Câu chuyện của những đứa trẻ hạnh phúc
Tôi gặp Bình Minh và chị Trang, mẹ của Minh vào một buổi tối khi tiết trời đang bước vào những ngày gió đầu đông. Cứ ngỡ rằng cuộc gặp mặt sẽ bị thời tiết làm cho buốt giá, ấy vậy mà buổi chuyện trò lại trở nên ấm áp vô cùng.
Bình Minh 9 tuổi, khuôn mặt rạng ngời, nụ cười trong trẻo cùng thân hình dong dỏng, hoạt bát trước mắt tôi lúc này đây chẳng ai nghĩ chính là cậu bé đã từng thu mình, “đóng cửa” vì những mệt mỏi và áp lực của ngôi trường em học khi mới về Việt Nam.
Bình Minh có hoàn cảnh học tập khá đặc biệt. Vì đặc thù nghề nghiệp của mẹ nên hơn 1 tuổi Bình Minh đã qua đất nước xứ anh đào Nhật Bản và sau đó trở về Việt Nam sau hơn 3 năm. Thời điểm này, Minh được tiếp cận với môi trường giáo dục ở Việt Nam và mọi chuyện cũng bắt đầu từ đây.
Chị Huyền Trang – mẹ cháu Bình Minh tâm sự với tôi rằng: “Khi về Việt Nam thì bạn ấy khá sốc, một phần lỗi của bố mẹ khi chưa chuẩn bị hết tâm lý cho con.
Về nhà bạn ấy kể cô giáo ở lớp nói con như thế này, nói con như thế kia. Ban đầu chị quan niệm khi cho con đi học thì con phải thích nghi với môi trường chứ không phải chọn môi trường nào thích nghi với con.
Đi học về con hay chia sẻ là con cảm thấy đi học không vui, nhưng bản thân chị lại an ủi rằng con nên thông cảm cho cô và nhìn nhận các mặt tích cực hơn”.
Và rồi sau đó là những tháng ngày “khủng hoảng” của cậu bé. Chị Trang kể: Bình Minh vốn là một em bé sống nội tâm, thế nhưng càng ngày cậu bé càng thu mình hơn khi tới trường. Cậu không còn bất kỳ hứng thú nào mỗi ngày đến lớp. Cậu bé vui vẻ, hồn nhiên trước kia dần trở nên nhút nhát, kém tự tin và “thủ thế” hơn với những người xung quanh.
“Thế rồi chị tìm đến SenTia vì nghe nói đến một ngôi trường mà trẻ em “thích mê tơi và háo hức được đi học mỗi ngày”. Khi đó, trường cũng chỉ mới mở được khoảng một năm và thực sự không có nhiều thông tin trên mạng để tham khảo. Ấy vậy mà ngay buổi đầu nói chuyện với cô giáo, chị đã cảm nhận được sự đồng điệu với nhà trường trong quan điểm giáo dục con.
“Đây là một quyết định tuyệt vời nhất của gia đình chị dành cho con em ạ", với ánh mắt lấp lánh chị Trang chia sẻ.
Kể từ ngày đến với SenTia, Bình Minh đã bắt đầu dần quay trở lại là chính cậu. Em bé buồn bã, căng thẳng khi xưa đã bắt đầu thích đến lớp mỗi ngày, về nhà ríu rít kể cho bố mẹ những câu chuyện trên lớp, tự giác làm bài tập và bắt đầu bộc lộ những khả năng toán học của con.
Khi nghe bố mẹ bảo gia đình phải quay lại Nhật, câu đầu tiên Bình Minh nói “nếu bên Nhật cũng có SenTia thì con mới đi”. Chị Trang kể, trong lớp học tiếng Nhật, cô giáo cho mỗi bạn một điều ước, Bình Minh đã viết “ước gì con được ở lại với trường SenTia”.
Khi nghe tôi và chị Trang nói chuyện, Bình Minh không chơi đùa nữa mà đến ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe. Cứ nói đến SenTia là sự vui vẻ, hào hứng, hạnh phúc pha chút “xí hổ” lại xuất hiện trong ánh mắt của cậu bé.
Chị Trang vừa xoa đầu con, vừa tâm sự: “Chị thực sự muốn gửi lời cảm ơn đến SenTia, đến các thầy cô đã đồng hành cùng con, đã cho ba mẹ có cái nhìn khác về con và về chính bản thân mình. SenTia cho chị biết rằng mình cần phải đặt vào vị trí của con để biết con cần gì, con muốn gì chứ không phải bố mẹ muốn con như thế nào. Sau này, tương lai con thế nào chị không biết chắc, nhưng chị tin rằng con chị sẽ là một người hạnh phúc”.
Bình Minh không phải là câu chuyện duy nhất, rất nhiều câu chuyện đã được chia sẻ về ngôi trường này.
TV là một ví dụ khác về việc tự hoàn thiện bản thân một cách ngoạn mục một khi các con có được một môi trường giáo dục mà các con yêu thích. TV khi bước vào SenTia là một cậu bé đa tài nhưng khá cá tính với chất hiếu thắng, muốn gì được nấy.
Hơn hết, TV không thể chấp nhận thất bại của chính mình. Điều này khiến cậu bé luôn khóc lóc, vật vã, giậm chận vung tay, từ chối mọi lời động viên, an ủi và thậm chí bỏ cuộc luôn mỗi khi không giành chiến thắng trong các cuộc thi của trường.
Trong cả quá trình đồng hành, các thầy cô của SenTia đã chia sẻ và ở bên cạnh TV và giúp con tự nhận thấy và tự lựa chọn những suy nghĩ, hướng đi tích cực, giúp con hiểu hơn về chính bản thân và cảm xúc của mình.
Và sau 2 năm, điều kỳ diệu cuối cùng đã đến! Cô Khánh, Hiệu phó nhà trường chia sẻ câu chuyện đã qua mà vẫn còn nguyên một sự xúc động và một niềm vui sâu sắc.
Cô Khánh vẫn nhớ như in trong trận chung kết Cờ Vua SenTia 2019, chỉ vì một chút căng thẳng khiến cho một nước đi không chuẩn xác, TV đã để vụt mất cơ hội giành quán quân. Thế nhưng, cậu bé thay vì phản ứng tiêu cực như xưa, đã đứng lên, tiến tới bắt tay cậu bạn giành giải nhất.
Và vẫn với một vẻ mặt thoáng buồn, môi run run, Vũ nói: “Tớ chúc mừng cậu! Cậu đã chiến thắng xứng đáng! Tớ đã bị mất bình tĩnh một lúc. Lần sau tớ sẽ không bị thế nữa!”.
Những lời nói ấy, từ cậu bé ấy, thực sự đã chạm trái tim các thầy cô hôm ấy, những người đã từng chứng kiến sự vật vã của Vũ trước đây, và ngay lúc này đây họ vẫn thấu hiểu sâu sắc nỗi buồn của con, nhưng sự tiến bộ của con trong cách con chia sẻ với người bạn chiến thắng đã khiến các thày cô của SenTia đứng xem trận đấu hôm ấy mắt lệ nhoà.
Phép màu nào của ngôi trường của những đứa trẻ Trưởng thành trong hạnh phúc?
Nếu bạn bước chân vào SenTia, điều đầu tiên bạn cảm thấy là sự ấm áp và rạng rỡ của những khuôn mặt trẻ thơ đang bận rộn, nhộn nhịp trong một hoạt động nào đó của lớp học.
Một trường học thật sự ấn tượng vì sự sống động của nó, khiến tôi phải tò mò xin phép đi tham quan ngay một vòng các lớp học. Đây trẻ lớp Một đang say sưa ghép từng vần mới học để sáng tác ra một câu chuyện rồi cô trò cùng cười phá lên với nhau hể hả vì truyện của mình hay quá, kia trẻ lớp Ba đang tìm ra “bí kíp” tính chu vi một cái hình không theo hình dạng gì, còn kia nữa các anh chị lớp Sáu đang nghiên cứu để chế tạo ra hệ thống dẫn nước tự động cho khu vườn mini.
Rõ ràng là các em đang “học” nhưng mà lại không phải là “học" như khái niệm của thế hệ chúng tôi đã từng trải qua. Gương mặt các em thể hiện sự thích thú với hoạt động của lớp học, dường như càng được “vật lộn, đau đầu” với các vấn đề hay kiến thức hóc búa lại càng khiến các em tập trung, hứng thú.
Tò mò với câu hỏi, liệu cách học này, độ vui thì rõ rồi, nhưng với lượng kiến thức “khủng” của chương trình giáo dục Việt Nam hiện nay thì liệu các em có được truyền tải hết kiến thức và các em có thực sự hiểu bài hay không?
Cô Phan Thị Luyến, Tiến sỹ Phương pháp dạy học môn Toán, Hiệu trưởng của trường cho biết: “Đây là phương pháp học tập phát triển tư duy, là phương pháp mà chúng ta vẫn gọi là “lớp học tương tác" (responsive classroom). Thực ra nó không phải là mới vì các nền giáo dục tiên tiến đã cho thấy kết quả vượt trội của nó trong việc phát triển tư duy sáng tạo, tư duy độc lập ở trẻ, nhưng việc có áp dụng được ở Việt Nam không mới thực sự là vấn đề.
Để thực hiện được phương pháp học này giáo viên phải có lượng kiến thức rất rộng, hiểu sâu vấn đề và bản thân chính các thày cô phải có tư duy sáng tạo, biết nhìn vấn đề ở nhiều chiều để có thể thiết kế các hoạt động sao cho trẻ có thể tự tìm ra kiến thức trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đó. Thông qua đó, trẻ vẫn rất chắc chắn, hiểu sâu về kiến thức, đồng thời phát triển sự sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng tương tác, làm việc cùng nhau.
Với một cách học như vậy thì bất kỳ trẻ nào cũng muốn đến trường, như mình nhìn các con còn muốn quay lại học lớp Một (cười), vì các hoạt động một khi kích hoạt được tư duy thì nó sẽ trở thành những thử thách đem lại rất nhiều niềm vui và sự phấn khích, điều mà việc thụ động hiểu bài kiểu “chuyển giao" kiến thức không thể có được.
Và tư duy của con người nó cũng như cơ bắp, càng luyện tập thì càng nhanh nhạy và càng nhanh nhạy sáng tạo thì lại càng thích thú với những vấn đề mới và càng biết cách giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn - và sẽ có hiện tượng “nghiện đi học". Vì thế bạn có thể phỏng vấn bất kỳ một em bé của SenTia xem, các em sẽ sợ nhất khi bố mẹ bào “Mai không cho đến trường nữa nhé!” (cười)”.
Nhưng “hạnh phúc” ở SenTia không chỉ đến từ những niềm vui trong học tập. SenTia nổi tiếng trong cộng đồng phụ huynh với khái niệm “Chiếc xô tình cảm": Mỗi chúng ta đều có một chiếc xô chứa tình cảm dành cho mọi người. Khi chúng ta làm điều tốt cho ai đó, chúng ta sẽ làm đầy xô tình cảm của người đó và bản thân xô tình cảm của ta cũng đầy thêm.
Cuộc sống của chúng ta sẽ đẹp hơn với những niềm vui khi làm đầy xô tình cảm của nhau và niềm hạnh phúc khi biết cảm nhận tình cảm của người khác dành cho mình. Chính triết lý “chiếc xô tình cảm” này khiến không khí trường học luôn thân thiện, tin cậy. Nó khiến chúng ta có thể cảm nhận được cái gọi là “ trưởng thành trong hạnh phúc" luôn hiển hiện đâu đó tại nơi đây.
Mười năm để xây dựng mô hình giáo dục “Trưởng thành trong hạnh phúc"
Bà Trần Nhật Minh - Chủ tịch HĐQT của Trường Liên cấp SenTia chia sẻ: “Khi bắt tay xây dựng mô hình SenTia, câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi đặt ra là chúng tôi muốn có một mô hình giáo dục như thế nào?
Con ngoan, trò giỏi, thành tích đỗ đạt cao? Đúng là chúng tôi cũng muốn những điều đó, nhưng dường như nó chưa đủ. Nhắm mắt lại và hình dung ra chúng tôi thực sự muốn điều gì cho con của chính mình? Câu trả lời hiện lên trong đầu chúng tôi lại là: Chúng tôi muốn có những em bé mạnh mẽ và hạnh phúc! Những em bé sẽ bước vào cuộc đời như những con người trẻ đầy năng lượng sẵn sàng dấn thân với những hoài bão của mình, chinh phục những thách thức của cuộc sống bằng trí tuệ, bằng những cái nhìn sâu sắc và lạc quan về cuộc sống”
“Mục tiêu của SenTia đâm ra lại rất ngắn gọn, nhưng để hiện thực nó chúng tôi phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: thế nào là những cá nhân hạnh phúc. Và bạn biết đấy, chúng tôi đã mất đúng 10 năm để hoàn thiện mô hình giáo dục này.
Những ai từng có con học tại Koala House từ năm 2008 đã nghe thấy chúng tôi chia sẻ mơ ước về SenTia, đúng 2017 lớp học đầu tiên mới bắt đầu.
Tiến sỹ toán học Trevor Wood, người mà tên của ông đã được đặt cho khu vườn nghệ thuật tại SenTia để nhớ tới sự tâm huyết, trí tuệ và sức sáng tạo của ông, đã cùng với tập thể sáng lập SenTia trong suốt một thập kỷ đi tìm câu trả lời thấu đáo cho mô hình “Trưởng thành trong Hạnh phúc” này.”
“Kết quả là bạn thấy đấy, trên cơ sở các bộ môn khoa học như tâm lý học, thần kinh học và khoa học hạnh phúc, chúng tôi đã đi đến 4 giá trị trụ cột của SenTia - đó cũng là 4 giá trị cơ bản làm nên hạnh phúc của một con người.
Đó là 4 chữ C bao gồm một TRÍ TÒ MÒ ham hiểu biết (CURIOSITY), là sự thích thú khi khám phá kiến thức và sự sẵn sàng chinh phục những THỬ THÁCH được đặt ra (CHALLENGE).
Thế giới ngày nay nói đến những con người thành công không phải là những con người “bất bại”, mà lại là những con người “không ngại” thất bại, dám dấn thân, có khả năng vươn lên bền bỉ và luôn háo hức mỗi khi đối mặt với những thách thức mới. Môi trường học tập tại SenTia đang nuôi dưỡng những cá nhân như vậy!
Ở SenTia không có khái niệm “ngôi sao”, các bạn nhỏ SenTia tự hào với chính bản thân khi đã nỗ lực hết mình chứ không phải để cố chứng tỏ danh hiệu nào đó. Khi không phải đặt mình trong áp lực cạnh tranh với bạn khác, các em sẽ tìm thấy niềm vui khi để hết tâm trí vào việc hoàn thành nhiệm vụ của mình, để sao cho tác phẩm của mình xuất sắc nhất có thể.
Ở SenTia, ai cũng quen với những tiếng cười vui vẻ của các em khi khoe “Cô ơi con mắc lỗi ở đây này!” chứ không phải cảm giác ngại ngần vì làm sai ở đâu đó. Các em cũng có thể chia sẻ niềm vui của bạn mình khi bạn được điểm cao hay đạt thành tích nào đó, chứ không phải cảm giác thoáng buồn hay ghen tị.
Sự thích thú với kiến thức mới có thể đem lại cho các em những niềm vui bất tận, tuy nhiên để trở thành những cá nhân hạnh phúc, các em cần thêm những giá trị khác. Đó hai trụ cột - 2 chữ C tiếp theo là: SỰ QUAN TÂM (CARE) và NHÂN CÁCH (CHARACTER). Hai trụ cột này được phát triển dựa trên những thành tựu nghiên cứu về con người, cho thấy con người luôn cần một cộng đồng gần gũi, cần cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa và có ích cho cộng đồng.
Phép màu của SenTia đơn giản chỉ là việc phát triển con người theo đúng quy luật của tự nhiên theo những gì sẽ làm con người ta hạnh phúc. Từng em học sinh sẽ tìm thấy niềm vui tự nhiên trong học tập, trong lao động chân chính - trong thể thao, trong nghệ thuật, trong những công việc nghiêm túc của mình, và trong việc đem lại những giá trị có ích cho cộng đồng. Các em sẽ tìm thấy vô vàn niềm vui và hạnh phúc trong quá trình trưởng thành đó".
Chia tay SenTia, một câu hỏi bỗng cứ lởn vởn trong đầu tôi: Liệu tôi có sẽ là một “phiên bản” đẹp đẽ hơn, tràn đầy hoài bão hơn của chính mình, nếu tôi từng được giáo dục trong một môi trường như thế này?