Phù hợp thực tế
Thông tư 23/2024 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 31/1/2025 quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học nêu rõ, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và giáo dục cao không quá 5 tầng; bảo đảm điều kiện cho học sinh khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Nhìn nhận điều này, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, Thông tư 23/2024 của Bộ GD&ĐT có nhiều điểm mới so với quy định cũ giúp gỡ “nút thắt” về áp lực trường lớp, đặc biệt ở đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Đây là mong muốn của đa số trường học nội đô, khi được nâng tầng sẽ tăng số lớp, qua đó, giải quyết chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn.
Hiện nhiều địa phương tập trung đầu tư, xây dựng thêm nhiều trường học mới nhưng chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân vì tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh. Quy mô về số tầng, lớp được tăng lên cũng tạo thuận lợi để mỗi nhà trường có chiến lược phát triển của riêng mình. Bởi, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục các trường.
“Với quy mô cao 3 tầng gồm 36 lớp và 1.600 học sinh, nhà trường có nhiều lợi thế để tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhìn chung, quy định mới của Bộ GD&ĐT như cứu cánh giúp các trường học không đủ diện tích đất có cơ hội mở rộng quy mô nhà trường”, thầy Nguyễn Cao Cường nói thêm.
Tổng diện tích hơn 1 hecta với 2.079 học sinh ở 46 lớp, thầy Đoàn Minh Châu - Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, nhiều trường ở Hà Nội đã có gần 50 lớp. Khi Thông tư 23/2024 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực sẽ giúp các trường có thêm cơ sở để đủ điều kiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, nhất là những nơi thiếu quỹ đất để mở rộng trường.
Cũng theo thầy Châu, nhà trường vẫn học hai ca sáng - chiều, mỗi ca gồm 23 lớp. Nếu được xây dựng cao lên 5 tầng và tối đa 50 lớp sẽ mang lại nhiều thuận lợi trong công tác giảng dạy, học tập của thầy trò. Đồng thời, lãnh đạo nhà trường cần tăng cường vai trò quản lý sát sao, hiệu quả. Mở rộng thêm cơ sở vật chất là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh mỗi trường.
Lưu ý yếu tố kỹ thuật
Không thể phủ nhận những điểm mới tích cực trong Thông tư 23/2024 của Bộ GD&ĐT. Lâu nay, nhiều cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông đều vướng quy định về diện tích m2/học sinh để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, điều tối quan trọng khi áp dụng bất cứ quy định nào vào thực tế là yếu tố an toàn kỹ thuật. An toàn là phương châm đầu tiên của bất cứ ngôi trường nào.
“Mong muốn mở rộng quy mô trường lớp của các nhà trường rất chính đáng. Nhưng với những trường nội đô diện tích vài nghìn m2 được xây dựng theo tiêu chuẩn cũ cách đây 20 - 30 năm, tiêu chuẩn kỹ thuật chịu lực của công trình chỉ 3 tầng. Nếu muốn nâng tầng thì liệu có phải đập đi xây mới, hay cần có phương án nào đó để gia cố móng, tăng cường kết cấu chịu lực cho công trình thì phải tính toán thật kỹ lưỡng”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Chung nhận định trên, cô Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, cùng với việc cho phép xây dựng trường học cao tối đa 5 tầng cần đảm bảo an toàn cho học sinh. Khi thiết kế, phải tính toán phương án tối ưu bao gồm xây dựng lan can chắc chắn, đủ chiều cao và sử dụng vật liệu không gây nguy hiểm. Hệ thống thang bộ đủ rộng rãi, thông thoáng và đáp ứng tiêu chuẩn thoát hiểm.
“Thông tư 23/2024 do Bộ GD&ĐT ban hành hy vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong việc đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất các trường học trên toàn quốc. Tuy nhiên, để thực hiện tốt Thông tư cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cơ sở giáo dục và tổ chức xã hội”, cô Kim Dung cho hay.
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23/2024 hoàn toàn hợp lý trong thời điểm này và thể hiện bước tiến lớn. Trong nội thành, diện tích đất hạn hẹp, việc xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn cũ thường không đủ phòng học cho học sinh. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các trường học khi triển khai hoạt động giáo dục.
Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng nhìn nhận, quy định mới điều chỉnh linh hoạt theo hướng cho phép trường học ghép các phòng bộ môn (Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Hoá học...) thay vì quy định tối thiểu mỗi bộ môn phải có tối thiểu một phòng như hiện nay. Điều này đặc biệt phù hợp với thực tế bởi không phải trường nào ở nội thành Hà Nội cũng đáp ứng được yêu cầu về phòng học bộ môn theo quy định hiện tại.
Căn cứ điều kiện thực tế, các trường có thể nghiên cứu phương án để ghép một số phòng học theo nguyên tắc bảo đảm đủ chức năng của phòng học bộ môn, có chức năng tương đồng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học; bảo đảm việc bố trí thời gian, không gian để thực hiện dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục theo từng chức năng, kế hoạch và định mức giờ dạy trên quy mô học sinh đối với các môn học.
“Trước đây, có trường THPT chỉ xây 30 phòng học với 3 - 4 tầng; theo quy định mới có thể xây lên 5 tầng, đáp ứng đến 45 - 50 phòng học. Việc cho phép các trường phổ thông xây 5 tầng, đồng thời được tăng thêm 5 lớp so với hiện tại là giải pháp hợp lý, khả thi để giải quyết vấn đề thiếu quỹ đất ở các thành phố lớn”, cô Nguyễn Thị Vân Hồng nói.