Vun đắp từ những điều nhỏ nhất
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Cao Minh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, nếu như trước đây phụ huynh và cả học sinh quan tâm nhiều về điểm số, thì hiện nay vấn đề được nhiều người quan tâm không kém là làm thế nào để các em phát triển kỹ năng sống, tự tin và năng động hơn. Vì vậy, song song với nhiệm vụ giáo dục văn hóa, nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục kỹ năng sống, đạo đức lối sống cho học sinh.
Theo đó, nhà trường đã lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào nội dung bài giảng chính khóa ở nhiều môn học như: Giáo dục công dân, Lịch sử, Sinh học, Địa lí... Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như nói chuyện về truyền thống quê hương, đất nước, kể chuyện về Bác Hồ, thi tìm hiểu về tác hại ma túy và tệ nạn xã hội, an toàn giao thông...
Ở lứa tuổi này, tâm sinh lý học sinh thường dễ bị thay đổi, tác động nên nhà trường thường xuyên nắm bắt và hướng các em tham gia vào các hoạt động tập thể. Ví dụ như tổ chức sinh nhật tập thể hàng tháng, tổ chức các hoạt động thi đua trong học tập có khen thưởng kịp thời; khuyến khích các em tham gia các hoạt động của Đoàn trường từ đó hình thành lý tưởng sống tốt đẹp cho các em...
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà trao quà cho học sinh tại buổi ngoại khóa. |
Đặc biệt, dịp 20/11 mới đây, nhà trường đã tổ chức thành công hoạt động giáo dục kỹ năng sống với chủ đề “Lòng biết ơn”.
Tại buổi sinh hoạt, các em học sinh được nghe kể những câu chuyện về tình cảm gia đình, cô trò và những câu hỏi gần gũi như về sinh nhật của bạn bè, bố mẹ; quá trình các bạn học sinh được sinh ra, lớn lên từng ngày; những hy sinh thầm lặng của thầy cô giáo, bố mẹ… Lòng biết ơn không chỉ dành cho những điều lớn lao, to tát mà còn dành cho cả những điều bình thường, giản dị, có khi nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá.
Buổi sinh hoạt chuyên đề với hy vọng các em sẽ cố gắng học tập, cố gắng vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô và không từ bỏ những ước mơ, hoài bão của mình.
Có thể nói, cùng với tri thức, bồi dưỡng lòng biết ơn chính là hành trang giúp học sinh tu dưỡng, rèn luyện để mai này trở thành những công dân có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt, có ích cho xã hội.
Đa dạng và đi vào chiều sâu
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, hằng năm, Trường THCS Cao Minh đều mời cán bộ công an đến tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, kỹ năng điều khiển xe an toàn...
Học sinh mạnh dạn tham gia trả lời tại buổi ngoại khóa. |
Nhà trường cũng yêu cầu học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm các nội quy, quy định về ứng xử văn hóa, đúng pháp luật và coi đó là tiêu chí thi đua trong trường; phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường… Đối với học sinh vi phạm nội quy, nhà trường phối hợp với gia đình nhắc nhở và có giải pháp quản lý, giáo dục tích cực.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, nhờ chú trọng, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, kỹ năng sống tạo được hiệu ứng tích cực, học sinh chăm ngoan, nền nếp nên chất lượng giáo dục của nhà trường cũng cao hơn năm trước.
“Giáo dục kỹ năng sống của trường những năm gần đây đã có hiệu ứng tích cực, lan tỏa rộng khắp. Các hoạt động đã giúp học sinh và giáo viên kết nối, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ, không chỉ trong lớp mà ở ngoài lớp, ngoài xã hội. Có nhiều học sinh ngượng ngùng, rụt rè vì chưa được tham gia hoạt động tập thể nhưng sau khi học kỹ năng sống đã trở nên tự tin, lanh lợi, hoạt bát”, cô Hà khẳng định.
Nhà trường quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. |
Thời gian tới, để công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngày một đa dạng và đi vào chiều sâu, Trường THCS Cao Minh sẽ gắn việc dạy lý thuyết kỹ năng sống với thực hành, trải nghiệm; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho việc thực hành của học sinh; tích cực vận động phụ huynh cùng tham gia với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động dạy kỹ năng sống; phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức các buổi tập huấn nói chuyện chuyên đề liên quan đến việc dạy kỹ năng sống.
Chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh gắn với phong trào “Xây dựng trường học hạnh phúc” nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường ngày một toàn diện và bền vững.