Áp lực cuộc đua vào lớp 6 trường chất lượng cao

GD&TĐ - Tâm lý, quan điểm của phụ huynh là cứ học trường tốt, trẻ sẽ tốt đã dẫn đến tình trạng đổ xô vào một số trường điểm, chất lượng cao...

Thí sinh dự thi vào Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Ảnh: Vân Anh
Thí sinh dự thi vào Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Số học sinh lớp 6 tăng mạnh cùng việc dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khiến cuộc chạy đua vào các trường THCS chất lượng cao trên địa bàn TP Hà Nội trở nên căng thẳng và nóng hơn.

Áp lực không nhỏ

Ngày 2/6, hơn 5.500 thí sinh đã tham dự kỳ thi đánh giá năng lực lớp 6 Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm nay, trường tuyển 270 học sinh. Như vậy, tỷ lệ chọi vào trường là 1/20.

Ngoài Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 6 trường tổ chức các kỳ thi, kiểm tra để tuyển sinh lớp 6 gồm: THCS Ngoại ngữ (thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm), THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), THCS Lê Lợi (quận Hà Đông) và THCS Chu Văn An (quận Long Biên).

Để đủ điều kiện nộp hồ sơ, học sinh phải đạt từ 8 điểm trở lên các bài kiểm tra cuối năm môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh trong 5 năm tiểu học. Cùng đó, để thi vào lớp 6 trường THCS chất lượng cao, nhiều phụ huynh không tiếc tiền bạc, công sức để tìm thầy, trung tâm nổi tiếng cho con ôn luyện.

Trở về từ kỳ thi của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Phương Lan - học sinh Trường Tiểu học Mai Dịch, quận Cầu Giấy tiếp tục vùi đầu vào sách vở bởi em còn 3 đợt thi nữa trong vài tuần tới là Trường THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân và THCS Ngoại ngữ. Mỗi trường có cách ra đề khác nhau nên ôn tập phải có chiến thuật.

Đặt mục tiêu tham dự các kỳ thi vào lớp 6 trường chất lượng cao từ năm lớp 2, theo chị Nguyễn Thu Hằng - mẹ của Lan cho biết: Ngoài học trên lớp, gia đình còn nhờ thêm thầy cô giỏi, có tiếng kèm 1-1 để con có đủ kiến thức dự thi.

“Năm nay, Trường Ams không tuyển sinh lớp 6 nên dự kiến điểm chuẩn các trường còn lại sẽ tăng cao. Dù còn nhiều sự lựa chọn khác nhưng gia đình vẫn động viên con cố gắng hết sức để đỗ vào Trường THCS Thanh Xuân”, chị Hằng nói.

Tương tự, chị Trần Bích Ngọc - phụ huynh có con thi lớp 6 Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ: Ngoài thi Trường Nguyễn Tất Thành, con còn thi Trường THCS Cầu Giấy.

“Tỷ lệ chọi khá cao, cạnh tranh với nhiều học sinh giỏi nên con phải học nhiều kiến thức. Tuy nhiên, bố mẹ luôn động viên không nên quá lo lắng bởi không đỗ vẫn có thể học trường công lập theo đúng tuyến tuyển sinh. Do đó, con chỉ cần ôn tập tốt, thi hết mình, kết quả thế nào không quá quan trọng”, chị Ngọc nói.

Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Nên chọn trường gần nhà

TS Phạm Sỹ Cường - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cho biết, năm nay, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam không tuyển sinh lớp 6 nên nhiều phụ huynh rẽ sang Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. Điều này tạo áp lực cho nhà trường và phụ huynh học sinh.

Thầy Cường khẳng định, bằng kỳ thi đánh giá năng lực, nhà trường đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai để tuyển được những học sinh phù hợp. Tuy nhiên, vị hiệu trưởng cũng khuyến cáo, khi lựa chọn trường để theo học, phụ huynh nên lựa chọn trường gần nhà, vì quãng đường đi học xa sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho biết, trường chất lượng cao sẽ quy tụ những học sinh giỏi, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, có đội ngũ giáo viên chất lượng. Vì vậy, việc cha mẹ học sinh mong muốn con được vào học môi trường tốt như vậy là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, vào trường chất lượng cao không phải là lựa chọn duy nhất. Thực tế nhiều em học lớp 6 trường THCS đại trà vẫn học giỏi. Điều này cho thấy, quan trọng nhất vẫn là ý thức học tập của các em cộng với môi trường đào tạo, sự quan tâm sát sao của thầy cô và cha mẹ.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng thực tế chất lượng đào tạo giữa các trường THCS trên địa bàn Hà Nội không quá cách xa về chất lượng. Nhưng tâm lý, quan điểm của phụ huynh là cứ học trường tốt, trẻ sẽ tốt đã dẫn đến tình trạng đổ xô vào một số trường điểm, chất lượng cao.

“Nhiều phụ huynh không biết rõ trường nào có chất lượng tốt. Họ chỉ nghe thông tin từ bạn bè, phụ huynh khác, thấy trường nào đông học sinh đăng ký thì cũng cố cho con dự thi. Điều này dẫn đến tình trạng trong khi một số trường không phải thi, đúng tuyến vẫn không đủ chỉ tiêu, thì một số trường khác dù cách xa cả chục cây số lại nhận được nhiều hồ sơ dự thi”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu thực trạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.