Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, tại Điều 6, 7 Chương III có quy định số lượng phó hiệu trưởng theo số lớp của mỗi trường tiểu học và trung học cơ sở.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tồn tại mô hình trường liên cấp, các trường có từ 27 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng. Do vậy, việc bố trí 1 phó hiệu trưởng đối với trường liên cấp (các trường liên cấp của huyện đều có 2 cơ sở) là chưa hợp lý, đề nghị Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này.
Trả lời nội dung trên, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Việc sửa đổi để bảo đảm phù hợp với việc triển khai đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được bố trí không quá 2 cấp phó. Do đó, khi triển khai sửa đổi Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để quy định về số lượng cấp phó phù hợp, có tính toán đến mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học.