Tuyển dụng thêm giáo viên đáp ứng nguồn nhân lực tại các trường học
Một điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là môn Tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/ tuần.
Còn học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ làm quen môn tiếng Anh thông qua tự chọn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương tại Hà Tĩnh vẫn còn thiếu giáo viên.
Tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) theo ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã, hiện đang thiếu 23 giáo viên tiếng Anh, trong đó bậc tiểu học thiếu 18 người.
Đặc biệt, một số trường vắng bóng hẳn giáo viên tiếng Anh, dù trong chương trình hiện hành, học sinh từ lớp 3 đã được học tự chọn môn này.
Còn huyện miền núi Vũ Quang, ông Nguyễn Thanh Hải (Trưởng phòng GD&ĐT Vũ Quang) cho biết, hiện nay, địa phương chỉ mới đảm bảo số lượng giáo viên tại các môn văn hóa, nhưng khó nhất vẫn là đảm bảo giáo viên Tiếng Anh cho học sinh lớp 1 và lớp 2 làm quen với chương trình sách giáo khoa mới.
“Qua rà soát, giáo viên văn hóa của Vũ Quang còn thiếu khoảng 10 người.
Chúng tôi chỉ mới đáp ứng được tỉ lệ 1,01 giáo viên/lớp nhưng nếu đủ phải là 1,11 giáo viên/lớp.
Riêng giáo viên tiếng Anh vẫn còn thiếu 2 người để thực hiện chương trình tiếng Anh bắt buộc đối với lớp 3.
Còn lớp 1 và lớp 2 để làm quen với tiếng Anh vẫn chưa thể bố trí được giáo viên”.
Để đảm bảo nhu cầu giáo viên giảng dạy tại các trường học nhất là đối với chương trình sách giáo khoa mới, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã tham mưu UBND tỉnh về việc tuyển dụng viên chức ở 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS).
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản đồng ý chủ trương để UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyển dụng 770 giáo viên.
Trong đó có 514 giáo viên bậc học tiểu học, 47 giáo viên bậc học trung học cơ sở còn thiếu so với biên chế được HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao.
UBND tỉnh giao chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện điều chuyển giáo viên các môn học còn thừa giữa bậc học tiểu học và bậc học trung học cơ sở đối với các bộ môn đặc thù chung.
Thực hiện quy trình biệt phái giáo viên trung học cơ sở giữa các huyện, thị xã theo quy định tại Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 9/5/2019 của UBND tỉnh ban hành quy chế biệt phái giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; trung học phổ thông từ đơn vị thừa giáo viên đến đơn vị thiếu giáo viên; hoàn thành trước ngày 1/9/2021.
Đảm bảo cơ sở vật chất
Cùng vào cuộc với ngành GD&ĐT, UBND các huyện, thị, thành phố cũng đã linh động trong việc bố trí nguồn ngân sách, kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp.
Theo ông Trần Đình Hùng, trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, năm học 2020-2021, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí mua hơn 140 tivi smart để các đơn vị thực hiện chương trình sách giáo khoa mới của lớp 1.
Năm nay, ngành giáo dục đã có văn bản đề nghị huyện hỗ trợ thêm 71 tivi để phục vụ cho lớp 2. Đối với THCS hiện mới chỉ có một đơn vị trường học đáp ứng có phòng tin học, còn hơn 10 trường vẫn chưa đáp ứng.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: “Qua tham mưu của ngành, năm nay, huyện Thạch Hà bố trí gần 3 tỷ đồng hỗ trợ các trường học mua Smart tivi phục vụ khai thác các học liệu điện tử thực hiện chương trình mới.
Hơn 100 tỷ đồng từ các nguồn cũng đã được huyện tăng cường cho giáo dục để bổ sung phòng học và các công trình phụ trợ đáp ứng nhu cầu dạy và học”.
Cũng theo cô Nga, việc chính quyền địa phương hỗ trợ cơ sở vật chất đã chia sẻ một phần gánh nặng về kinh phí cho phụ huynh vào đầu năm học.
Tạo động lực cán bộ, giáo viên khắc phục những khó khăn, hoàn thành tốt chương trình giáo dục phổ thông trong năm học 2021 - 2022.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà xuất bản đã bắt đầu triển khai đưa sách giáo khoa về các nhà trường để chuyển đến học sinh.
Năm học này, dự kiến các nhà xuất bản sẽ hỗ trợ khoảng 1.600 đầu sách cho học sinh vùng khó và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh.
Hiện tại, Sở GD&ĐT cũng đang xúc tiến việc tham mưu UBND tỉnh nguồn kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất để thực hiện chương trình mới.
Theo ông Phan Duy Nghĩa, phó Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh): “UBND tỉnh đã cho chủ trương bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong năm học mới.
Hiện, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các huyện tiến hành rà soát xong đang chuẩn bị xin ý kiến UBND tỉnh để đấu thầu theo quy định”.