Trường thi nghiêm cẩn

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT xác định, mục tiêu số 1 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là bảo đảm an toàn. Theo đó, yêu cầu tối quan trọng là: Trường thi nghiêm cẩn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được đếm ngược từng ngày. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và chất lượng là yêu cầu tiên quyết. Chẳng thế mà, khi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi ở địa phương, các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đều nhấn mạnh từ khoá “An toàn”. Bởi an toàn không chỉ đơn thuần là phòng ngừa mọi tình huống trước đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mà suy rộng ra là làm sao để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, trường thi nghiêm cẩn, không có hiện tượng thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm Quy chế; đặc biệt là gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.

Những lo lắng là cần thiết. Tuy nhiên, việc nhiều Hội đồng thi yêu cầu thí sinh phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình thi, sẽ là cơ hội để một số em lợi dụng, gắn thiết bị công nghệ cao nhằm thực hiện hành vi gian lận thi cử. Khắc phục tình trạng này, các địa phương đã áp dụng giải pháp: Yêu cầu thí sinh thay khẩu trang khi đến trường thi. Trước khi vào phòng thi, thí sinh phải gỡ khẩu trang để cán bộ coi thi kiểm tra, nhận diện; sau đó mới đeo khẩu trang vào phòng thi. Trong phòng thi, thí sinh chỉ được đeo khẩu trang che mũi và miệng, không được dùng khẩu trang che cả tai.

Trên thực tế, có rất nhiều thiết bị công nghệ siêu nhỏ có thể được sử dụng cho việc gian lận thi cử được giao bán trên các trang mạng xã hội. Các thiết bị này thường có chức năng ghi âm, ghi hình hoặc chụp ảnh và có thể gắn vào bút, đồng hồ đeo tay, kính hoặc cúc áo… Vì vậy, để phát hiện, cán bộ coi thi cần tinh tế, nhận diện sắc thái tâm lý, nét mặt, cử chỉ của thí sinh để phát hiện kịp thời hành vi gian lận.

Theo đánh giá từ các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về kiểm tra, thị sát quá trình chuẩn bị cho kỳ thi tại địa phương, Hội đồng thi các tỉnh, thành phố đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng tổ chức kỳ thi tốt nhất có thể. Theo đó, các địa phương tiến hành áp dụng nhiều giải pháp, bảo đảm trường thi diễn ra nghiêm cẩn và kỳ thi được tổ chức thành công trên mọi phương diện.

Tại các điểm thi, ngoài việc bố trí lực lượng công an, bảo vệ; hệ thống tường rào cũng được che chắn cẩn thận, đề phòng người ngoài “đột nhập” vào trường thi. Một số phòng thi ở gần nhà dân đều được yêu cầu đóng kín, các phòng không được trưng dụng đều dán niêm phong theo quy định… Đáng chú ý, ở khu vực in, sao đề thi, chấm bài thi đã được bố trí máy phá sóng điện thoại, ngắt kết nối Internet…

Mặc dù, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhưng với tinh thần trách nhiệm, Bộ GD&ĐT đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức kỳ thi; trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi hoặc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện. Tuy nhiên, những công việc trên cũng chỉ là “tiền kỳ” và “hậu kỳ” của một quá trình triển khai, tổ chức kỳ thi. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Vì thế, mỗi cá nhân cần có tinh thần trách nhiệm, ý thức công việc cao nhất để cùng chung tay tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 an toàn, nghiêm túc, chất lượng và đúng Quy chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.

Cán bộ Trung đội 11 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 3-Sao Vàng, Quân khu 1) hướng dẫn chiến sĩ mới cách đặt mũ. Ảnh: Lê Quang Hội

Màu xanh áo lính

GD&TĐ - Ngày còn trong quân ngũ, tôi thường nhận được những cánh thư tay của bạn bè, người thân gửi đến.