Quy định số cấp phó phù hợp, có tính đến mô hình trường phổ thông nhiều cấp học

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị:

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các trường tiểu học và THCS sau khi sáp nhập ở tỉnh Quảng Trị phần lớn có 3 điểm trường trở lên. Tuy nhiên, theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, chỉ bố trí 1 giáo viên Tổng phụ trách Đội nên duy trì các hoạt động tại 3 điểm trường rất khó khăn. Ngoài ra, việc sáp nhập các trường học quy mô dưới 28 lớp cũng chỉ bố trí 1 hiệu trưởng, nên việc quản lý, chỉ đạo chuyên môn ở hai cấp học gặp khó. Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, có quy định bổ sung thêm một chức danh phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn đối với loại hình trường sáp nhập 2 cấp học tiểu học và THCS có quy mô từ 10 lớp trở lên; bổ sung thêm 1 biên chế Tổng phụ trách Đội cho các điểm trường. Đồng thời, có chế độ thâm niên nghề đối với nhân viên trường học.

Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (Thông tư 16) để bảo đảm phù hợp với việc triển khai đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được bố trí không quá 2 cấp phó. Do đó, khi triển khai sửa đổi Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để quy định về số lượng cấp phó phù hợp, có tính toán đến mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học.

Căn cứ Thông tư 16, ngoài định mức giáo viên theo quy định, các cơ sở giáo dục tiểu học, THCS được bố trí 1 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Định mức tiết dạy của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được quy định tối đa không quá 1/3 định mức tiết dạy của giáo viên theo cấp học là để đảm bảo giáo viên làm Tổng phụ trách Đội có đủ thời gian thực hiện các nhiệm vụ (đối với trường có một cấp học hoặc nhiều cấp học).

Về chế độ thâm niên nhà giáo, theo quy định của Chính phủ hiện nay, chỉ áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập. Do đó, các nhân viên trường học không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Bên cạnh đó, ngày 6/9/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó chỉ đạo “từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”. Vì vậy, Bộ GD&ĐT không có cơ sở để đề xuất phụ cấp thâm niên nghề cho nhân viên trường học như cử tri đề nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.