Trường vùng cao đưa học sinh ngoại trú vào ở bán trú để phòng dịch

GD&TĐ - Một số trường THCS của huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An đang nỗ lực đưa học sinh ngoại trú vào ở nội trú.

Học sinh ăn ở tập trung, nội bất xuất, ngoại bất nhập để phòng dịch.
Học sinh ăn ở tập trung, nội bất xuất, ngoại bất nhập để phòng dịch.

Đồng thời thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập, cho toàn bộ học sinh ăn ở, sinh hoạt học tập tại chỗ trong trường. Đây được xem là giải pháp tổ chức dạy học đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, trong khi điều kiện, hiệu quả dạy học trực tuyến của vùng cao, biên giới còn hạn chế.

Trường bán trú thành nội trú

Hơn tuần nay, Trường Phổ thông DTBT THCS Yên Tĩnh (huyện Tương Dương, Nghệ An) thực hiện đưa những em ngoại trú vào ăn ở, học tập cùng học sinh bán trú. Năm học 2021 - 2022, nhà trường có 250 học sinh, trong đó có 160 em thuộc diện bán trú. Hơn 90 học sinh còn lại nhà ở gần trường, thuộc diện ngoại trú, sinh sống chủ yếu ở 3 bản Cáp Chạng, Cành Coong, bản Hạt. Theo thầy Nguyễn Văn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường, lý do đưa học sinh ngoại trú vào trường nhằm xây dựng trường học “bong bóng”, nội bất xuất, ngoại bất nhập để phòng dịch Covid-19.

Trước đó, trong tuần học đầu tiên sau dịp nghỉ Tết, Trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh phát hiện một học sinh là F0. Qua rà soát ban đầu có 20 em khác thuộc diện F1. Nhưng đáng lo ngại là em học sinh F0 thuộc diện bán trú, cùng ăn ở, sinh hoạt với hàng trăm bạn khác. Thầy Nguyễn Văn Thọ cho hay: Đối với các trường miền xuôi, mô hình lớp học bong bóng là giải pháp khả thi, phù hợp và đạt hiệu quả cao. Khi có học sinh F0, chỉ lớp đó chuyển sang học trực tuyến, các lớp còn lại vẫn dạy học trực tiếp bình thường.

Tuy nhiên, đối với các trường bán trú ở vùng cao, biện pháp này không có tác dụng. Bởi học sinh bán trú ở lại sinh hoạt, ăn ngủ, tiếp xúc với nhau rất nhiều. Vì thế, khi có F0 rất dễ xảy ra tình trạng lây lan nhanh chóng, bắt buộc phải nghỉ học toàn bộ chuyển sang học trực tuyến. Trong khi đó, ở vùng cao, dạy học trực tuyến không đạt tỷ lệ học sinh tham gia và hiệu quả như mong đợi. Vì thế, gom toàn bộ học sinh bán trú lẫn ngoại trú về trường và tổ chức dạy học, chăm sóc khả thi hơn.

Tuy nhiên, để đưa hơn 90 học sinh ngoại trú vào ở trong trường đi học không dễ dàng. Ban Giám hiệu nhà trường đã họp, thống nhất trong toàn bộ giáo viên. Đồng thời xin ý kiến, trao đổi với chính quyền địa phương và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ thông tin, giải thích, vận động từng phụ huynh bởi thực tế có những em nhà ngay sát trường học.

Sau quá trình vận động, phụ huynh đã đồng tình, ủng hộ và thống nhất đưa con vào trường. Học sinh trước khi vào trường được test sàng lọc cho kết quả âm tính. “Để tổ chức cho các em vào ở bán trú trong trường, nhà trường dự kiến thu mỗi em 23 nghìn đồng/ngày, bằng chế độ ăn mà học sinh bán trú đang được thụ hưởng theo Nghị định 116.

Về chỗ ở, nhà trường có khu ký túc xá với 24 phòng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vất vả nhất là cắt cử giáo viên vừa dạy học, vừa nấu ăn, quản lý nội trú. Nhưng thời gian gấp rút nên trước mắt nhà trường chưa thu tiền của phụ huynh học sinh. Thay vào đó vận động xã hội hóa, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và nhà trường ứng kinh phí ra để lo liệu cho học sinh”, thầy Nguyễn Văn Thọ nói.

Giáo viên tình nguyện chăm sóc, nấu ăn, hỗ trợ học sinh ở trong trường.
Giáo viên tình nguyện chăm sóc, nấu ăn, hỗ trợ học sinh ở trong trường. 

Giải pháp tình thế chờ qua đỉnh dịch

Sau 1 tuần đưa toàn bộ học sinh vào trường ăn ở, sinh hoạt, học tập, Trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh vẫn đang an toàn, trong khi nhiều trường khác tại Tương Dương đã thành ổ dịch với hàng chục học sinh F0. Theo thầy Nguyễn Văn Thọ, đây là lần thứ 2 trong năm học nhà trường gom học sinh ngoại trú vào ở nội trú. Lần đầu tiên vào giữa học kỳ I, khi bà con làm ăn ở miền Nam, các khu công nghiệp về quê tránh dịch, địa phương xuất hiện một số F0. Tuy nhiên, thời điểm đó nhà trường chỉ kéo dài việc nuôi học sinh ngoại trú trong 1 tuần. Còn lần này dự kiến có thể kéo dài hơn, do xã Yên Tĩnh đang là vùng đỏ.

“Đây là giải pháp tình thế khi dịch bệnh tại địa phương phức tạp, lan nhanh, và nguy cơ xâm nhập vào trường học bất cứ lúc nào. Chúng tôi sẽ duy trì mô hình khép kín, học sinh ăn, ở tại trường cho đến khi dịch được kiểm soát”, thầy Thọ cho hay.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh, đáng ghi nhận nhất là sự tận tâm, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện chăm lo, vì học sinh của cán bộ, giáo viên. Ngoài thầy cô vốn ở ký túc xá, còn có 10 giáo viên khác nhà ở ngoài trường cũng tình nguyện vào với học sinh.

Thầy Hoàng Ngọc Đại (giáo viên) chia sẻ: “Nhà tôi cách trường 1km, vợ ở nhà buôn bán nên cần người hỗ trợ. Nhưng an toàn sức khỏe học sinh rất quan trọng. Nhà trường cũng cần giáo viên chung sức nỗ lực trong giai đoạn vất vả này. Vì vậy tôi bảo vợ ở nhà cố gắng lo liệu công việc còn mình vào ở với học sinh”.

Ngoài Yên Tĩnh, một số trường dân tộc bán trú khác của huyện Tương Dương cũng triển khai mô hình này khi dịch bệnh ở mức độ nguy hiểm như Nhôn Mai, Lượng Minh... Cuối năm 2021, xã Nhôn Mai bùng phát ổ dịch tại 3 trường học mầm non, tiểu học, THCS. Do đặc thù tổ chức bán trú, nên các trường dừng dạy học trực tiếp 3 tuần. Cơ sở giáo dục trở thành nơi cách ly tập trung cho học sinh, thầy cô F1. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, các trường nhanh chóng ổn định tổ chức dạy học trở lại.

Trường PTDTBT THCS Nhôn Mai chỉ có 65 học sinh không thuộc diện bán trú. Để xây dựng trường học an toàn, số học sinh ngoại trú cũng đưa vào trường như các bạn bán trú. Đồng thời tận dụng thời gian vàng dạy học 2 buổi/ngày chương trình chính khóa cho học sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng nhà trường, phụ huynh đồng tình và yên tâm khi cho con ở trong trường. Nhôn Mai là một trong những xã biên giới khó khăn, xa xôi nhất huyện Tương Dương, điều kiện cơ sở vật chất, nhà ở bán trú cho học sinh còn vất vả. Khi đón học sinh ngoại trú vào, nhà trường đã nhường khu hiệu bộ, phòng hội đồng của giáo viên làm nơi ăn ở cho học sinh.

“Chúng tôi duy trì hình thức này từ cuối học kỳ I, chất lượng dạy học đạt hiệu quả theo kế hoạch. Tuy nhiên, hiện địa bàn biên giới phức tạp, dịch bệnh đã lây vào trường học nên chúng tôi đang tạm dừng dạy học trực tiếp toàn trường. Sau khi chờ kết quả test Covid của các F1 sẽ triển khai trở lại”, cô Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.

Theo ông Kha Văn Lập – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, dịch bệnh tại địa phương đang rất phức tạp, nguy cơ xâm nhập vào trường học bất cứ lúc nào. Phòng cũng ghi nhận sự linh hoạt, sáng tạo và nỗ lực của các cơ sở giáo dục khi đưa học sinh ngoại trú vào tổ chức nội trú. Nếu giải pháp này được nhân rộng thì không những giúp xây dựng trường học an toàn, phòng dịch, mà còn đảm bảo hiệu quả dạy học.

Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho hay: Hầu hết trường tiểu học và THCS trên địa bàn đều tổ chức bán trú. Phòng cũng nghĩ tới phương án đưa học sinh ngoại trú vào trường. Tuy nhiên, để triển khai, ngoài nỗ lực của tập thể giáo viên, nhà trường còn tính đến yếu tố kinh phí, cơ sở vật chất. Trong khi điều kiện phụ huynh dân tộc thiểu số rất khó khăn. Vì vậy huyện vẫn triển khai dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Với trường bán trú khi có học sinh F0 thì dừng dạy học trực tiếp, rà soát, để toàn bộ học sinh bán trú và đưa các em F1 (nếu ở ngoại trú) vào trường ăn ở, cách ly tập trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.