Nỗ lực xã hội hóa...
Ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên cho biết: Sau khi nhận được quyết định phê duyệt SGK của tỉnh, phòng đã báo cáo UBND huyện, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể huyện và chính quyền địa phương tổ chức họp, tuyên truyền đến nhân dân. Mục đích để phụ huynh hiểu, ủng hộ cho việc thay SGK lớp 2 và lớp 6. Hiện cơ bản nhân dân ủng hộ và chủ động đăng ký mua SGK, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập cho con em mình.
“Ngay khi kết thúc năm học năm 2020 -2021, phòng tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm với các trường. Trên cơ sở đó, chúng tôi chỉ đạo nhà trường tiến hành soát toàn bộ học sinh, đảm bảo khi bước vào năm học mới, không để em nào thiếu SGK, vở viết và đồ dùng học tập", ông Trịnh Ngọc Hải cho biết thêm.
Để thực hiện thành công chương trình SGK mới, các trường đã làm tốt công tác tuyên truyền đối với phụ huynh học sinh lớp 2 và lớp 6 về nội dung, chương trình SGK mới. Đồng thời, thông báo, niêm yết giá SGK được chọn để phụ huynh đặt mua.
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Mường Than, những bộ SGK theo chương trình mới đã được đưa đến thư viên của nhà trường. Năm học này trường có 945 học sinh. Trong đó, có 164 học sinh lớp 2. Với kết quả và kinh nghiệm của việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai trong năm nay.
Chị Lò Thị Thường, bản Mường, xã Mường Than, huyện Than Uyên chia sẻ: "Năm nay con tôi học lớp 2. Được sự tuyên truyền trực tiếp của nhà trường và qua loa phát thanh của thôn bản, gia đình tôi đã chủ động đăng ký mua sách cho con ngay từ lúc kết thúc năm học trước. Tất cả nhờ thầy cô thôi chứ chúng tôi cũng chẳng biết như thế nào để mua".
Thầy Đào Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã chủ động tuyên truyên cho phụ huynh học sinh để mua SGK trong năm học tới. Tuy nhiên, qua rà soát, vẫn còn khoảng 15 em chưa có điều kiện mua sách. Nhà trường đã lấy SGK mà giáo viên mua về nghiên cứu, tham khảo cho học sinh mượn. Đảm bảo 100% học sinh có SGK trong năm học tới”.
Sẵn sàng nhân lực trong bối cảnh dịch bệnh
Để sẵn sàng nhân lực cho việc triển khai dạy học chương trình SGK mới, phòng GD&ĐT Than Uyên đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cụ thể. Do ảnh hưởng của dịch covid-19, phòng đã chủ động bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán làm nòng cốt cho việc triển khai bồi dưỡng tập trung theo kế hoạch và kiểm tra thực hiện bồi dưỡng.
Qua việc bồi dưỡng, đội ngũ giáo viên cốt cán đã hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cơ sở để công tác bồi dưỡng đi vào nền nếp, có chất lượng. Đặc biệt, phòng đã thành lập tổ giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT, Sở tổ chức. Sau khi tiếp thu về sẽ phổ biến đến đội ngũ giáo viên toàn huyện.
Cô Nguyễn Lệ Thuỷ, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Than Uyên cho biết: Để chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chúng tôi đã tiến hành họp trực tuyến hội đồng giáo dục gồm 56 cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường tại 46 điểm cầu. Tại cuộc họp, các thành viên tích cực thảo luật đề xuất các giải pháp thực hiện cho năm học tới. Theo đó, nhiệm vụ đảm bảo các công tác phòng chống dịch được đề cao. Tập trung kiểm soát người ra vào trường, nâng cao ý thức trách nhiệm trong tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trong đội ngũ. Đồng thời, tập huấn cho các giáo viên về hình thức, phương pháp giảng dạy đối với lớp 2.
Để chủ động trong phòng chống dịch Covid-19, tại các trường học trên địa bàn huyện Than Uyên đều triển khai đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi bước vào trường. Đặc biệt, các trường tiến hành quét mã QR theo hệ thống truy vết. Sau khi quét mã, những người ra vào trường sẽ được tự động thông báo đến các cán bộ quản lý của nhà trường và phòng giáo dục để kiểm soát người ra vào trường.
Năm học 2021-2022, chương trình GDPT mới đối với lớp 6 sẽ gộp 3 môn Lý – Hóa – Sinh thành môn tích hợp Khoa học tự nhiên. Sự thay đổi này đòi hỏi các giáo viên phải được bồi dưỡng để thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới.
Thầy Tạ Xuân Nguyên, Hiệu trưởng Trường THCS xã Mường Cang chia sẻ: “Nhà trường có 31 cán bộ giáo viên và nhân viên, trong đó 2 cán bộ quản lý, 23 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Chúng tôi đã tổ chức cho 100% các giáo viên tập huấn từ module 1 – Module 3, đảm bảo đạt kết quả tốt”.
Là giáo viên cốt cán đối với môn Khoa học tự nhiên, cô Đỗ Thị Kim Oanh, trường THCS xã Mường Cang chia sẻ: Với bộ môn SGK mới, năm nay chuẩn bị dạy nên chúng tôi cũng gặp phải khó khăn trong tiếp cận kiến thức. Trong đó, có thể kể đến là vấn đề chưa có giáo viên môn Khoa học tự nhiên mà chỉ có các giáo viên theo từng bộ môn. Tuy nhiên, qua được tập huấn cũng như tiếp cận chương trình SGK mới từ năm trước với những tiết dạy bồi dưỡng chuyên môn, chúng tôi đã sẵn sàng và chủ động nắm bắt phương pháp giảng dạy mới sao cho hiệu quả, chất lượng.
Ông Trịnh Ngọc Hải cho biết: “Đến thời điểm này, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình thay SGK lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 – 2022 đã được các trường chuẩn bị cơ bản đầy đủ. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường tiếp tục tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covi-19 cho học sinh trước khi trở lại trường. Tuyên truyền nhân dân, phụ huynh thực hiện tốt thông điệp 5k, đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi bước vào năm học mới.”