Băng rừng tìm trò
Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong nằm giữa 4 bề núi rừng hùng vĩ. Sáng đầu tuần, sau khi lên lớp thấy thiếu học trò, dứt tiếng trống trường, các thầy cô chỉ kịp lùa vội chén cơm rồi khăn gói đi gọi học trò ra lớp.
Với hành trang là vài chai nước, chiếc áo mưa đã sờn cũ, 6 thầy cô của trường hướng thẳng về làng Pngăn (xã Krong). Thầy cô vừa đi được một đoạn, cơn mưa rừng từ bên kia núi bất ngờ kéo đến. Con đường đất cũng trở nên trơn tuột bởi sình lầy.
Những chiếc bánh xe bám đầy bùn đất cứ thế trượt bên này xìa bên kia như người say rượu. Dù con đường quen thuộc là thế nhưng không ít lần các thầy cô vẫn bị lạc tay lái, ngã uỵch xuống bùn nhớp nháp.
Nhiều đoạn dốc cao, các thầy cô phải xuống đi bộ, đẩy xe lên dốc. Chạy xe được một đoạn, cả đoàn dừng chân, uống ngụm nước mát lấy sức tiếp tục đi.
Thầy Dương Văn Phúc - Phó Hiệu trưởng cho biết, để vào được làng Pngăn các thầy cô giáo chỉ có thể đi xe máy khoảng 5km đường rừng. Quãng đường tiếp theo toàn là dốc đá cheo leo cùng con đường mòn hiểm trở. Đến đây các thầy cô đành để lại xe bên đường rồi đi bộ.
“Mọi người uống nước, lấy lại sức để chúng ta tiếp tục đi nào. Từ đây vào trong làng còn xa lắm. Chúng ta phải đi nhanh kẻo khi về trời tối, nguy hiểm lắm”, thầy Phúc thở dốc nói.
Con đường dẫn vào làng Pngăn là một lối mòn xuyên qua Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Cả đoàn người đều im lặng cặm cụi vượt qua chông chênh sỏi đá. Nhiều đoạn dốc cao thẳng đứng, cả đoàn chúi hẳn người về phía trước để leo dốc. Cơn mưa rừng ngày càng lớn, khiến cho những bước chân càng thêm nặng nề hơn. Những bước đi chậm chạp và rất thận trọng, bởi chỉ cần sơ sẩy là bị trượt ngã.
Sau khi vượt qua đoạn dốc trơn tuột, để mọi người có động lực tiếp tục và cảm giác quãng đường gần lại, các thầy cô liên phục pha trò. Cả cánh rừng vang vọng tiếng cười nói xen vào tiếng lá xào xạc, tiếng muông thú.
Vừa đi, thầy Phúc vừa kể: “Muốn vào làng Pngăn thì con đường này là duy nhất. Trời nắng thì không sao, nhưng khi mưa xuống đường trở nên lầy lội, trơn tuột. Nhiều người đã té ngã, trầy xước. Mọi người mới đi nên cẩn thận, chân phải bước chắc kẻo lại té”.
Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ vật lộn với con đường xuyên rừng hiểm trở, những căn nhà xiêu vẹo cũng dần hiện ra. Các thầy cô chia nhau đến gõ cửa từng nhà, hỏi thăm những học trò vắng học. Vốn đã quen thuộc từng ngõ ngách, từng nhà của trò, thầy Phúc dẫn chúng tôi đi quanh bản vào thăm hỏi từng phụ huynh.
Tuy nhiên, trong làng chỉ còn những người già và trẻ nhỏ ngơ ngác nhìn cả đoàn. “Người lớn với đám nhỏ đi lên rẫy hết rồi. Thầy cô lên đó mà tìm”, một cụ già với nước da nhăn nheo, đen nhẻm ngồi ở bậu cửa nói vọng ra. Cả đoàn lại tiếp tục hành trình, lội bộ thêm 3km để đi kiếm học trò.
Xem học trò như con
Sau một chặng đường dài, đôi chân ai nấy đều mỏi rã rời cuối cùng cả đoàn cũng tìm được 2 học trò đầu tiên. Với gương mặt lấm lem bùn đất, em Phách (học sinh lớp 7) và Kiech (học sinh, lớp 8, cùng trú tại làng Pngăn) ngượng ngùng chào thầy cô và mọi người.
Thấy học trò, thầy Phúc dịu dàng tiến lại gần xoa đầu trò rồi nhẹ nhàng hỏi: “Sao các em lại không ra lớp, thầy cô và các bạn mong hai em lắm”.
Như thấy có lỗi với thầy cô, Kiech cúi mặt xuống đất, lí nhí trả lời: “Cuối tuần về nhà, em theo bố mẹ lên rẫy. 3 ngày nay em với bố mẹ cấy lúa rẫy. Lúc về nhà em mệt quá, quên luôn ra lớp. Em xin lỗi thầy cô ạ”.
Nghe trò tâm sự, các thầy cô chẳng ai trách mắng hai em. Mọi người giục em vào nhà soạn quần áo, sách vở để theo thầy cô ra trường. Cả đoàn lại tiếp tục đi tìm những em học sinh vắng học còn lại. Đến xế chiều thầy cô cùng nhóm học trò lại rảo bước băng rừng, vượt dốc đến lớp.
20 năm cắm trường, bám bản, thầy Phạm Minh Chí (SN 1973) đã quá quen thuộc với từng ngóc ngách, mái nhà nơi đây. Thầy Chí kể, khi mới về trường, nơi đây còn hoang sơ, điều kiện sống còn rất nhiều khó khăn. Để các em nhỏ có được con chữ, giáo viên phải chia nhau cắm bản. Hơn 20 năm làm nghề “đưa đò”, thầy Chí vận động không biết bao nhiêu trường hợp về lại lớp học.
“Cứ đầu tuần từng tốp học trò lại băng con đường mòn trong rừng ra trường. Cuối tuần, cũng với con đường ấy, các em lại về ăn bữa cơm với gia đình. Nhiều em theo bố mẹ lên nương, rẫy rồi “quên” trở về lớp. Do đó, giáo viên trong trường thường xuyên vào làng vận động các em trở lại lớp.
Tôi đã dành 20 năm gắn bó với các em học sinh nơi đây. Với tôi mọi thứ không hề khó khăn, bởi tôi đặt học trò lên hàng đầu. Chỉ cần các em học được chữ thì khó khăn, gian khổ có nhằm nhò gì đâu. Tôi xem học trò như con của mình, tôi muốn chăm sóc và yêu thương các em như cha mẹ chúng”, thầy Chí nói.
Theo những thầy cô nơi đây, vào dịp hè các em thường lên rẫy làm và ở lại vài tháng. Đến khi vào năm học mới, nhiều em “quên” đến trường. Do đó, đầu năm học mới luôn là thời điểm thầy cô phải tập trung cao điểm để đưa học sinh trở lại lớp.
Trước ngày khai giảng, giáo viên phải chia nhau đến tận nhà những em thường theo cha mẹ lên rẫy để thông báo lịch học, vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Nhiều em ở trên rẫy cao, thầy cô lại tìm đường, đi vài ngày để lên đưa trò về lớp. Những hôm đi vận động học sinh đến tối mịt, giáo viên xin ngủ nhờ nhà học trò.
Thầy Nguyễn Văn Thuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Krong là một xã vùng khó với 100% bà con là đồng bào người Bana. Người dân chủ yếu trồng lúa rẫy, mì nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mình.
Theo thầy Thuấn, trường có tổng số 277 học sinh. Tuy là trường bán trú nhưng học sinh đầu tuần đến lớp, cuối tuần mới về nhà. Mặc dù thầy cô đã dặn dò kỹ ngày trở lại trường học nhưng nhiều em vẫn quên.
“Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng chúng tôi luôn mong muốn học trò được học hành để sau này thoát nghèo, bớt khổ. Bởi vậy, chúng tôi luôn cố gắng giữ chân học trò. May mắn các em học sinh hiểu tấm lòng của thầy cô nên ngày càng chăm chỉ đến lớp”, thầy Thuấn tâm sự.
Thầy Lê Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kbang cho hay, nắm được sự khó khăn, vất vả của học trò nên ngay từ khi bước vào năm học cả hệ thống chính trị toàn huyện đã cùng chung tay vận động học sinh ra lớp.
“May mắn, từ khi lập trường bán trú, tình trạng học sinh bỏ học đã không còn, học sinh vắng học ngày càng ít dần. Các bậc phụ huynh cũng hiểu được tấm lòng của thầy cô nên đã quan tâm và đưa con đến lớp”, thầy Hải nói.