Giáo viên hợp đồng vùng biên Thanh Hóa hồi hộp chờ xét biên chế

GD&TĐ - Sau nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng khó, cô giáo Ngân Thị Vui rất phấn chấn khi chính thức được tham gia xét tuyển vào biên chế của ngành.

Cô giáo Ngân Thị Vui cùng học trò ở Trường Mầm non Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa).
Cô giáo Ngân Thị Vui cùng học trò ở Trường Mầm non Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa).

Tâm nguyện của nữ giáo viên người dân tộc Mường, ở huyện vùng cao, biên giới đầy khó khăn ấy, là sớm ổn định để yên tâm công tác.

Nỗi niềm giáo viên cắm bản

Nộp hồ sơ xét tuyển giáo viên biên chế theo quy định từ tháng 9 vừa qua, cô Ngân Thị Vui - Trường Mầm non Pù Nhi (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) không khỏi hồi hộp, lo lắng. Sau 5 năm dạy hợp đồng, nữ giáo viên người dân tộc Mường chính thức có cơ hội thi tuyển vào ngành Giáo dục.

“Cảm xúc lúc này vô cùng phấn chấn, nhưng cũng rất hồi hộp, lo lắng. Sau 5 năm gắn bó với nghề, tôi chỉ mong muốn được vào biên chế, để sớm ổn định và yên tâm công tác”, cô Vui bộc bạch.

Trước khi chuyển về Trường Mầm non Pù Nhi, cô Ngân Thị Vui cũng có 2 năm gắn bó với học trò tại điểm trường Sài Khao, Trường Mầm non Tây Tiến thuộc huyện biên giới Mường Lát. Đây cũng là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của nữ giáo viên vùng cao.

“Thời gian giảng dạy ở điểm trường Sài Khao, chúng tôi không nhớ nổi những lần hì hục đẩy xe trên con đường đất lầy lội vì mưa lũ. Nhiều hôm tới được điểm trường, đôi dép dưới chân cũng chỉ còn một chiếc, quần áo thì lấm lem bùn đất”, cô Vui trải lòng.

Cô Vui (áo tím) cùng đồng nghiệp hì hục đẩy xe đến trường sau trận mưa lũ lịch sử xảy ra tại Mường Lát năm 2018.
Cô Vui (áo tím) cùng đồng nghiệp hì hục đẩy xe đến trường sau trận mưa lũ lịch sử xảy ra tại Mường Lát năm 2018.

Không chỉ có khăn về đường xá đi lại, cô Vui cũng như bao cô giáo cắm bản khác còn gặp thách thức khi giao tiếp với học trò. Với Sài Khao, chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc Mông, vì vậy quá trình giao tiếp giữa cô và trò không tránh khỏi những bất đồng về ngôn ngữ.

Để xóa bỏ khoảng cách với trò, cô Vui đã cần mẫn trau dồi thêm tiếng bản địa. Cũng từ đó, giữa cô và trò ngày càng cởi mở, trẻ chăm ngoan, hứng thú hơn với giờ học.

“Hiện tại, tôi rất hạnh phúc với công việc mà mình đã chọn,... tôi cũng mong sao các con trên này được giao tiếp nhiều hơn, trang bị thêm nhiều kỹ năng giống như trẻ ở các trường miền xuôi”, cô Vui chia sẻ.

Hồi hộp cũng là tâm trạng của cô giáo Hà Thị Thày, Trường Mầm non Mường Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Cô Thày là một trong 4 giáo viên của nhà trường đủ điều kiện xét tuyển biên chế giáo viên năm nay.

Cô Thày là giáo viên người dân tộc Thái, đã gắn bó với ngôi trường vùng cao xứ Thanh suốt 5 năm qua. Bởi vậy, được xét tuyển biên chế cũng là mong mỏi của nữ giáo viên này.

“Tôi đã hoàn thành hồ sơ và nộp từ tháng 8. Hiện tại, tôi và các đồng nghiệp đang đợi thông tin về lịch thi”, cô giáo Thày nói.

Hiện, cô Thày đang được nhà trường phân công giảng dạy tại điểm trường đặt tại khu Kít với 6 học sinh ở 3 nhóm tuổi. Do số lượng trẻ quá ít, nên nữ giáo viên đang phải dạy ghép lớp.

Cơ bản đáp ứng nhu cầu

Theo cô Lê Thị Thư - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Lý, tính tới thời điểm hiện tại, nhà trường có 4 giáo viên tham gia xét tuyển biên chế đợt sắp tới. Tất cả đều là giáo viên người dân tộc thiểu số, có thời gian công tác từ 5 năm trở lên, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc.

Cô Hà Thị Thày, Trường Mầm non Mường Lý cùng các bé ở điểm trường tại khu Kít (huyện Mường Lát, Thanh Hóa).

Cô Hà Thị Thày, Trường Mầm non Mường Lý cùng các bé ở điểm trường tại khu Kít (huyện Mường Lát, Thanh Hóa).

“Năm học 2022-2023, nhà trường có 223 trẻ với 17 nhóm lớp. Trong đó, có 4 nhóm lớp trong độ tuổi nhà trẻ, còn lại là trẻ mẫu giáo. Nếu tính cả 4 giáo viên tham gia xét tuyển biên chế dịp tới, tổng số giáo viên trực tiếp đứng lớp của trường là 12 và vẫn còn thiếu 5 giáo viên nữa”, cô Thư cho hay.

Trường Mầm non Mường Lý hiện có 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ, tỷ lệ trẻ là con em người đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 80%, còn lại là đồng bào dân tộc Mường, Thái và số ít là con em người dân tộc Kinh.

Ông Lò Văn Tuấn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, trong chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao đợt này, huyện Mường Lát được bổ sung thêm 28 biên chế. Trong đó, có 26 giáo viên mầm non và 2 trường hợp là giáo viên bậc THCS. “Với số lượng được bổ sung, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhân sự cho địa phương”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, căn cứ theo báo cáo rà soát, tổng số giáo viên biên chế còn thiếu so với số lượng được giao của huyện năm 2022 là 92 trường hợp. Trong đó, bậc Mầm non gồm 52 giáo viên, bậc Tiểu học là 31 trường hợp và bậc THCS là 9 người.

"Theo quy định, giáo viên tham gia xét tuyển biên chế sẽ trải qua 2 vòng thi. Ở vòng thứ nhất sẽ kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm. Nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.

Ở vòng còn lại sẽ thi phỏng vấn, nội dung thi gồm: Kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Điểm thi phỏng vấn được tính theo thang điểm là 100 điểm. Thời gian thi phỏng vấn không quá 30 phút/thí sinh dự tuyển (trước khi thi phỏng vấn, thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị)", ông Lò Văn Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ