Hà Tĩnh: Trường miền núi “gỡ khó” việc học trực tuyến

GD&TĐ - Tổ chức học ghép, kêu gọi tài trợ, cấp học bổng thiết bị... trường học ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ khó, tạo điều kiện cho học sinh học trực tuyến.

Trường học miền núi “gỡ khó” để học sinh được học trực tuyến
Trường học miền núi “gỡ khó” để học sinh được học trực tuyến

Hỗ trợ trang thiết bị

Trường THCS Hương Lâm (thuộc xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) có gần 600 học sinh là con em thuộc địa bàn xã Hương Lâm và Hương Liên. Đây được xem là những xã khó khăn nhất của huyện miền núi Hương Khê.

Năm học 2021-2022, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Giáo dục Hà Tĩnh xác định sẽ triển khai dạy học trực tuyến ngay sau ngày khai giảng cho bậc THCS và THPT. Ngay khi có thông tin, Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập Ban vận động đến từng nhà học sinh khảo sát máy móc, thiết bị học tập.

Trường THCS Hương Lâm (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).
Trường THCS Hương Lâm (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Chuyến khảo sát đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 8. Thời điểm này, nhà trường có 86 học sinh chưa có thiết bị để học. Thầy cô đã vận động gia đình và người thân mua sắm thiết bị cho các em hoặc nhường điện thoại cho con em sử dụng trong thời gian học trực tuyến. Ngoài ra đoàn thanh niên, hội phụ nữ cũng phối hợp cho các em mượn thêm thiết bị.

Khi ngày khai giảng cận kề, nhà trường tiếp tục khảo sát lần thứ 2, số học sinh thiết thiết bị giảm xuống còn 22 em. Nhà trường cùng địa phương kêu gọi các cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn để mua điện thoại cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

“Cái khó của trường THCS Hương Lâm là phần lớn gia đình các em đều khó khăn, vất vả. Trong đó có đến 200 học sinh đang sinh sống với anh em hoặc ông bà do bố mẹ đi làm ăn xa nên ít được quan tâm, đầu tư về thiết bị học tập. Dù chính quyền địa phương đã hỗ trợ, tài trợ nhưng vẫn chưa đáng kể so với khó khăn của học sinh.

Sau khi kêu gọi tài trợ, nhà trường đã có thêm 2 chiếc smartphone được hỗ trợ sim 1 năm miễn phí. Dù sự hỗ trợ còn ít ỏi nhưng rất đáng quý với trường miền núi tại đây”, thầy giáo Ngô Quang  Hiền, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trường THCS Hương Lâm tặng thiết bị học trực tuyến cho học sinh.
Trường THCS Hương Lâm tặng thiết bị học trực tuyến cho học sinh.
Năm học 2021-2022, trường THCS, THPT Nội trú huyện Hương Khê có 246 học sinh thuộc 11 dân tộc theo học. Theo khảo sát đầu năm học, nhà trường có 43 em còn thiếu trang thiết bị học trực tuyến trong đó chủ yếu người đồng bào dân tộc Chứt.

“Đầu năm học chúng tôi đã phân công giáo viên chủ nhiệm khảo sát nắm tình hình về thiết bị học tập của học sinh trong lớp. Nhà trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, giáo viên cắm bản để đến tận bản, tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh của các em để có phương án gỡ khó phù hợp trước khi năm học mới bắt đầu”, thầy Đặng Thái Mân (Hiệu trưởng trường THCS, THPT Nội trú Hương Khê) cho biết.

Để học sinh có điều kiện mua sắm trang thiết bị, nhà trường đã tổ chức cấp phát học bổng theo chế độ với mức 1 triệu đồng/em về tận nhà cho học sinh miền núi. Đối với học sinh lớp 6, nhà trường tạm thời cho ứng trước học bổng để gia đình có thêm nguồn mua thiết bị học trực tuyến.

Tổ chức học ghép

Để 22 học sinh của trường có đủ thiết bị để học trực tuyến, BGH trường THCS Hương Lâm đã tiến hành học ghép đối với các em học sinh ở cùng thôn, xóm.

Thầy giáo Phan Thanh Tâm, giáo viên dạy Hóa, thuộc Ban vận động của nhà trường cho biết, nhà trường đã tổ chức học ghép, đôi bạn cùng tiến để đảm bảo chương trình học cho các em ngay sau khai giảng. Qua khảo sát, những học sinh nào chưa có phương tiện máy móc sẽ vận động người nhà và học sinh gần đó có thiết bị để được học cùng.

Trường THCS, THPT Nội trú huyện Hương Khê cấp phát học bổng tận nhà cho học sinh trước năm học mới.
Trường THCS, THPT Nội trú huyện Hương Khê cấp phát học bổng tận nhà cho học sinh trước năm học mới. 

Ngoài thiết bị, làm sao để đường truyền học trực tuyến được kết nối cũng khiến Ban giám hiệu nhà trường lo lắng. Do bịa bàn miền núi, nên tín hiệu đường truyền của xã Hương Lâm và Hương Liên rất yếu kém. Nhiều khu vực chỉ có sóng ở một vài nơi cố định. Để khắc phục điều này, nhà trường đã chủ động nhờ nhà dân tại khu vực đường truyền ổn định để tập trung chỉ từ 3-6 em học nhờ.  

“Tại xã Hương Liên, nhà trường cũng đã liên hệ với nhà thờ để tìm điểm tổ chức học nhóm cho các em. Sau khi nhà trường nêu ý kiến, cha xứ cùng Hội đồng  mục vụ đã rất ủng hộ đồng thời cho nhà trường mượn thêm 2 máy tính để các em học trực tuyến. Những em nào có thể kết nối, giáo viên đã đến tận nhà cài phần mềm, hướng dẫn sử dụng để các em học trực tuyến. Nhiều giáo viên còn tự bỏ tiền túi mua sim có kết nối mạng miễn phí cho các em sử dụng”, thầy Tâm cho hay.

Nhờ những nỗ lực của giáo viên và nhà trường, trong tuần học đầu tiên, tỷ lệ học sinh tham gia trực tuyến đã được cải thiện rõ rệt.

“Ngày đầu tiên đi học có 59 em vắng xen kẽ, nhưng sau 3 ngày triển khai dạy học chỉ còn 39 em vắng xen kẽ. Qua tìm hiểu của giáo viên, ngoài lỗi đường truyền, một số em có thiết bị học nhưng đa phần máy móc dùng lại của phụ huynh đã cũ, bị chai pin, hoặc màn hình bị vỡ… Quá trình học thường xuyên bị gián đoạn do hết pin nhanh hoặc màn hình bị nhiễu. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nguồn hỗ trợ để giúp việc học trực tuyến của các em vào nề nếp và ổn định hơn”, thầy Hiền trăn trở.

Giáo viên trường THCS, THPT Nội trú Hương Khê phối hợp với bộ đội biên phòng tại bản Rào Tre dạy học trực tuyến cho học sinh.
Giáo viên trường THCS, THPT Nội trú Hương Khê phối hợp với bộ đội biên phòng tại bản Rào Tre dạy học trực tuyến cho học sinh.

Còn tại trường THCS, THPT Nội trú Hương Khê, trong những ngày qua giáo viên nhà trường đã cắt cử, phân công đến tận các xóm, bản cùng bộ bộ đội biên phòng cài phần mềm hướng dẫn các em cách học trực tuyến.

Đặc biệt, đối với 14 học sinh dân tộc Chứt, nhà trường đã phối hợp bộ đội biên phòng tại bản Rào Tre (huyện Hương Liên) lên phương án để tổ chức học, quản lý các em tại chỗ trong quá trình học trực tuyến.

Theo ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, đầu năm học 2021-2022, bậc THCS có 135/6.197 em chưa có thiết bị học trực tuyến. Ngành giáo dục huyện Hương Khê đã kết nối và kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tài trợ điện thoại, máy tính tập trung cho học sinh vùng khó.  
Ngoài ra, các trường học còn linh động bằng cách tổ chức học ghép trực tuyến cho học sinh hoặc những học sinh không có phương tiện, mạng yếu sẽ đến trường học trực tiếp với số lượng mỗi lớp từ 2 - 4 em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.