Trưởng thành nhờ những lời góp ý

GD&TĐ - Ở trong nhà, cháu sợ Thảo nhất rồi mới đến ông bà, bố mẹ. Nghĩ Thảo sẽ nản lòng, mẹ cô động viên: “Coi như mày được thực hành sớm, sau này có con sẽ tự biết cách dạy dỗ chúng nên người”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chị ruột Thảo nhắn tin: “Đón cái Ốc hộ chị nhé, chị đang họp, tối về muộn”. Thảo không còn lạ lẫm với những tin nhắn như vậy.

Chị Thảo vừa ra trường đã vội kết hôn, ngày chị lên xe bông, bạn bè của chị tỏ ra tiếc nuối: "Chưa gì đã cưới, phí hoài tuổi trẻ". Nhưng Thảo không nghĩ thế, chỉ cần quan sát anh rể một lúc, cô có thể hiểu vì sao chị phải lấy anh bằng được. Anh chẳng những đẹp trai mà còn ga-lăng và rất vui tính. Xét về độ hài hước, có lẽ diễn viên hài chuyên nghiệp cũng phải thua anh. Duyên hài của anh không phải dạng vừa, anh nhịn cười rất giỏi, nhiều lúc bị anh trêu mà Thảo không biết vì mặt anh tỉnh bơ. Đến khi Thảo ngớ ra mình vừa bị "hớ" thì anh đã chạy đi đâu mất.

Bố mẹ Thảo đều là nhà giáo nên họ rất nghiêm khắc, ở trong nhà, người lớn nói gì là con trẻ phải nghe răm rắp, nhưng chính những nguyên tắc ấy khiến không khí trong nhà Thảo hơi trầm và nặng nề. Sự xuất hiện của anh đã thay đổi mọi thứ, những câu chuyện dí dỏm anh kể làm bố mẹ Thảo cười chảy nước mắt, mẹ cô còn bảo: "Thôi, con đừng nói nữa, mẹ cười gãy cả lưng rồi".

Chị Thảo sinh cháu đúng lúc công việc đang bận rộn, chưa hết kỳ nghỉ phép chị đã vội vã đi làm vì sợ ảnh hưởng đến con đường thăng tiến sau này. Trong lúc chưa tìm được giúp việc ưng ý, mẹ Thảo đề nghị: "Mày sang trông cháu giúp anh chị một thời gian có được không? Mày đang nghỉ hè mà". Bình thường Thảo rất thích trẻ con, cháu Thảo lại ngoan nên cô đồng ý mà chẳng cần suy nghĩ.

Sáng hôm sau cô hí hửng đạp xe đến nhà riêng của anh chị. Chị dặn Thảo đủ thứ: "Sữa của cháu chị ủ trong nồi cơm điện, giờ giấc ăn ngủ của cháu chị đã viết lên giấy, mày đọc rồi thực hiện đúng như thế cho chị. Mày làm tốt chị sẽ thưởng xứng đáng, yên tâm nhá!". Nói xong chị leo lên xe, vòng tay ôm lấy eo anh rể, anh nháy mắt với Thảo: "Dì đừng ăn tranh của cháu". Biết anh trêu nên Thảo chỉ cười hề hề.

Buổi sáng đầu tiên trông cháu, Thảo thấy khá nhẹ nhàng, cháu cô ăn ngủ rất ngoan, không hề chống đối, cháu cũng rất thích chơi với dì. Trưa hôm ấy, chị nhắn tin: "Chị bận lu bù nên không tạt về nhà được, mày cho cháu ngủ hộ chị nhé. Chanh chiu nhiều". Thảo bế cháu, rung rung một lúc thì cháu ngủ. Buổi chiều Thảo cho cháu ra ngoài ngõ chơi, đang vui thì tự nhiên cháu mếu, đúng lúc ấy anh rể về. Thấy con khóc, anh cuống lên: "Ối, dì trêu con à? Dì hư quá nhỉ? Để bố đánh chừa dì nhé".

Thảo không nói gì mà đi thẳng vào nhà, một lúc sau anh rể nói rất to: "Dì ơi là dì, dì mất vệ sinh quá, ai lại vứt bỉm lên mặt thùng đựng nước thế này?". Thảo giải thích: "Tại lúc sáng con bé khóc, em quẳng tạm ở đấy để chạy ra dỗ nó". Anh rể tỏ thái độ không đùa chút nào: "Dì phải chú ý chứ, nước dùng để ăn uống chứ có phải nước đổ đi đâu".

Những ngày sau đó anh liên tục phàn nàn việc Thảo làm. Chị sai cô gọt trái cây, cô xăm xắn định cầm dao lên thì anh bất ngờ đề nghị: "Giơ tay lên anh xem". Thảo hồn nhiên giơ tay lên trước mặt anh, anh nhăn nhó: "Đấy, biết ngay mà, dì rửa tay chưa kỹ, toàn mùi xà phòng, thế này mà định gọt trái cây thì có chết tôi không cơ chứ". Lần ấy Thảo tự ái ra mặt, giả vờ có bạn gọi rồi xin phép về sớm.

Một lần khác, trong lúc ăn tối, anh mở nồi cơm, càu nhàu: "Dì nhìn này, con gái trong nhà đáng lẽ phải để ý chứ, ai lại để nắp nồi cơm bẩn thế này không? Tại sao những việc nhỏ xíu mà cứ để anh phải nhắc?". Chị Thảo lúc ấy mải cắm mặt vào điện thoại nên không ý kiến gì. Trong mắt Thảo, người anh rể hiền lành vui tính đã biến thành một gã lắm điều khó tính.

Hai tuần sau, anh gọi cho mẹ Thảo, báo: "Chúng con tìm được giúp việc rồi mẹ ạ, mẹ cứ yên tâm, à, mẹ nhắn dì Thảo không phải sang trông cháu nữa đâu nhé". Lúc ấy Thảo mới thấy "điên ruột", cô bỏ công sức và thời gian để trông con giúp anh, anh chẳng cảm ơn tôi được câu nào, mà suốt cả mấy tuần đó, anh chỉ biết soi mói, trách móc, thậm chí chạm cả vào lòng tự ái của cô nữa. Thảo giận anh và giận cả bản thân mình, đáng lẽ lúc anh chê cô mất vệ sinh, chê cô lười thì cô phải nói thẳng vào mặt anh rằng: "Anh giỏi giang thì anh tự trông con và làm việc nhà của anh đi".

Đó là khi Thảo còn học cấp 3, giờ chuẩn bị tốt nghiệp đại học, ngẫm lại những chuyện cũ, Thảo mới thấy cảm thông với anh rể, chính những lời góp ý thẳng thắn của anh đã giúp cô tiến bộ lên từng ngày, dù có những lúc ức phát khóc. Cháu Thảo càng lớn càng ương bướng, khó bảo. Anh chị chưa bao giờ ngừng bận rộn, vì thế việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ông bà và dì.

Nhiều lúc cháu không nghe lời, Thảo dùng đủ biện pháp từ nhẹ đến nặng. Có khi cháu không thể tiếp thu những lời chỉ bảo nhẹ nhàng, Thảo đành phải quát nạt, thậm chí phải tét vào mông cháu.

Ở trong nhà, cháu sợ Thảo nhất rồi mới đến ông bà, bố mẹ. Nghĩ Thảo sẽ nản lòng, mẹ cô động viên: “Coi như mày được thực hành sớm, sau này có con sẽ tự biết cách dạy dỗ chúng nên người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ