Trường vùng biên 'kéo' trò ra lớp

GD&TĐ - Năm học 2024 - 2025 cận kề, nhiều trường học vùng biên giới, dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đắk Lắk vẫn “chạy đua” với thời gian để vận động HS ra lớp...

Giáo viên xã Cư Pui, huyện Krông Bông vận động nhà hảo tâm tặng đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn trước thềm năm học mới.
Giáo viên xã Cư Pui, huyện Krông Bông vận động nhà hảo tâm tặng đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn trước thềm năm học mới.

Khó đâu gỡ đó

Do địa bàn cư trú rộng, nhiều gia đình ở vùng khó, đông đồng bào DTTS sinh sống có thói quen mang theo con đi làm rẫy xa, vì vậy, việc tuyển sinh lớp 1 của tỉnh Đắk Lắk theo kế hoạch luôn gặp khó khăn.

Thầy Lương Minh Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) chia sẻ, câu chuyện học sinh ra lớp đầu năm không đồng đều luôn là nỗi lo của những người làm công tác giáo dục vùng biên giới, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống.

“Theo kế hoạch, ngày 20/8, trường chốt danh sách tuyển sinh lớp 1 năm học 2024 - 2025. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ tuyển được 144 em, còn gần 70 em gia đình chưa đến làm thủ tục”, thầy Hải cho hay.

Cũng theo lời thầy Hải, đây là khó khăn chung và đã diễn ra nhiều năm. Trường xác định, “khó đâu gỡ đó”, thầy cô sẽ nỗ lực để các em được ra lớp học tập đầy đủ khi bước vào năm học mới.

“Qua nắm bắt thông tin từ địa phương, trong số gần 70 em chưa làm thủ tục vào lớp 1, hầu hết đang theo cha mẹ đi làm ở những rẫy xa. Đến ngày tựu trường (26/8), nếu các em chưa đến làm thủ tục thì nhà trường và giáo viên sẽ tiếp tục phối hợp, vận động gia đình”, thầy Hải thông tin.

Cũng chung nỗi lo bài toán “ra lớp” đầu năm học, thầy Vũ Đình Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) tâm sự, những năm trước đây, tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi chỉ đạt 95% - 98%. Năm học 2024 - 2025, trường tiếp tục phối hợp với buôn trưởng, người có uy tín để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.

“Dù đã hết thời hạn tuyển sinh, nhưng nhà trường mới tuyển được hơn 95% học sinh lớp 1 năm học 2024 - 2025 với 114 em. Số còn lại sẽ tiếp tục vận động để bảo đảm 100% học sinh vào lớp 1 đúng độ tuổi”, thầy Tùng nói. Do vậy, thời gian này, cùng với chuẩn bị giáo án, cán bộ, giáo viên nhà trường còn đến tận nhà, vận động từng phụ huynh, học sinh với mong muốn các em đến trường đông đủ.

truong vung bien keo tro ra lop (2).png
Cán bộ địa phương, giáo viên huyện Krông Bông đến tận nhà vận động học sinh ra lớp.

Những dấu chân thầm lặng

Hơn 10 năm công tác trong nghề cũng từng ấy năm thầy giáo Hoàng Trọng Hải - Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) cùng đồng nghiệp gõ cửa từng nhà để đưa học sinh đến trường.

Cư Pui là xã vùng 3, đặc biệt khó khăn, học sinh DTTS chiếm đến 80%. Phụ huynh ở đây sẵn sàng để con em nghỉ học phụ giúp gia đình thay vì đến trường học tập. Việc vận động để học sinh đến lớp là điều không dễ dàng với đội ngũ những “người đi gieo hạt” ở Đắk Lắk.

“Ban giám hiệu thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến từng hộ gia đình có con em độ tuổi đi học. Ngoài thuyết phục bố mẹ tạo điều kiện cho các em đến trường, chúng tôi còn vận động phụ huynh không để trẻ đi làm khi các em còn quá nhỏ”, thầy Hải nói.

Ea Sin cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk, mỗi năm để trẻ ra lớp đầy đủ khi đến tuổi đi học cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ông Trần Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Ea Sin cho biết, trên địa bàn có 1 trường mầm non và 1 trường liên cấp tiểu học, THCS. Tổng số học sinh trong năm học 2024 - 2025 khoảng hơn 500 em.

Từ đầu tháng 8, xã đã chỉ đạo các đoàn thể, tổng hợp danh sách trẻ trong độ tuổi đến trường, nhất là cấp mầm non và tiểu học để đến từng nhà nhắc nhở phụ huynh chú ý thời gian đưa con đến trường đúng ngày quy định.

“Thời gian qua, ban giám hiệu các trường học đã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền đưa trẻ đến trường trong độ tuổi. Nhìn chung công tác tuyển sinh lớp 1 và mầm non năm nay đạt chỉ tiêu được giao. Đến thời điểm này, các trường đã tuyển đủ số học sinh để chuẩn bị bước vào năm học mới”, ông Tiến nói.

Theo bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, việc vận động học sinh ra lớp đủ số lượng, đúng độ tuổi và bảo đảm tỷ lệ chuyên cần được ngành đặc biệt quan tâm.

“Đối với học sinh có điều kiện gia đình khó khăn, chúng tôi huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ thêm. Ở các địa phương đều có sự phối hợp với tổ chức đoàn thể, giáo viên bộ môn, chủ nhiệm được phân công kèm cặp, vận động tuyên truyền đến phụ huynh giúp các em quay trở lại lớp học”, bà Oanh nói.

Với những nỗ lực của ngành GD-ĐT, sự chung tay của cả hệ thống chính trị trong công tác vận động học sinh đến lớp trước ngày khai giảng, Đắk Lắk đã phát đi tín hiệu tích cực cho năm học mới, năm học bản lề trong tiến trình đổi mới giáo dục.

“Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng vào cuộc để tuyên truyền cho phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện cho con em đến lớp. Cố gắng vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ học sinh; không để em nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể đến trường”, bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.