Đa dạng hình thức
Năm học 2022-2023, Trường THPT Quan Sơn, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), có tổng số gần 700 học sinh (HS). Trong đó, HS con em người đồng bào dân tộc Thái, Mường chiếm tỷ lệ khoảng 93%.
Với đặc thù là ngôi trường vùng cao, HS đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, Trường THPT Quan Sơn xác định vai trò của công tác hướng nghiệp và xem đây là nhiệm vụ quan trọng.
Bởi, làm tốt nhiệm vụ này sẽ giúp cho HS có định hướng đúng đắn về nghề nghiệp trong tương lai. Đồng thời, lựa chọn ngành nghề phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.
Ngay từ đầu mỗi năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và giáo dục hướng nghiệp theo chủ đề khác nhau.
Theo thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng nhà trường, với công tác tư vấn hướng nghiệp, việc phân luồng HS theo tâm tư, nguyện vọng có ý nghĩa quan trọng. Cụ thể, với HS có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, nhà trường sẽ tổ chức các buổi tư vấn chọn trường, ngành nghề phù hợp; hướng dẫn làm hồ sơ tuyển sinh,...
“Với HS có nhu cầu tìm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT, nhà trường sẽ phối hợp với các đơn vị uy tín để tổ chức hướng nghiệp cho HS. Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp được duy trì tổ chức thường xuyên”, thầy Đạo nói.
Theo thầy Đạo, bên cạnh tổ chức tư vấn hướng nghiệp theo hình thức dưới Cờ vào sáng thứ Hai hàng tuần, nhà trường cũng giao cho giáo viên chủ nhiệm phụ trách công việc này hàng tuần. Ngoài ra, trường còn dành một buổi tư vấn hướng nghiệp vào buổi chiều bất kỳ trong tuần, tháng (thường vào chiều thứ Năm) để tư vấn, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc cho HS.
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được Trường THPT Quan Sơn phối kết hợp đơn vị uy tín, tổ chức hướng nghiệp dưới nhiều hình thức. |
“Các buổi ngoại khóa, tọa đàm cũng được trường tổ chức thường xuyên, đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán, hoạt động này diễn ra rất sôi nổi. Nhà trường cũng thành lập Ban tư vấn hướng nghiệp với sự tham gia của Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên và giáo viên chủ nhiệm các lớp cùng phối kết hợp để triển khai công việc này.
Trong đó, giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng, bởi các thầy cô chính là những người nắm bắt rõ nhất tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh của HS. Từ đó, tư vấn hướng nghiệp một cách phù hợp, kịp thời”, thầy Đạo chia sẻ.
Cũng theo thầy Đạo, đối với HS khối lớp 10 đang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngay từ đầu năm học nhà trường đã tổ chức tư vấn lựa chọn tổ hợp môn phù hợp.
“Ngay trong buổi HS tới trường nhận kết quả thi vào lớp 10, Ban tư vấn của nhà trường sẽ căn cứ kết quả thi, tâm tư nguyện vọng của HS, phụ huynh để tư vấn chọn tổ hợp môn phù hợp”, thầy Đạo nói thêm.
Thoát khỏi lũy tre làng
Ngoài ra, công tác tư tưởng đối với HS khu vực miền núi cũng đòi hỏi nhiều tâm huyết, “mưa dầm thấm lâu”. Bởi, thầy Đạo cho rằng, để tư vấn cho HS chấp nhận rời xa lũy tre làng không hề đơn giản.
“Điều quan trọng là cần xác định cho các em sau khi học xong sẽ dám bứt phá ra khỏi lũy tre làng để phát triển bản thân và trưởng thành. Bởi, việc ở lại bản làng rất dễ rơi vào tình trạng không có việc làm hoặc dấn thân vào tệ nạn xã hội. Lâu dần sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình.
Vì vậy, nhà trường luôn động viên tinh thần để các em dám bứt phá, thoát khỏi sự trì trệ. Khi đã trau dồi được kinh nghiệm, kỹ năng các em vẫn có thể trở về để xây dựng quê hương ngày càng phát triển”, Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo chia sẻ thêm.
Nhờ làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, những năm gần đây, HS Trường THPT Quan Sơn sau khi tốt nghiệp THPT hầu hết đều tìm được việc làm, ngành nghề phù hợp.
Giờ tan trường của học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). |
“Thông qua nắm bắt sơ bộ từ phía giáo viên chủ nhiệm, hầu hết HS sau khi ra trường đều tìm được công việc phù hợp. Đối với HS có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, nhà trường phối hợp chặt chẽ với các công ty, từ việc tổ chức dạy tiếng (miễn phí) cho đến khi hoàn tất thủ tục”, thầy Đạo cho hay.
Theo thầy Đạo, thời gian tới, Trường THPT Quan Sơn dự kiến sẽ kết nối với cựu HS đã đi xuất khẩu lao động để quay lại trường giao lưu, tư vấn hướng nghiệp cho HS nhà trường.
Em Ngô Thị Hồng Đan (lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn) chia sẻ: “Các buổi tư vấn hướng nghiệp của nhà trường rất bổ ích, giúp em biết thêm nhiều ngành nghề đầy triển vọng và có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp. Hiện tại, em cũng định hướng cho mình theo khối ngành Báo chí - Truyền thông”.
Theo Hồng Đan, khó khăn lớn nhất của HS khu vực miền núi đó là chỉ biết đến một số ngành nghề phổ biến như khối ngành Công an, Quân đội, Sư phạm, Y - Dược,... Tuy nhiên, thông qua các buổi tư vấn hướng nghiệp, HS có thêm nhiều lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân.
"Khó khăn đối với các trường miền núi nói chung trong công tác giáo dục hướng nghiệp, đó là: Phần lớn các thầy, cô giáo đang phải kiêm nhiệm. Nếu được tập huấn chuyên sâu hoặc có đội ngũ chuyên làm công tác này thì hiệu quả đạt được sẽ còn tốt hơn nữa", thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).