Gom Tết từ nhà đến trường
Kết thúc kỳ nghỉ Tết bên gia đình, ngày 27/1 (tức mùng 6 Tết), thầy giáo Lò Văn Bính, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm He, huyện Mường Chà (Điện Biên) “khăn gói” lên đường quay lại trường. Ngoài tư trang, đồ dùng cá nhân, thầy Bính còn mang thêm một chiếc ba lô chật ních bánh, kẹo. Đây vừa là món quà song cũng là “chiêu” dụ trò ra lớp của thầy Bính sau nhiều năm “cắm bản”.
“Học sinh ở đây nhiều khó khăn nên chỉ vài ba cái kẹo, cái bánh thôi cũng khiến các em thích thú rồi. Vì thế, cứ hết Tết là tôi gom bánh kẹo dư thừa trong nhà hoặc xin bạn bè rồi mang lên trường. Vừa có chút quà, song đây cũng là cách hiệu quả để thu hút các em đến lớp đầy đủ mỗi ngày”, thầy Bính tâm sự.
Năm học này, một mình thầy Bính phụ trách lớp ghép 1 + 2 tại điểm bản Púng Chạm với 13 học sinh. Đây là điểm 100% đồng bào Mông sinh sống, cách trung tâm hơn 20km. Mặc dù số học sinh ít, song nhà lại ở cách xa nhau tới vài cây số. Từ điểm trường đến nhà học sinh xa nhất tầm 5km, lại không có sóng điện thoại. Vì thế, thầy Bính phải lên bản sớm, rồi đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em ra lớp.
“Trong quá trình này tôi mang theo bánh kẹo để phát cho bọn trẻ. Có nhà gặp được, nhà không. Nhưng tôi cũng nhắc nhở, thông báo với phụ huynh, người quen, thân của học sinh là thứ 2 (tức mùng 9 Tết) bắt đầu đi học. Ngoài việc được học chữ, thì tôi cũng phải nhấn mạnh là đến lớp có bánh, kẹo, thịt, cá… Nói chung phải cho họ hiểu bọn trẻ đi học tốt hơn ở nhà thì mới vận động được”, thầy Bính bộc bạch.
Học sinh tham gia hội Xuân tại xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa. |
Nói là vậy, song theo thầy Bính thì trên thực tế sĩ số lớp cũng không thể khả quan, ổn định ngay được. Thông thường, ở những địa bàn như này, tuần đầu tiên được xem là tuần ổn định lớp. Lý giải điều này, thầy Bính cho hay, mặc dù hiện nay đã tiến bộ hơn, song bà con vùng cao vẫn có quan niệm “còn mùng là còn Tết”. Các hoạt động vui chơi, du Xuân thường kéo dài đến hết Rằm tháng Giêng. Để đảm bảo công tác giảng dạy và lượng kiến thức cho học sinh, giáo viên thường chủ động xây dựng kế hoạch, giáo án và cân đối sao cho phù hợp.
“Năm nào cũng thế, việc huy động học sinh ra lớp sau Tết thường khó khăn hơn cả dịp đầu năm. Vì các em vẫn còn tư tưởng chơi Xuân. Ở địa bàn mình không tổ chức hội, bà con lại kéo nhau sang địa bàn khác. Trong không khí ấy thì học sinh không có tâm trạng đâu mà đến lớp. Riêng ở bản này thì có hộ còn sang cả Sìn Hồ, Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu)… Đến tuần thứ 2 sau Tết mới đi vào ổn định!”, thầy Bính chia sẻ.
Học sinh Trường THPT huyện Tuần Giáo tham gia giải kéo co đầu Xuân. |
Quà nhỏ, giá trị lớn!
Do đối tượng học sinh lớn nên thầy giáo Nguyễn Mạnh Tuân, Trường THPT Tuần Giáo (Điện Biên) lại lựa chọn những món quà giá trị hơn. Bên cạnh việc dành ra một phần tiền lương, thầy Tuân còn kêu gọi nhiều nguồn hỗ trợ, từ thiện của các nhà hảo tâm để mua quà tặng học trò.
Thầy Tuân tâm sự, mỗi năm ra Tết thầy đều lên kế hoạch tặng quà cho học sinh. Không chỉ với lớp chủ nhiệm mà với cả học sinh vùng khó, hiếu học. Mục đích nhằm động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em. Trên thực tế, đây cũng là giải pháp hữu hiệu trong việc vận động học sinh ra lớp sau Tết.
“Tôi chọn quà là những vật dụng thiết yếu với các em, như: Quần áo, dép, sách, bút… hoặc có nhiều kinh phí thì xe đạp. Năm nay tôi tặng áo mới. Mặc dù quà nhỏ thôi nhưng các em rất phấn khích, thích thú. Nhìn học sinh ra lớp đông đủ lại phấn khởi như thế là tôi mừng rồi”, thầy Tuân nói.
Năm học này, thầy Tuân chủ nhiệm lớp 11B. Học sinh đa phần đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Khơ Mú). Các em đều ở xa trường (từ 12 – 50km). Sau Tết, do ảnh hưởng của tập quán địa phương nên nhiều em chưa có tư tưởng đến trường hoặc không ổn định tâm lý học tập. Bởi vậy, là giáo viên chủ nhiệm, ngoài việc trò chuyện, chia sẻ, động viên kịp thời các em, thầy Tuân đã dành tặng những món quà thiết thực.
Còn với cô học trò nghèo Lò Thị Yên, đây là món quà vô cùng ý nghĩa. Yên tâm sự, nhà em ở xã Quài Nưa, cách trường 12km. Vì kinh tế gia đình khó khăn nên mấy chị em trong nhà đều không được sắm đồ mới diện Tết. “Vừa đến trường ngày đầu sau Tết đã được thầy tặng áo mới nên em rất bất ngờ và hạnh phúc. Em gọi điện về cho bố để khoe. Bố cũng phấn khởi động viên em là thầy cô quan tâm như vậy thì phải cố gắng học tập chăm chỉ”, Yên nói.
Cũng là món quà mang giá trị “kép”, ngày đầu tới trường sau Tết, hơn 30 học sinh lớp 10A1, Trường THPT huyện Mường Ảng (Điện Biên) lại nhận được lì xì từ thầy giáo chủ nhiệm Trịnh Minh Cường. Buổi gặp mặt đầu năm diễn ra đầy hào hứng, phấn khởi.
Theo thầy Cường chia sẻ thì mỗi lì xì chỉ có giá trị 10 nghìn đồng. Toàn bộ số tiền được trích từ đồng lương ít ỏi của thầy. Vừa với mục đích chúc may mắn đầu năm, thầy Cường mong muốn học sinh sẽ cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm của thầy cô. Thầy Cường mong các em xem đây là nguồn động viên tinh thần để yêu lớp, yêu trường, nỗ lực học tập.
“Với học sinh thì được nhận quà, dù ít hay nhiều đều rất vui. Hiểu được tâm lý này nên tôi đã chọn cách mừng tuổi đầu năm. Vừa là để giáo dục phong tục truyền thống của dân tộc ta dịp Tết, song cũng là món quà động viên, khích lệ các em ra lớp. Ngoài ra, những học sinh đạt điểm cao trong tuần đầu sau Tết cũng được khen thưởng, tặng quà”, thầy Cường chia sẻ.
Học sinh lớp 11B, Trường THPT huyện Tuần Giáo vui mừng nhận áo mới từ thầy giáo chủ nhiệm trong ngày đầu ra lớp. |
Kéo Hội về trường
Là địa bàn “nở rộ” các hội Xuân sau Tết, nên công tác vận động học sinh ra lớp ở huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) vốn đã khó, năm nay càng thêm vất vả. Tại Trường Mầm non số 2 Tủa Thàng, một Hội Xuân thu nhỏ đã diễn ra sôi nổi nhằm thu hút học sinh tới lớp.
Theo cô giáo Trần Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường, đây là giải pháp “kéo” trò từ hội về trường được đơn vị áp dụng năm nay. Theo đó, học sinh được chia thành các đội (tương ứng với từng lớp), tham gia thi đấu, giao lưu nhiều môn thể theo, trò chơi truyền thống tương tự như hội Xuân. Các trò chơi bao gồm: Ném pa pao, kéo co, tù lu…
“Hạn chế của hoạt động này là quy mô nhỏ, chỉ diễn ra ở sân trường nên không thể có không gian như ngoài hội. Tuy nhiên, chúng tôi tạo hứng thú, sức hút với các em bằng những phần thưởng dành cho đội thắng cuộc. Sau đó các lớp sẽ tổ chức liên hoan, động viên, khích lệ các em”, cô Phương cho hay.
Cũng theo cô Phương chia sẻ, những hoạt động này không ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy do được tổ chức lồng ghép với giờ học trải nghiệm. “Ở cấp mầm non có các giờ học trải nghiệm. Thay vì máy móc như trước, năm nay chúng tôi xây dựng, tái hiện luôn hội Xuân trong trường học để các em tham gia trải nghiệm. Vừa đảm bảo nhiệm vụ giảng dạy vừa lôi kéo học sinh đến trường đầy đủ”, cô Phương nói.
Tại Trường THPT huyện Tuần Giáo (Điện Biên), không khí khai Xuân cũng diễn ra sôi nổi ngay từ buổi đầu tiên sau nghỉ Tết. Thầy, trò nhà trường cùng tham gia vào các hoạt động văn nghệ, hái hoa dân chủ, trả lời câu hỏi theo chủ đề, giao lưu ném còn, kéo co… Học sinh như được hòa mình vào hội Xuân thu nhỏ trong khuôn khổ trường học.
Ngoài ra, theo thầy Hiệu trưởng Hoàng Xuân Bình, một cuộc thi kéo co giữa các lớp là giải pháp “kéo” học sinh về trường. “Mỗi ngày chỉ tranh thủ ra chơi giữa giờ tổ chức thi cho 2 – 3 lớp, dự kiến diễn ra kéo dài đến hết tuần để hút học sinh về. Song song với đó, giáo viên vẫn thường xuyên giữ liên lạc, sâu sát cập nhật tình hình học sinh qua điện thoại, Zalo, Facebook... Sẵn sàng đến tận nhà chia sẻ, huy động các em ra lớp nếu cần thiết” – thầy Bình cho biết thêm.
Cũng theo thầy Bình, thời điểm này năm trước, sĩ số mới chỉ đạt 89 - 90%. Một số em có kế hoạch xây dựng gia đình, nghỉ học đi làm, thầy cô phải đến trực tiếp vận động, tuyên truyền. Năm nay, với các hoạt động sôi nổi, tình hình đã khả quan hơn. Mặc dù có gần 1.000 học sinh theo học, song ngay ngày đầu trở lại trường, sĩ số học sinh đã đạt gần 92%. Số còn lại chưa đến lớp chủ yếu do bị ốm hoặc gia đình có công việc riêng.
Tại nhiều trường học áp dụng mô hình bán trú, thực hiện “ba đủ” (đủ học, đủ ăn, đủ chơi) được xem là phương án “tất yếu” để gọi học sinh về trường.
Đóng chân trên địa bàn vùng khó, nên nhiều năm nay mô hình bán trú đã hỗ trợ đắc lực giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải (Điện Biên) trong việc đảm bảo sĩ số học sinh ra lớp. Thầy giáo Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, sau Tết, việc đảm bảo đúng, đủ các chế độ cho học sinh bán trú lại càng quan trọng, cần thiết. Năm nay, từ ngày 28/1 (tức mồng 7 Tết), Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường đã đến gia đình các trưởng bản, trưởng nhóm đạo chúc Tết. Tranh thủ dịp này phối hợp tuyên truyền, thông tin tới người dân đưa con em trở lại trường để đảm bảo các chế độ ăn, nghỉ và chính sách hỗ trợ học sinh.
“Trước Tết thì nhà trường đã tặng quà, chúc Tết gia đình học sinh. Sau Tết, mỗi em ra lớp, dù là sớm hơn so với kế hoạch nhập học, nhà trường đều đón tiếp và tổ chức ăn, nghỉ bán trú đầy đủ, đảm bảo. Nhờ vậy nên nhiều phụ huynh cũng hiểu được tấm lòng thầy cô mà quan tâm hơn tới việc học của con em. Năm nay, trong ngày đầu tiên đi học, hơn 280 em trong tổng số 430 học sinh của trường đã có mặt. Đến nay sĩ số cơ bản đã đảm bảo. Số còn lại thì đa phần là học sinh bị thủy đậu, ốm giao mùa hoặc về quê ăn tết”, thầy Khiêm thông tin.
Trường THPT huyện Mường Ảng (Điện Biên) cùng phụ huynh ký cam kết 3 bên (gia đình, nhà trường, cơ sở) được triển khai hiệu quả. Theo thầy giáo Trịnh Minh Cường, ngoài giáo viên, ban cán sự lớp thì năm nay công tác vận động học sinh còn có sự tham gia của các lực lượng đoàn thanh niên, trưởng bản, người có uy tín ở địa phương. Mỗi phụ huynh sẽ được gắn trách nhiệm bằng việc ký cam kết cho con em ra lớp đầy đủ, đúng quy định. Đây đồng thời cũng là cơ sở để xét thi đua giữa các địa bàn dân cư.