Cụ thể sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 6 quy định định mức tối đa bố trí giáo viên trên một lớp đối với trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học từ 1,5 giáo viên trên một lớp lên 1,7 giáo viên trên một lớp, vì tỷ lệ 1,5 giáo viên trên một lớp hiện nay so với yêu cầu đào tạo là không phù hợp, khiến cho các trường bố trí không đủ giáo viên đặc biệt là đối với giáo viên tiếng Anh và tin học.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định đối với trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,5 giáo viên trên một lớp.
Đây là định mức giáo viên trên một lớp được xác định trên cơ sở nghiên cứu, tính toán thực tiễn khối lượng công việc của giáo viên các cấp (trong đó có cấp tiểu học) theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông và chế độ làm việc của người lao động (40 giờ/tuần), bảo đảm đủ số lượng giáo viên để thực hiện dạy học các môn học theo chương trình giáo dục cấp tiểu học đang thực hiện (bao gồm cả các môn học tự chọn). Bên cạnh đó, việc ban hành định mức giáo viên trên một lớp như trên cũng bảo đảm thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh giản, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả biên chế.
Bộ GD&ĐT đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc rà soát, sắp xếp, bố trí cơ cấu giáo viên phù hợp theo định mức quy định để các trường tiểu học, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục được giao.