Buông tay để con trưởng thành

GD&TĐ - Chị chống cằm ngồi ngoài ngoài phòng khách, đôi mắt không ngừng nhướn ra phía cửa, biểu cảm thất thần, anh xoa dịu tình hình bằng cách giục chị đi ngủ, để anh đợi con thay chị.

Buông tay để con trưởng thành

Chị chẳng những không nghe, còn chì chiết anh một tràng. Anh chỉ biết thở dài, lắc đầu ngán ngẩm rồi lầm lũi đi về phòng ngủ một mình. 

Không phải gia đình vừa gặp biến cố gì, chị cũng chẳng hề trải qua cú sốc tâm lý nào gần đây, nhưng chờ đợi trong thấp thỏm âu lo là việc chị đã làm hàng chục năm nay, kể từ ngày Long - cậu con trai của anh chị lần đầu bước chân ra khỏi nhà để đi học. 

Hồi cấp 1, cậu bị bạn bè trêu là “Long Bim Bim” chỉ vì ngày nào chúng cũng chứng kiến cảnh Long chạy ra cổng trường để đón lấy gói bim bim mẹ đưa. Biết đây là món yêu thích của con, nhưng không muốn để con tự mua quà vặt ngoài cổng trường, sợ không đảm bảo, thế là ngày nào chị cũng canh đúng 2 giờ chiều để tạt qua trường đưa gói quà chiều cho con. Long cảm thấy xấu hổ với bạn bè, nhưng nếu không nghe lời mẹ, mẹ sẽ giận. 

Lên cấp 2, thấy Long trắng trẻo, hồng hào hơn cả con gái, bạn bè lại gọi cậu là “Công Tử Bột”. Trong khi bạn bè đều tự đạp xe đến trường, thậm chí rủ nhau đi học theo nhóm, Long vẫn chỉ có một cách quen thuộc đến mức nhàm chán để tới trường: ngồi sau xe của mẹ. 

Rất nhiều lần anh hỏi chị: “Con biết đi xe đạp rồi, tại sao em không để nó tự đi học? Nhà cách trường hơn cây chứ mấy. Em phải để nó tự lập dần đi, có như thế sau này nó mới trở thành người đàn ông rắn rỏi”. Chị gạt phăng: “Không được! Con chưa có kinh nghiệm, bao nhiêu ô tô xe máy ngoài đường, lúc nào cũng nườm nượp, nhỡ có chuyện gì… ôi trời ơi, em không dám tưởng tượng nữa, nhưng nếu chẳng may có chuyện gì, em sẽ không sống nổi”.

Anh gần như phát điên với những lý do chị đưa ra: “Em nhìn vào bạn bè của con mà xem, chẳng lẽ bố mẹ của chúng không xót chúng à? Nhưng tại sao họ vẫn để bọn trẻ tự đi học? Đó là cách để chúng trưởng thành, đó là phương pháp giáo dục, em hiểu không? Em càng giữ chặt con thì càng nguy hiểm, sau này…”.

Không bao giờ anh diễn đạt được hết ý của mình vì chị luôn rời khỏi phòng giữa chừng. Quá nhiều lần như vậy, anh bắt đầu nản và chỉ còn biết… mặc kệ, chị muốn làm gì thì làm. Trong mắt chị, anh cố gắng bao nhiêu cũng vẫn chỉ là “ông bố vô tâm” mà thôi. 

Khi Long lên cấp 3, ý thức về quyền riêng tư và tự do cá nhân bắt đầu mạnh mẽ hơn. Thay vì miễn cưỡng nghe lời mẹ, cậu bắt đầu chống đối. Không muốn ngồi sau xe mẹ để bạn bè trêu chọc, Long mạnh dạn đòi mẹ mua xe đạp điện để cậu tự đi học. Chị rít lên: “Không được! Con có biết rằng…”. Dù mạnh mẽ và quyết liệt đến mấy, Long vẫn phải bó tay trước sự kiên định của mẹ. Ở trong gia đình này, phụ nữ luôn đúng và lúc nào cũng chiến thắng.

Không muốn can thiệp vào chuyện đưa đón con đi học nữa, nhưng anh vẫn đặt ra câu hỏi cho chị: “Ngày xưa con còn nhỏ, em bảo nó chưa đủ cứng cáp để tự đi học, giờ con sắp 18 rồi, vậy mà em vẫn bền bỉ đưa con đi học, em thấy xung quanh có ai như em không? Tại sao em lại bất thường như vậy?”.

Câu hỏi của anh như thể vừa chạm vào nỗi khổ tâm khó nói của chị. Chị nói như sắp khóc: “Anh có biết là, mỗi khi con bước chân ra khỏi cửa, bao nhiêu hình ảnh khủng khiếp cùng lúc ập đến trong đầu em không? Em không thể nào ngăn lại được. Không biết con đi đứng thế nào? Xử lý ra sao nếu gặp phải tình huống bất ngờ. Thôi thôi, em không dám nghĩ nữa, em sẽ lo lắng đến chết mất, thà rằng em đi cùng con còn hơn”.

Chỉ vài ngày sau cuộc tranh cãi ấy, anh nhận được một cuộc gọi từ số lạ: “Anh là bố cháu Long phải không ạ? Mời anh đến bệnh viện có việc gấp, chị và cháu nhà anh đang được chúng tôi cấp cứu tại đây”.

Chị kể lại: “Lúc ấy em đang xi nhan để sang đường, nào ngờ có thằng lái ẩu đi ngược chiều quệt vào, thế là…”. Anh chỉ biết lắc đầu: “Đấy, ngoài đường đầy những tình huống như thế, đến cả em cũng không thể bảo vệ được con”.

May mắn là vụ tai nạn không nghiêm trọng, chị không hề xây xước chút nào, chỉ bị choáng nhẹ, Long ngồi phía sau nên bị nặng hơn, nhưng cũng không ảnh hưởng quá nhiều, sau một tuần nghỉ ngơi đã có thể quay lại trường học. 

Sau cú sốc ấy chị mới chịu hiểu ra vấn đề và để con tự đi học, nhưng tình hình cũng không khá khẩm hơn là bao khi ngày nào anh cũng phải chứng kiến cảnh chị ra ngóng vào trông, cứ vài phút lại thở dài vì chưa thấy con về đúng giờ quy định. 

Giờ đây, Long đã trở thành một chàng trai trưởng thành, có việc làm ổn định, lại còn là trưởng bộ phận của một công ty chuyên sản xuất phụ kiện điện tử. Thế nhưng, hễ vài tiếng đồng hồ, cậu lại phải mở điện thoại để check tin nhắn của... Sếp Mẹ.

Thấy chị đòi cài đặt GPS trên điện thoại để giám sát con trai, anh vô cùng bức xúc: “Này em, em có định cho nó hẹn hò rồi lấy vợ không đấy? Em vừa phải thôi nhé, con trai em bao nhiêu tuổi rồi?”. Chị lại giở giọng nói như sắp khóc: “Anh chẳng hiểu gì cả! Em chỉ là lo lắng cho con thôi, nhỡ đâu…”.

Một lần nữa, anh cố gắng giải thích cho chị hiểu: “Thôi thôi, em đừng nhỡ với nhiếc gì nữa. Em phải để cho con thở với chứ. Buông tay sẽ là cách tốt hơn cho cả em và con”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Hệ thống phòng không Patriot.

Nhận thêm Patriot để chặn Oreshnik?

GD&TĐ - Đức cùng Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine thêm 15 xe tăng Leopard, gửi một hệ thống IRIS-T SLS, một IRIS-T SLM và tăng cường Patriot.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.