Bỗng dưng... mất hứng
Vpop từng xôn xao khi cách đây vài năm, Bùi Anh Tuấn - nam ca sĩ có giọng hát ổn, ngoại hình sáng trên sân khấu và có lượng khán giả ổn định từ khi tham gia cuộc thi Giọng hát Việt nhưng lại có những biểu hiện uể oải trong công việc.
Dấn thân vào showbiz chưa được bao lâu, Bùi Anh Tuấn đã tỏ ra khá lười biếng. Không ít lần người ta phát hiện anh hát nhép trên sân khấu và phê phán, điều đó làm anh chán nản, thay vì tự trách bản thân mình, anh lại có những phát ngôn làm công chúng phiền lòng, kiểu như “Hình như tôi chưa bao giờ có niềm đam mê với âm nhạc thì phải, và có lẽ bây giờ niềm yêu thích đó cũng đang dần mất đi...”.
Sau chuỗi scandal không có điểm dừng, những tưởng Bùi Anh sẽ rút ra nhiều bài học khi phải nhận sự chỉ trích mạnh mẽ của người hâm mộ, nhưng hóa ra không phải, dường như bị ngợp vì nổi tiếng quá bất ngờ và văn hóa ứng xử chưa phù hợp, Bùi Anh Tuấn tiếp tục làm khán giả thất vọng. Việc anh từng bị đình chỉ 6 tháng tại Bài hát yêu thích cũng là một hình phạt cho phong cách làm việc chểnh mảng.
Nói về vấn đề này, anh vẫn rất thản nhiên: "Thực sự là Tuấn thấy mình quá đen. Hôm đấy, Tuấn có diện chiếc quần đen và còn nhớ là chứng minh thư vẫn còn nằm ở túi quần đó. Thế mà sáng hôm sau, trước giờ ra sân bay, Tuấn đã lục tất cả các túi quần rồi mà không thấy, cũng như chẳng thấy chiếc quần kia đâu. Hóa ra là một cậu bạn của Tuấn đã mặc đi và Tuấn không biết làm cách nào khi mà chỉ còn 30 phút nữa là đến giờ bay".
Rất nhiều khán giả, thậm chí fan ruột của anh chàng ca sĩ trẻ này cũng phải “bức xúc” với thái độ dửng dưng trên. Nếu như Bùi Anh Tuấn chỉ coi sự nghiệp âm nhạc của mình là một trò đùa, vui thì chơi, chán thì bỏ, thì có lẽ anh đã không tôn trọng cuộc thi Giọng hát Việt, cái nôi mang anh đến với công chúng, nghiêm trọng hơn, anh đang coi thường sự quan tâm của khán giả.
Hành động nông nổi một thời của Bùi Anh Tuấn cũng chỉ là một trong những ví dụ tiêu biểu, nguyên nhân là bởi thị trường Vpop hiện nay thiếu tính cạnh tranh. Giá như thế hệ ca sĩ trẻ có nhiều cơ hội “đấu đá” nhau trên các bảng xếp hạng chuyên nghiệp thì thị trường âm nhạc nói chung sẽ phát triển mạnh, và quan trọng hơn cả, công chúng cũng không phải ngậm ngùi khi những ngôi sao sớm “tàn” vì quá rảnh rỗi. Vấn đề là, ai sẽ dựng lên sàn đấu cho riêng họ?
Tương lai mờ mịt
Cho đến bây giờ, việc một ca sĩ nào đó tung sản phẩm mới của họ ra thị trường đa số không đáp ứng đúng yêu cầu thực sự của giới giải trí. Không phải cứ tung đĩa ra thị trường rồi “ngóng” doanh thu hay phản hồi của khán giả là cách làm việc chân chính của giới nghệ sĩ.
Ngày nay, khi mà công nghệ đạt đến tầm siêu phẩm thì chẳng khó khăn gì để tạo ra những sản phẩm âm nhạc đánh lừa đôi tai người nghe. Chưa chắc những sản phẩm âm nhạc lung linh được trưng bày ngoài thị trường kia cho thấy khả năng thực sự của các nghệ sĩ nếu như họ không được thẩm định bằng những buổi trình diễn live.
Tại thị trường Kpop, khi các nghệ sĩ tung sản phẩm mới thì cũng là lúc lịch trình làm việc của họ được khởi động. Họ sẽ phải trình diễn live ít nhất 5 buổi/tuần, chưa kể những màn trình diễn trên các sân khấu âm nhạc, các show truyền hình mà họ được mời.
Xuất hiện ở bất cứ chương trình nào, họ cũng chỉ trình diễn sản phẩm mới nhất để thuyết phục khán giả phải nghe và phải... thích sản phẩm đó.
Mỗi đợt quảng bá sản phẩm mới, các nghệ sĩ Kpop luôn làm việc hết sức và thậm chí họ không có thời gian để ngủ. Sức ép từ những sàn đấu âm nhạc, nơi các nghệ sĩ cạnh tranh ngôi vị cao – thấp khiến họ phải căng hết sức để làm việc, cống hiến hết mình để mang đến những sản phẩm âm nhạc thực sự chất lượng, chứ không hề có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng”.
Nếu như các sàn đấu âm nhạc là điều gần như bắt buộc đối với các nghệ sĩ Kpop nói riêng hay những nghệ sĩ châu Á nói chung thì ở Việt Nam, những sàn đấu này được dựng lên chỉ để... cho có hoặc để câu view.
Đã gọi là sàn đấu thì đáng lẽ các nghệ sĩ phải trình diễn khả năng hát live của họ và tranh giành quyết liệt ngôi vị cao – thấp, đằng này, hầu hết các sàn đấu âm nhạc của ta chỉ chăm chăm phát những MV lung linh – thực chất là sản phẩm của công nghệ, nên khán giả không bao giờ có cơ hội được nghe người nghệ sĩ hát bằng giọng thật.
Vì vậy, việc bình chọn qua tin nhắn hay bình chọn online chỉ là một hình thức PR cho một mục đích nào đó chứ không mang tính chất đánh giá sản phẩm âm nhạc hay đánh giá tài năng của người nghệ sỹ. Nói cách khác, đó là một hình thức chạy đua công nghệ, xem sản phẩm nào bắt mắt hơn mà thôi.
Cũng vì không bị ép vào những chương trình quảng bá hay những sàn đấu âm nhạc hàng tuần nên ca sĩ của ta lười vận động, kém hoạt bát và thiếu chuyên nghiệp.
Đối với các ca sĩ lâu năm và đã trưởng thành trên con đường âm nhạc, họ đủ bản lĩnh để tự mình phát triển sự nghiệp riêng cho dù không cần gò mình vào những sàn đấu nảy lửa. Nói cách khác, họ có thể tự tạo ra sức ép cho bản thân mình bằng cách làm việc chăm chỉ.
Tuy nhiên, đối với những ca sĩ trẻ mới vào nghề, việc tự gò mình dường như là điều không thể. Họ sẽ chìm đắm trong sự nổi tiếng nhất thời, ảo tưởng về tài năng của chính mình để rồi tự buông thả bản thân, trở nên lười biếng và nghiêm trọng hơn là đánh mất niềm đam mê.
Nhìn vào thực tế, Vpop thực sự thiếu những sàn đấu, nơi sản phẩm mới của các ca sĩ trẻ cạnh tranh ngôi quán quân hàng tuần, lại càng không có những buổi trình diễn trực tiếp, nơi mà các nghệ sĩ thể hiện khả năng hát sống (live) của họ thì có lẽ không “phũ” khi nói rằng nhạc Việt sẽ không có cơ phát triển trong tương lai.