Trường vùng khó mong được kết nối hỗ trợ hạ tầng chuẩn hóa mức độ 1

GD&TĐ - Dù đã được đầu tư nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị Trường Mầm non Hương Liên (Hà Tĩnh) còn nhiều thiếu thốn. Một trong những khó khăn của ngôi trường miền núi này là công tác huy động nguồn xã hội hóa…

Đến thời điểm này, trường Mầm non Hương Liên đã hoàn thành chương trình mẫu giáo cho 49 trẻ 5 tuổi, sẵn sàng vào lớp Một. 
Đến thời điểm này, trường Mầm non Hương Liên đã hoàn thành chương trình mẫu giáo cho 49 trẻ 5 tuổi, sẵn sàng vào lớp Một. 

Trường miền núi vượt khó

Trường Mầm non Hương Liên nằm ở xã vùng sâu của huyện miền núi Hương Khê. Hiện nay Trường Mầm non Hương Liên có 2 điểm trường, tại xóm 3 và bản Rào Tre (xã Hương Liên). Trường có quy mô 143 cháu với 6 nhóm, lớp.

Theo cô Đinh Thị Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên, năm học vừa qua, cùng với nhiều đơn vị, nhà trường cũng bị gián đoạn bởi các hoạt động dạy học cho trẻ do dịch bệnh Covid-19.

Hiện nay, Trường Mầm non Hương Liên có 2 điểm trường, tại xóm 3 và bản Rào Tre (xã Hương Liên).
Hiện nay, Trường Mầm non Hương Liên có 2 điểm trường, tại xóm 3 và bản Rào Tre (xã Hương Liên). 

Nhà trường đã chỉ đạo các lớp, có giải pháp phù hợp để hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà. Khi trẻ trở lại trường, tổ chức họp phụ huynh để lấy ý kiến, việc tổ chức bán trú phải được sự đồng ý của cha mẹ học sinh và đảm bảo công tác phòng chống dịch. 

Đến thời điểm này, Trường Mầm non Hương Liên đã hoàn thành chương trình mẫu giáo 49 trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp Một. Ngoài ra, năm học 2021-2022, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi và 4 tuổi tại trường đạt 100%, 3 tuổi: 47/49, đạt 96 %. Tỷ lệ trẻ chuyên cần 110/142 tỷ lệ 78%, Đặc biệt chuyên cần, 2 lớp 5 tuổi, Lớp 3 tuổi, Lớp ghép dân tộc…

Một số hạng mực vừa được nhà trường đầu tư xây dựng.
Một số hạng mực vừa được nhà trường đầu tư xây dựng.

Từ nguồn ngân sách, trong năm học 2021-2022, nhà trường đã làm mới, xây dựng nâng cấp một số công trình thiết thực như: vôi ve tường rào, sơn cổng trường, làm 2 khu vui chơi cho trẻ, lắp hệ thống bảng biển trường, các lớp, sửa hệ thống điện…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của trường còn nhiều khó khăn, hạn chế trong đó có công tác xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị học tập vẫn chưa đạt so với mục tiêu đề ra.

Khó khăn trong việc huy động nguồn xã hội hóa

“Do địa bàn miền núi, điều kiện người dân eo hẹp nên việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện theo Công văn 5027 còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể đáp ứng được mục tiêu đề ra”, cô Hoà chia sẻ.

Phần lớn các đồ chơi, đồ dùng học tập của trẻ được giáo viên tự tái chế từ rác thải...
Phần lớn các đồ chơi, đồ dùng học tập của trẻ được giáo viên tự tái chế từ rác thải...

Theo cô Hoà, ngoài phần cứng được hỗ trợ từ địa phương thì các thiết bị, đồ dùng dạy học tại trường còn thiếu. Để phục vụ cho việc học, các giáo viên thường tự xin phế liệu để làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều vật dụng cần có nguồn hỗ trợ từ phụ huynh nhà trường vẫn còn khó huy động do đặc thù của xã vùng khó.

Hiện nay, nhà trường mới chỉ có 1-2 tủ đồ đựng cá nhân cho trẻ. Mỗi lần đến trường các cháu phải cầm theo túi bóng để treo đồ dùng vừa bất tiện lại dễ thất lạc. Hay đối với bữa ăn bán trú cho trẻ tại tại điểm trường dân tộc, phụ huynh hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên.

Đối với học sinh mầm non tại đồng bào Chứt đang được Nhà nước hỗ trợ tiền chi phí học tập với mức 100.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khi chế độ chính sách còn chưa đến kịp thời, thì các giáo viên nhà trường đã phải tự bỏ tiền túi để hỗ trợ suất ăn cho các em nhằm vận động phụ huynh và giữ trẻ đến trường.

Phụ huynh và giáo viên hỗ trợ ngày công xây dựng khuôn viên trường.
Phụ huynh và giáo viên hỗ trợ ngày công xây dựng khuôn viên trường.

Từ thực tế đó, nhà trường xác định không thể cứ trông chờ vào nguồn ngân sách hay huy động phụ huynh. BGH và giáo viên nhà trường đã tìm cách kết nối với doanh nghiệp, cá nhân để để cải tạo, nâng cấp điều kiện về cơ sở vật chất nhằm tạo môi trường giáo dục tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ…

Trong năm học qua, nhà trường đã kết nối thông qua phòng GD&ĐT huyện hỗ trợ cho trẻ vùng dân tộc 2 bữa chính với mức 20.000/ngày, lắp bình nóng lạnh cho lớp dân tộc, xin nguồn hỗ trợ sữa, bánh kẹo cho học sinh…

“Dù địa phương cùng các cấp ngành quan tâm, phía nhà trường đã nỗ lực kết nối đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất nhưng do nguồn ngân sách, nguồn lực hạn chế nên cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ. Công tác chăm sóc giáo dục trẻ chưa thể đáp ứng với nhu cầu phát triển”, ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên nói.

Theo ông Sánh, hiện nhà trường đang còn nhiều hạng mục cần đầu tư xây dựng như: nhà phục vụ học tập, khuôn viên điểm học dân tộc; nâng cấp 2 phòng học… và nhiều dụng cụ phục vụ học tập cho học sinh. Phía UBND xã đã có đề xuất với các cấp ngành để kịp thời hỗ trợ phục vụ công tác dạy học trong thời gian tới.

“Đặc thù nhà trường là một trường vùng sâu vượt khó số trẻ, số lớp, đội ngũ giáo viên so với mặt bằng chung quá thấp, cơ sở tuy đủ số lượng nhưng chất lượng các phòng hành chính quản trị được cải tạo từ các phòng học cũ lâu năm nay đã xuống cấp. Nhà trường đến thời gian kiểm tra lại chuẩn sau 5 năm và kiểm tra đánh giá chất lượng kiểm định đạt mức 2.

Chúng tôi kính đề nghị các cấp các ngành cần vào cuộc kết nối các dự án đầu tư kinh tế hạ tầng, phân bố nguồn nông thôn mới đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học năm học 2022-2023, để trường sớm đạt chuẩn trường chuẩn quốc gia mức độ 1”, cô Hòa bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ