Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT (Thông tư 13).
Eo hẹp quỹ đất
Áp lực thiếu trường lớp hiện là thách thức TPHCM phải đối mặt, trong bối cảnh mỗi năm tăng trung bình từ 20 - 40 nghìn học sinh. Tuy nhiên, vấn đề đất đai của địa phương này rất khó khăn. Một trong những “điểm nghẽn” là Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học, với quy định trường tiểu học không quá 2 tầng, trường trung học không quá 3 tầng, điều này khiến TPHCM không thể “xoay xở” được đất xây trường.
Từ thực tế đó, sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT điều chỉnh Thông tư 13, cho phép TPHCM được tính trên diện tích sàn xây dựng/học sinh trong khu vực đô thị không có quỹ đất chứ không phải tính diện tích đất/học sinh như hiện nay.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, định mức đất sử dụng trong trường học đối với mầm non là 8 m2/học sinh (nội thành) và 12 m2/học sinh (ngoại thành); đối với các cấp học còn lại là 6 m2/học sinh (nội thành) và 10 m2/học sinh (ngoại thành).
Còn theo thống kê của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, với quỹ đất dành cho giáo dục khoảng 2,1 triệu m2 thì bình quân toàn thành phố đạt 7,7 m2/học sinh. Thế nhưng, ở một số quận trung tâm con số này thấp hơn nhiều. Như tại quận Hải Châu, diện tích bình quân chỉ đạt 3,8 - 4,8 m2/học sinh đối với các cấp học; quận Thanh Khê, cấp tiểu học và THCS diện tích bình quân đạt 4,2 - 4,6 m2/học sinh.
Liên Chiểu là quận có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp nhất Đà Nẵng, chỉ đạt 74%. Trung bình mỗi năm, quận này tăng khoảng 2,5 nghìn học sinh đầu cấp tiểu học và THCS. Tuy nhiên, việc đầu tư cải tạo mở rộng trường học gặp nhiều khó khăn do không bảo đảm mật độ xây dựng theo quy định. Một số hạng mục công trình không còn phù hợp nhưng không bảo đảm điều kiện phá dỡ để đầu tư nâng tầng tăng số lượng phòng học; công trình trường tiểu học thì quy định không quá 3 tầng…
Bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 (TPHCM) chia sẻ, việc phát triển trường lớp ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do sau dịch bệnh Covid-19 thiếu nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Thông tư 13 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp là cơ sở để tính phương án quy mô đầu tư xây dựng trường mới. Với định mức tiêu chuẩn khá cao, trong khi hầu hết cơ sở vật chất trường ngoài công lập đều thuê, mướn nên khó đảm bảo diện tích và cơ sở vật chất theo quy định.
Cô trò Trường Tiểu học Him Lam, TP Điện Biên Phủ. Ảnh: Hà Thuận |
Gỡ vướng xây dựng trường chuẩn
ThS Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM thì không tính diện tích mặt bằng mà tính diện tích xây dựng. Bởi nếu tính diện tích xây dựng, thì các quận đông dân như: 1, 5, 10 mới có thể xây cao lên, còn nếu tính diện tích mặt bằng thì khó đạt chuẩn.
“Thực tiễn đã chứng minh, việc nâng số tầng của trường học là đúng đắn, hướng đi để giải quyết bài toán thiếu phòng học ở các thành phố lớn. Trong khi, các trường học không cho xây cao lên thì đồng nghĩa sĩ số lớp sẽ đông đúc. Ở các nước trên thế giới, hầu hết cho phép xây trường học cao tầng, trung bình từ 7 - 8 tầng. Vấn đề do mình thiết kế như thế nào chứ không phải diện tích quyết định việc giáo dục học sinh”, ThS Lê Ngọc Điệp cho hay.
Một số trường THCS ở Đà Nẵng có diện tích mặt bằng quá nhỏ, không còn chỗ cho học sinh vui chơi, luyện tập, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể toàn trường. Nhiều trường học, nhất là trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) không thể đạt chuẩn quốc gia vì diện tích không đáp ứng. Một số trường THCS, THPT thì rơi vào cảnh sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường vượt quá quy định.
Các quận Thanh Khê, Hải Châu (TP Đà Nẵng) dù nhu cầu trường lớp về lâu dài cần nhiều nhưng hiện nay hết quỹ đất. Vì vậy, số trường học tuy không tăng nhưng quy mô lớp/trường tăng. Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, với trường học ở các khu đô thị có mật độ dân cư cao, chỉ có thể giãn số học sinh/lớp bằng cách thực hiện tầng hóa, cho phép xây dựng 4 - 5 tầng.
Còn theo chia sẻ của một hiệu trưởng tại TPHCM, thực tế đang tồn tại là các trường ở những đô thị lớn có số học sinh ngày một tăng nhưng không gian, quỹ đất dành cho giáo dục ngày càng “eo hẹp”. Do đó để nâng cao chất lượng giáo dục thì yêu cầu giảm tải, tăng số lượng phòng học, tăng diện tích sử dụng cho hoạt động giáo dục là tất yếu.
Tuy nhiên, quy định số tầng, chiều cao của trường học trở thành rào cản. Cần phải thay đổi chính sách về việc xây dựng các nhà trường hiện nay, đặc biệt là việc nâng tầng để đáp ứng tốt hơn hoạt động dạy học đòi hỏi ngày càng cao. “Bộ GD&ĐT cần có tiêu chí riêng đối với khu vực đông dân như TPHCM hay Hà Nội, chứ nếu áp dụng chung cho các tỉnh, thành thì không phù hợp”, vị hiệu trưởng này cho hay.
Dù không trong cảnh “đất chật người đông” nhưng đất cho trường học cũng là bài toán khó với nhiều trường học của Lai Châu. Chia sẻ của cô Pờ Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thành phố Lai Châu (Lai Châu): “Giảm bình quân tối thiểu diện tích khu đất xây dựng trường so với số lượng học sinh từ 8m2 xuống 6m2 là phù hợp với nhà trường vì diện tích xây dựng tương đối hẹp, số lượng học sinh đông. Nhà trường hiện không bố trí được sân tập cho học sinh”.
Nêu quan điểm về việc giảm diện tích bình quân tối thiểu của trường học/học sinh, bà Tạ Đặng Phượng - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lai Châu thông tin: “Tình trạng diện tích bình quân tối thiểu thấp hơn so với quy định hiện hành trên địa bàn ít, chủ yếu tập trung ở những phường có đông dân cư, diện tích xây dựng trường hẹp. Việc giảm diện tích bình quân theo dự thảo là phù hợp với xu thế phát triển chung của các đô thị”.
Theo dự thảo, với trường mầm non ở các đô thị loại III trở lên (theo công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền), bình quân tối thiểu 8m2 cho một trẻ em. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường tiểu học, dự thảo Thông tư quy định: Đối với các đô thị loại III trở lên, bình quân tối thiểu 6 m2/học sinh. Đối với trường có tổ chức nội trú hoặc ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, diện tích khu đất cho các hạng mục công trình phục vụ nội trú; ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú bảo đảm 6m2/em.