Những trường hợp như ông Keith không phải là hiếm và đang khiến nhiều trường học phải lo tìm người thay thế.
Làn sóng nghỉ việc
Hiệu trưởng trường ông Keith từng cố gắng ngăn ông rời đi khi nói rằng cuộc sống ở Anh không dễ dàng. Vì lo cho tương lai của cậu con trai 13 tuổi nên ông vẫn rời đi dù công việc mới có thu nhập thấp hơn hay phải làm việc trái ngành nghề.
Xu hướng giáo viên bỏ nghề đã trở nên khá rõ ràng. Tháng 4 vừa qua, Cục Giáo dục Hồng Kông cho biết, nhà lập pháp Michael Tien Puk-sun đã công bố có 5.270 giáo viên từ các trường mầm non, tiểu học, trung học và trường đặc biệt đã thôi việc trong năm học 2020 - 2021, tăng mạnh so với con số 3.440 vào năm học 2019 - 2020.
Trước đó, báo cáo thường niên của Quỹ hỗ trợ trường học trợ cấp, quỹ hưu trí dành cho giáo viên cho biết, 2.125 giáo viên đã rút tổng cộng số tiền trị giá lớn (hơn 20 nghìn tỷ đồng) tiết kiệm trong năm học 2020 - 2021.
Hơn một nửa trong số họ nói đã thôi việc, so với khoảng 40% những năm trước. Điều đó có nghĩa là hầu hết chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đã nghỉ việc. Thống kê số liệu từ năm 2015, điều này chưa từng xảy ra.
Vào tháng 5, Hiệp hội Hiệu trưởng các trường trung học Hồng Kông công bố kết quả của một cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 9 năm ngoái. Nó cho thấy một con số kỷ lục giáo viên nghỉ việc trong năm học 2020 - 2021.
Đối với 140 trường trung học, cuộc khảo sát trên cho thấy mỗi trường trung bình có 7 giáo viên xin nghỉ trong năm học 2020 - 2021, trong khi đó năm học 2019 - 2020, con số này là 4.
Hiệp hội cho biết nhiều hiệu trưởng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên cho năm học mới.
Hồng Kông đang gặp khó khăn trong việc thay thế giáo viên có kinh nghiệm đã chọn rời thành phố. Ảnh minh họa |
Nguyên nhân của làn sóng thôi việc
Theo Cục Giáo dục Hồng Kông, giáo viên thôi việc hàng năm có nhiều nguyên nhân, bao gồm di cư, nghỉ hưu, theo đuổi nghiên cứu cao hơn, chuyển việc hoặc kết hôn. Nhìn chung, các trường học đang hoạt động trơn tru và có đủ giáo viên tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hồng Kông Wong Kin-ho cho biết, số lượng người thôi việc cao trong 2 năm học vừa qua đã tạo ra vấn đề về nhân sự ở một số trường học.
Đồng thời là phó hiệu trưởng một trường trung học, ông Wong cho biết từng nghe về trường học có tới 14/67 giáo viên nghỉ việc trong một năm, tức là khoảng 20% nhân lực đã rời đi, con số này khá cao.
Nhiều giáo viên chọn di cư tới Anh. |
Chấp nhận lương thấp hơn
Cựu giáo viên Keith cho biết, ông đã chớp cơ hội khi Anh cung cấp cho người Hồng Kông một con đường đặc biệt để di cư. Khoảng 123 nghìn người Hồng Kông đã nộp đơn xin thị thực Anh từ tháng 1 năm ngoái đến tháng 3 năm nay. Đến nay, 113.742 người đã được chấp thuận.
Sau hơn nửa năm ở Anh, Keith chưa có việc làm nhưng ông cũng không vội tìm việc. Ông đã tham gia một khóa học để đủ điều kiện trở thành một thợ điện.
Năm ngoái, sau khi từ bỏ công việc 15 năm của mình với mức lương hơn 178 triệu đồng/tháng, cựu giáo viên khoa học trung học cơ sở Steven 40 tuổi cũng tới Anh với gia đình. Giờ đây anh đã tìm được việc là chuyên gia CNTT với mức lương 1/3 số tiền trên nhưng anh cho biết không hối tiếc khi rời đi. Anh cho rằng sống ở Anh có chi phí sinh hoạt thấp hơn, nhà cửa rộng rãi hơn nên có thể bù đắp cho thu nhập ít đi.
Đối với người đứng đầu công đoàn giáo dục Wong, việc mất đi quá nhiều giáo viên có kinh nghiệm trong 2 năm qua đã để lại một khoảng trống mà các trường khó bù đắp. Ông cho biết các trường không đào tạo đủ chuyên gia quản lý cấp trung và giờ đây phải đối mặt với vấn đề tìm người phù hợp để lấp chỗ trống.
Mặc dù các trường học sẽ cảm thấy sự thiếu hụt khi giáo viên bỏ việc nhưng ông cho rằng số người rời đi sẽ chậm lại vào năm 2022 - 2023.
Ông Wong cũng cho rằng, giáo viên bỏ việc đã tạo cơ hội thăng chức cho các cán bộ hiện có, những cán bộ hợp đồng được chuyển sang vị trí lâu dài và những giáo viên có nguyện vọng được tuyển dụng. Việc giáo viên rời đi “không phải là điều xấu”. Cục Giáo dục cần cung cấp thêm khóa đào tạo về quản lý cấp trung cho giáo viên ít kinh nghiệm hơn.
Trong khi đó, tình trạng giáo viên bỏ việc khiến các trường phải tuyển dụng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo giáo viên tại Hồng Kông.
Giám đốc phụ trách vấn đề sinh viên tại Đại học Sư phạm – nơi đào tạo giáo viên lớn nhất Hồng Kông – cho biết, các trường học đã trở nên tích cực hơn trong việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.
Theo bà, cuộc khảo sát việc làm của trường Đại học Sư phạm cho thấy, hơn 70% người được hỏi đã tìm được vị trí giảng dạy trước khi tốt nghiệp, cao hơn con số 30% của năm 2019 và 50% của năm 2020. Cuộc khảo sát cũng cho thấy lương khởi điểm của giáo viên mới từ 93- 97 triệu đồng.
Amy – một giáo viên tiếng Trung với kinh nghiệm giảng dạy 15 năm cho biết, cô rất buồn khi thấy nhiều giáo viên giỏi và tận tâm thôi việc. Điều đó dẫn đến việc những giáo viên không tận tâm và không đủ năng lực được đề bạt vào các vị trí cấp cao.