăng ký?

- Tôi sẽ khuyên: Em hãy cứ buồn cho vơi đi, nhưng buồn một hai ngày, tối đa là ba ngày thôi, rồi bước tiếp. Tôi cũng sẽ chỉ cho các em thấy, ngoài cánh cửa lớp 10 trường công, vẫn còn rất nhiều cánh cửa khác, có khi còn thú vị hơn, đang chờ mỗi người nhìn ra và khám phá.

Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sĩ tử cũng không được coi đó là dấu chấm hết. Không được tuyệt vọng hoặc hủy hoại bản thân. Cuộc sống có nhiều thử thách và còn nhiều điều để khám phá, chứ không chỉ có kỳ thi vào 10 THPT công lập.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Các em hãy cố gắng hết sức. Nhưng nếu đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn trượt thì không nên để nỗi buồn bủa vây quá lâu. Hãy coi đó là một tai nạn, sự cố trong cuộc đời. Hãy thấy đó chỉ là sự khép lại của một cánh cửa trong rất nhiều cánh cửa, chứ không phải dấu chấm hết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ