Điều này giúp việc giảng dạy hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trước nguy cơ nhiều trường phải đóng cửa do thiếu học sinh, lãnh đạo Hội đồng Trường Trung học Lee Yi-ying kêu gọi chính quyền thành phố thu hút học sinh Trung Quốc đại lục và làm nhiều hơn nữa để tăng tỷ lệ tuyển sinh.
Theo bà Lee Yi-ying, dân số giảm đã ảnh hưởng đến việc tuyển sinh trong những năm gần đây và việc phải đóng cửa một số trường học trong tương lai là điều không thể tránh khỏi. Dân số suy giảm ảnh hưởng lớn đến các trường, khiến việc giữ được số lớp và số trường học như hiện nay là rất khó.
Số trẻ sinh ra ở Hồng Kông đã giảm mạnh, từ mức 95.500 (năm 2011) xuống còn khoảng 37 nghìn (năm 2021). Xu hướng này ảnh hưởng nặng nề đến các trường tiểu học. Trong khi đó, các trường trung học cũng bắt đầu cảm nhận được tác động từ năm ngoái.
Đến nay đã có 1 trường tiểu học làm thủ tục ngừng hoạt động, 2 trường THCS công lập được sáp nhập và 2 trường khác được chuyển đến khu vực phát triển mới để có đủ học sinh.
Bà Lee Yi-ying là một hiệu trưởng kỳ cựu và được bầu làm Chủ tịch của Hội đồng trường trung học đã thành lập được 50 năm. Bà đại diện cho 343 trong số 358 trường trung học được trợ cấp và được các cơ quan giáo dục tư vấn thường xuyên trước khi các chính sách mới được đưa ra.
Kêu gọi giảm sĩ số để tăng hiệu quả
Bà Lee kêu gọi chính quyền giảm số lượng học sinh trong mỗi lớp ở bậc trung học từ 31 em hiện nay xuống còn 25 - 27 em. Bà cho rằng, chính quyền nên tận dụng cơ hội này để cải thiện chất lượng giáo dục địa phương vì quy mô lớp học nhỏ hơn sẽ hiệu quả hơn trong các cuộc thảo luận và thuyết trình nhóm.
Con số đề xuất trên được rút ra từ mức trung bình 25 học sinh Hồng Kông cho hầu hết các lớp ở trường tiểu học và sĩ số lớp học trung bình là 27 em ở các trường trung học trong năm học trước.
Lãnh đạo Cơ quan Giáo dục Hồng Kông Christine Choi-Yuk-lin trước đó đã loại trừ việc giảm sĩ số lớp học ở các trường trung học vì cho rằng nó kém hiệu quả hơn ở cấp tiểu học. Bà cho rằng, cần phải đảm bảo thanh thiếu niên có đủ lựa chọn về các môn học tự chọn. Nhà chức trách giáo dục Hồng Kông sẽ tham dự một cuộc họp hội đồng với các nhà lập pháp vào đầu năm tới để thảo luận về cách xử lý số lượng tuyển sinh giảm.
Tuy nhiên, bà Lee cho biết, hội đồng đang đề xuất giảm sĩ số lớp học từ 4 đến 6 học sinh. Bà nói thêm rằng, có 25 đến 27 học sinh trong một lớp vẫn có thể hiệu quả trong việc cung cấp cho học sinh nhiều môn tự chọn cho các em lựa chọn.
Các trường học địa phương của Hồng Kông được chia thành 4 loại chính: Trường công lập; các trường được trợ cấp và hỗ trợ do các nhóm tôn giáo và nhiều tổ chức cộng đồng khác điều hành; các trường thuộc Chương trình Trợ cấp trực tiếp (các trường bán tư thục và có sự linh hoạt trong việc thiết kế chương trình giảng dạy và tự nhận học sinh) và các trường tư thục.
Bà Lee Yi-ying. Ảnh: Yik Yeung man |
Thiếu học sinh và giáo viên chất lượng
Thêm vào vấn đề tuyển sinh của các trường là việc hơn 30 nghìn học sinh rời trường học từ tháng 10/2020 - 9/2021 trong làn sóng di cư, khoảng một nửa trong số đó là từ các trường trung học.
Để tăng số lượng học sinh ở Hồng Kông, bà Lee đề nghị làm nhiều hơn nữa để thu hút trẻ em từ Trung Quốc đại lục, bà tin hệ thống giáo dục mạnh mẽ có thể thu hút các em. Tuy nhiên, cuối cùng bà cho rằng, chính quyền phải tìm cách khuyến khích người Hồng Kông sinh thêm con.
“Không chỉ đối với trường học, tỷ lệ sinh quan trọng đối với mọi lĩnh vực xã hội của chúng ta vì nó ảnh hưởng đến lực lượng lao động trong tương lai”, bà Lee khẳng định.
Bên cạnh số lượng học sinh ngày càng giảm, bà Lee cũng đề cập đến tỷ lệ luân chuyển giáo viên cao và khó tuyển dụng giáo viên thay thế có chất lượng.
Tháng 4, Cục Giáo dục Hồng Kông cho biết có 5.270 giáo viên từ các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trường chuyên biệt đã nghỉ việc trong năm 2020 - 2021, tăng mạnh so với con số 3.440 trong năm 2019 - 2020.
Thống kê chính thức cho thấy, tỷ lệ luân chuyển giáo viên tiểu học và trung học cơ sở lần lượt đạt 7,1% và 7,8% trong năm học vừa qua, tăng từ mức 4,2% và 4,6% của năm trước. Một trường học báo cáo rằng họ đã mất 30% giáo viên trong năm học vừa qua. Trước đây, các giáo viên được cho là nghỉ việc vì về hưu, theo đuổi nghiên cứu sâu hơn, tìm công việc mới ở các loại hình trường học khác hoặc bên ngoài ngành, di cư hoặc kết hôn.
Bà Lee cho biết, việc tuyển dụng và giữ chân giáo viên dạy môn Tiếng Anh và Công nghệ thông tin đặc biệt khó khăn. Việc tìm giáo viên dạy môn Kinh tế gia đình cũng khó khăn không kém vì các trường đại học của thành phố đã ngừng đào tạo chuyên ngành này.
Bà hy vọng chính phủ sẽ cho phép các trường thuê giáo viên đã nghỉ hưu với mức lương hằng tháng cạnh tranh thay vì trả cho họ mức lương hằng ngày kém hấp dẫn hơn như hiện nay.
Bà Lee cho rằng, rất khó để thuê giáo viên chất lượng ngày nay. Trong khi đó, giáo viên đã nghỉ hưu ở độ tuổi 60 vẫn sung sức, giàu kinh nghiệm và bà rất mong họ quay lại trường học vào thời điểm quan trọng như thế này.