Trường vùng khó và nỗi lo thiếu sách giáo khoa

GD&TĐ - Hơn 20 ngày nữa các nhà trường sẽ bước vào năm học mới. Việc đảm bảo đủ SGK cho học sinh học tập tại các địa phương vùng khó không dễ dàng và đòi hỏi sự nỗ lực, quan tâm của nhà trường và xã hội.

Năm học mới đang tới gần nhưng học trò vùng cao Yên Minh - Hà Giang vẫn lo thiếu sách.
Năm học mới đang tới gần nhưng học trò vùng cao Yên Minh - Hà Giang vẫn lo thiếu sách.

Khó khăn trước thềm năm học mới

Thầy Dương Văn Đông – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh – Hà Giang) trao đổi: Ngọc Long là một trong những xã vùng cao, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh (Hà Giang) với 100% bà con dân tộc, làm nghề nông, thu nhập thấp.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 1-2 năm trở lại đây người dân địa phương không thể đi làm thuê kiếm sống càng thêm ảnh hưởng đến đời sống. Cùng đó, vẫn còn không ít bậc phụ huynh thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của việc học tập nên không quan tâm, đầu tư cho giáo dục của con em.

Với những khó khăn như vậy, việc chuẩn bị sách SGK, đồ dùng học tập cho trẻ tới trường trước thềm năm học mới luôn là nỗi lo và trông đợi vào chính quyền địa phương, nhà trường, sự ủng hộ của các tổ chức xã hội.

Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long vớigần 1.300 HS, 19 điểm trường lẻ, mỗi khi bước vào năm học việc chuẩn bị đủ SGK cho HS trỏ thành thách thức với Ban giám hiệu và đội ngũ thầy cô giáo dù nỗ lực hết mình.

Thầy Dương Văn Đông - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh - Hà Giang)
Thầy Dương Văn Đông - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh - Hà Giang)

Thầy Dương Văn Đông cho biết: Tuy có chế độ 86 của HS vùng khó được hỗ trợ SGK và nỗ lực triển khai nhiều giải pháp huy động SGK của nhà trường song tình trạng thiếu SGK, đồ dùng học tập, vở viết và các loại sách nâng cao, sách tham khảo cho thầy trò nhiều năm qua vẫn tồn tại.

Mặt khác, tình trạng đã khó càng thêm khó đối với SGK bởi điều kiện thời tiết khí hậu vùng cao nắng mưa, sương mù, bão lũ… khiến việc bảo quản không đạt hiệu quả cao.

Tỉ lệ SGK cũ bị hư hao qua sử dụng hàng năm nhiều và đa số là SGK tái sử dụng nhiều năm nên sách nhanh bẩn, hỏng nát. Việc bổ sung SGK hàng năm vẫn đòi hỏi lượng lớn. Đặc biệt khi bước vào năm học mới và triển khai CTGDPT 2018, các loại SGK lớp 1, 2,3 nhà trường vẫn đang thiếu số lượng lớn.

Để học trò đủ sách

Theo thầy Dương Văn Đông – Hiệu trưởng, nhiều năm qua đề đảm bảo SGK cho năm học mới, cứ kết thúc năm học cũ BGH lại yêu cầu các tổ trưởng chuyên môn báo cáo số lượng HS của khối từ đó dự kiến về số SGK đã có, còn thiếu… rồi lên kế hoạch huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ.

Nhà trường đã vận động các bậc phụ huynh mua sách và vở viết và đồ dùng học tập cho con trước khi vào năm học mới, tránh “khoán” hoàn toàn trách nhiệm lo sách cho nhà trường

Cùng đó, để đảm bảo bổ sung cho số SGK bị thiếu và hư hao hàng năm, nhà trường cũng chỉ đạo GV chủ nhiệm vận động HS tặng lại sách đã học để HS khối sau sử dụng tiếp…

Từ thực tế cho thấy, cũng như một số trường vùng cao khó khăn khác, Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh – Hà Giang) trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ SGK cũ, mới từ các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân để đảm bảo SGK cho HS từng năm học.

Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc hỗ trợ không thuận lợi, nhà tài trợ không lên được tới nơi để khảo sát, trao tặng. Cùng đó, hoạt động tài trợ chuyển hướng sang việc phòng, chống dịch bệnh…

Đảm bảo SGK cho HS vùng khó vẫn cần được địa phương và xã hội quan tâm, hỗ trợ
Đảm bảo SGK cho HS vùng khó vẫn cần được địa phương và xã hội quan tâm, hỗ trợ

Hiện tại Trường đã đề xuất lên Phòng GD&ĐT xin hỗ trợ. Mặt khác, đã giao trách nhiệm và huy động Ban giám hiệu và thầy cô giáo cùng vào cuộc để thông qua các kênh zalo, facebook cá nhân tiếp tục kêu gọi ủng hộ…

Thầy Dương Văn Đông cho biết thêm, để giải “bài toán” thiếu SGK một cách căn cốt, lâu dài bền vững từ đầu năm học tới BGH sẽ họp và triền khai đến toàn thể GV nêu cao tinh thần trách nhiệm gìn giữ SGK, đồ dùng học tập trong HS.

Đặc biệt nhà trường hướng tới xây dựng tủ sách dùng chung; kêu gọi hỗ trợ SGK diễn ra quanh năm chứ không chỉ vào dịp đầu năm học mới hay kết thúc năm học.

Mở rộng đối tượng ủng hộ SGK không chỉ là GV nhà trường mà sẽ vận động nhiều tầng lớp, đối tượng trong và ngoài địa phương. Đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh ý thức sử dụng và ủng hộ SGK của HS ở những lớp học nhỏ nhất….

100% học sinh dân tộc, điều kiện sống khó khăn… nếu nhà trường không chia sẻ, hỗ trợ thì chắc chắn HS sẽ không đủ SGK để học. Từ đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục nói chung và nguồn nhân lực tại địa phương vùng khó nói riêng.

Chính vì vậy, BGH, thầy cô giáo rất mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các đơn vị, cá nhân đối với HS vùng khó. Với người thầy vùng khó, niềm vui, hạnh phúc nhất khi vào năm học mới đó là HS tới trường đầy đủ, có sách vở, bút viết…” – thầy Dương Văn Đông bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.