Phòng học STEM theo chuẩn quốc tế tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, Quận 3, TPHCM do Công ty CP Tập đoàn đầu tư Giáo dục Việt Nam tài trợ lắp đặt.
Đây là phòng STEM lab thứ 3 mà Công ty CP Tập đoàn đầu tư Giáo dục Việt Nam lắp đặt cho các trường tại TPHCM.
Phát biểu tại lễ khánh thành phòng học STEM lab, TS Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 3, TPHCM cho biết: bắt đầu từ năm học 2016-2017, giáo dục STEM đã được nhắc đến và triển khai trên địa bàn TPHCM, ngành giáo dục đào tạo Quận 3 cũng nhanh chóng thích ứng và triển khai hoạt động giáo dục đầy sôi động này.
Việc vận dụng kiến thức liên môn, tích hợp và phát huy vai trò phẩm chất của người học theo chương trình GDPT 2018 đã đặt nền tảng, thúc đẩy cho chương trình giáo dục STEM phát triển ngày một mạnh mẽ.
Ông Hồ Như Duyến, Phó giám đốc Trung tâm phát triển GD&ĐT phía Nam (Văn Phòng Bộ GD&ĐT) phát biểu tại buổi lễ.
" Thực tế, những hoạt động trải nghiệm, sáng tạo nơi học sinh rất cần các trang thiết bị, phòng học và công nghệ hỗ trợ. Hôm nay Trường Tiểu học Phan Đình Phùng đưa vào sử dụng phòng học STEM lab với thiết bị rất hiện đại khiến tôi rất vui và nhớ lại những ngày đầu còn nhiều khó khăn khi triển khai lớp học STEM. Sự hiện đại này chắc chắn sẽ mang đến cho học sinh nhà trường những trải nghiệm mới mẻ, giúp các em có thêm niềm vui, đam mê trong hoạt động học tập và sáng tạo hàng ngày trên lớp."- ông Khoa nói.
Chia vui cùng thầy trò Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, ông Hồ Như Duyến, Phó giám đốc Trung tâm phát triển GD&ĐT phía Nam (Văn Phòng Bộ GD&ĐT) tin tưởng: Phòng học STEM lab mới hôm nay sẽ giúp cho học sinh nhà trường có thêm niềm đam mê trong học tập và sáng tạo.
Theo ông Hồ Như Duyến, việc Bộ GD&ĐT đẩy mạnh việc đưa giáo dục STEM vào chương trình học của trường Tiểu học không gì khác với mong muốn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho học sinh như: Giúp phát triển tư duy toàn diện cho học sinh, đáp ứng yêu cầu học tập của xã hội hiện đại; thúc đẩy niềm đam mê học tập nơi học sinh; quan trọng hơn cả là việc xây dựng nền tảng, "bệ phóng" để hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
TS Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 3, TPHCM (đứng) cùng phụ huynh trải nghiệm một khu vực học tập trong phòng STEM lab.
Đưa giáo dục STEM vào trường Tiểu học vì vậy là một bước đi quan trọng, giúp học sinh Việt Nam trang bị đầy đủ hành trang để đối mặt với những thách thức của cuộc sống hiện đại và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
" Như các quý vị đã biết, thế giới đang thay đổi từng ngày với tốc độ chóng mặt. Kỷ nguyên số đã mở ra những cơ hội vô tận nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn. Để các em học sinh có thể tự tin bước vào tương lai, chúng ta cần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng phù hợp. Và STEM chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa đó.
Việc trang bị phòng STEM lab tại trường Tiểu học Phan Đình Phùng là một quyết định hết sức đúng đắn. Đây sẽ là nơi các em học sinh được thỏa sức khám phá, sáng tạo và trải nghiệm. Với đầy đủ các thiết bị, dụng cụ hiện đại, phòng lab sẽ trở thành một không gian học tập lý tưởng, nơi các em được tự tay làm các thí nghiệm, xây dựng các mô hình, và thực hiện các dự án sáng tạo."- ông Duyến nói.
Phương pháp giáo dục STEM là gì?
Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn.
STEM là thuật ngữ tiếng Anh được viết tắt từ bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Maths (Toán học). Hiện phương pháp này còn bổ sung thêm môn nghệ thuật (Art) với tên gọi STEAM.
STEM là mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn. Thay vì học từng môn tách biệt, rời rạc, STEM tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, rèn luyện tư duy đa chiều, giúp trẻ tìm hiểu tường tận nguồn gốc của vấn đề bằng cảm nhận tai nghe, mắt thấy, tay làm. STEM là phương pháp giáo dục nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học.