Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chương trình "Âm vang Điện Biên Phủ" là một dự án liên môn Lịch sử - Địa lý - Tiếng Anh - STEM - Âm nhạc - Mỹ thuật do giáo viên và học sinh của trường tự dàn dựng và biểu diễn. Trong đó, 120 học sinh đã tham gia tái hiện một phần chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ của 68 năm về trước.
Nhiều phân cảnh được tái hiện như quân Pháp nhảy dù, xây lô cốt; bộ đội Việt Nam phá đá mở đường, vận chuyển lương thực. Một số nhân vật lịch sử cũng được nhắc tới như Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn... Tất cả nhằm tái hiện bối cảnh lịch sử của "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn" để tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" vào ngày 7/5/1954.
Theo lãnh đạo nhà trường, đây không phải năm đầu trường tổ chức ngày hội liên môn giúp học sinh có cách tiếp cận kiến thức mới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trường biến lễ bế giảng thành ngày hội như vậy. Để chuẩn bị cho chương trình lần này, 120 học sinh ở tất cả lớp (trừ khối 9 và 12) tập luyện trong khoảng ba tuần. Các em cùng giáo viên lên kịch bản, tuyển diễn viên cũng như chuẩn bị đạo cụ, bài trí sân khấu...
"Qua sự kiện lần này, học sinh được tiếp nhận hoặc ôn luyện kiến thức nhiều môn cùng lúc một cách tự nhiên, vui vẻ. Việc học qua dự án, các hoạt động trải nghiệm đặc biệt hữu ích với Lịch sử - môn học nhiều em e ngại. Bằng cách lồng ghép dạy kiến thức vào các hoạt động như đến thăm các địa điểm lịch sử, bảo tàng, mời các nhân vật lịch sử tới trường chia sẻ, học sinh hứng thú với môn học hơn.
Trong sự kiện "Âm vang Điện Biên Phủ" hôm nay, nhà trường đã mời Đại tá Đặng Đức Song -Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đến chia sẻ về những khoảnh khắc đáng nhớ bên đồng đội cùng chiến đấu trên chiến trường ác liệt năm xưa.
Câu chuyện của ông thấm đẫm những kỷ niệm về một thời oai hùng, tinh thần vì Tổ quốc khiến nhiều học sinh xúc động. Từ đó khơi gợi cho các em tình yêu nước, lòng biết ơn, niềm tự hào về các thế hệ cha ông đi trước đã đánh đổi xương máu, thanh xuân để đem lại hòa bình, thống nhất cho đất nước ngày nay" - thầy Nguyễn Quang Tùng nói.
Điều này thể hiện rõ trong khảo sát học sinh lớp 9 của trường hồi tháng 4 nhằm phục vụ việc xây dựng tổ hợp môn lựa chọn lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Gần 50% học sinh chọn học môn Lịch sử ở bậc THPT, cao hơn cả Hóa học và Sinh học.
Là thành viên trong đội biểu diễn, em Nguyễn Hà My - học sinh lớp 8 tại trường chia sẻ: "Em từng học về chiến dịch Điện Biên Phủ trong các giờ giảng nhưng đây mới là cách nhẹ nhàng, giúp em nhớ kiến thức sâu hơn. Có những chi tiết khá khó nhớ nếu chỉ học thuộc từ sách giáo khoa. Nhưng khi tham gia chương trình, được xem hình ảnh tái hiện các chi tiết đó hàng ngày, em sẽ không bao giờ quên. Ngoài kiến thức Lịch sử, Địa lý, em còn học được thêm nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, giao lưu kết bạn, chia sẻ với mọi người xung quanh và hiểu sâu sắc hơn về tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn khi tập luyện".