Trường nội trú hối hả tu sửa đón năm học mới

GD&TĐ - Dù mới đầu tháng 7, nhưng nhiều trường dân tộc nội trú đã sớm bắt tay tu sửa trường lớp để đón học trò vào năm học mới...

Một tiết học của cô trò Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: NTCC
Một tiết học của cô trò Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: NTCC

Tận dụng thời gian gia cố trường lớp

Ngay khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Ban giám hiệu Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) cùng giáo viên, cô nuôi… đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất, phòng học, ký túc xá, sách giáo khoa, thiết bị dạy học...

Cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn), chia sẻ: “Hiện nay, nhà trường tập trung tối đa nguồn lực để kiểm tra, sửa sang trường lớp… chuẩn bị đón năm học mới. Với đặc thù trường nội trú, học sinh học tập, sinh sống hàng ngày tại trường, do đó chỉ có thể tận dụng dịp hè để chỉnh trang tổng thể. Khi học sinh, thầy cô quay trở lại, trường lớp đã sẵn sàng khang trang phục vụ học tập, giảng dạy”.

Tương tự, tại Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT Bắc Yên (Sơn La), Ban cơ sở vật chất nhà trường cũng tiến hành kiểm tra, sửa chữa trường lớp từ nay đến cuối tháng 8, trong đó chú trọng hệ thống điện, nước, quạt, nhà vệ sinh... nhằm tạo môi trường sống tiện lợi nhất.

Thầy Bạc Văn Ân, Phó Hiệu trưởng, chia sẻ: “Chúng tôi yêu cầu nhân viên thư viện rà soát lại toàn bộ sách giáo khoa của hai cấp học để bọc, dán lại; nếu bộ sách nào rách hay bị thiếu, nhân viên thư viên lập tức báo cáo số liệu để nhà trường kịp bổ sung. Đối với sách giáo khoa lớp 8 và 11 Chương trình GDPT 2018, nhà trường đang mua sắm”.

Năm học 2023 - 2024, theo đề án tuyển sinh của UBND tỉnh Trà Vinh, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Trà Vinh (Trà Vinh) tuyển sinh 140 chỉ tiêu với 4 lớp. Có quy mô không lớn, nhưng với phương châm để giáo dục toàn diện thì cần hoàn thiện tối đa cơ sở vật chất, tăng cường các điều kiện sinh hoạt, học tập tốt nhất cho học trò nên nhà trường sớm bắt tay vào tu sửa, mua sách giáo khoa… sẵn sàng cho năm học mới.

Thầy Kim Chan Ta Na, Hiệu trưởng, cho hay: “Trường có 52 phòng ký túc xá, cơ bản đáp ứng đủ chỗ cho học sinh nội trú. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải là chưa có phòng đa năng phục vụ tiết học ngoài trời và cho học sinh tập luyện sau giờ học”.

Theo thầy Kim Chan Ta Na, phòng đa năng không thể thiếu đối với học sinh nói chung và đặc biệt học sinh nội trú. Học sinh sinh hoạt hoàn toàn tại trường, ngoài giờ học, có phòng đa năng sẽ giúp học sinh thêm không gian sinh hoạt câu lạc bộ, vui chơi, tham gia các hoạt động thể thao… Các hoạt động ngoại khóa mang lại cho học sinh nhiều ích lợi về sức khỏe, giúp các em năng động hơn cả thể chất lẫn tinh thần.

“Với mong muốn hoàn thiện môi trường học tập tốt nhất cho học trò, nên trong các cuộc họp, chúng tôi đề xuất Sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh xin kinh phí xây dựng nhà đa năng cho học sinh”, thầy Kim Chan Ta Na cho biết.

Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn luôn ưu tiên bố trí sân chơi cho học sinh để các em có không gian giải trí sau mỗi giờ học. Ảnh NTCC

Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn luôn ưu tiên bố trí sân chơi cho học sinh để các em có không gian giải trí sau mỗi giờ học. Ảnh NTCC

Tạo tâm thế cho trò

Cùng với chú trọng công tác sửa sang trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, các trường DTNT còn xây dựng kế hoạch cho học sinh lớp 10 đăng ký tổ hợp theo Chương trình GDPT 2018. Thầy Kim Chan Ta Na chia sẻ: “Sau khi học sinh có kết quả tuyển sinh, chúng tôi sẽ xây dựng phương án cho các em đăng ký môn tổ hợp. Cùng đó, nhà trường ưu tiên dành tuần đầu tiên sau khi học sinh nhập học để hướng dẫn cách sống tự lập, sắp xếp phòng nội trú, làm quen với nội quy, quy định”.

Năm nay, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn tuyển sinh 210 chỉ tiêu, theo kế hoạch sau khi Sở GD&ĐT công bố danh sách trúng tuyển, nhà trường sẽ liên lạc với phụ huynh, học sinh để xác nhận thông tin nhập học.

Cô Vương Xuân Thuận cho biết: “Vì học sinh chủ yếu ở huyện miền núi, nhiều xã sóng điện thoại không ổn định nên việc liên lạc phụ huynh khá khó khăn. Nhiều gia đình, thầy cô phải liên lạc 4 - 5 lần mới gặp. Vì vậy, trường phải sớm liên hệ với phụ hunh để thông báo kế hoạch nhập học, tư vấn các tổ hợp môn học, giúp học sinh, phụ huynh nghiên cứu và căn cứ vào năng lực của các em có định hướng phù hợp.

Đặc biệt, giáo viên còn hướng dẫn phụ huynh dạy con các kỹ năng làm quen trường học nội trú. Tuần đầu nhập học, nhà trường sẽ phối hợp với trung tâm y tế kiểm tra sức khỏe; tổ chức tuần giáo dục kỹ năng sống; rà soát, bổ sung để đảm bảo 100% học sinh có bảo hiểm y tế”.

Cô Thuận cho biết thêm, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên bộ môn, chủ nhiệm sát sao với học sinh mới vào trường. Chỉ đạo đoàn thanh niên, các câu lạc bộ nhà trường triển khai một số hoạt động tạo không khí gần gũi, yêu cầu học sinh khóa trên đồng hành hỗ trợ học trò khóa mới. Tập huấn đoàn thanh niên, cán bộ lớp, đội thanh niên xung kích về kỹ năng hướng dẫn, hỗ trợ học sinh đầu cấp làm quen trường học mới; tôn vinh thủ khoa của các huyện… tạo hứng thú cho học trò trong học tập.

“Học sinh trường DTNT chủ yếu học tập, sinh hoạt tại trường, do đó môi trường, cảnh quan, điều kiện học tập rất quan trọng. Với yêu cầu đó, chúng tôi luôn bố trí xây dựng khu vườn trường xanh, đẹp; có bàn ghế đầy đủ để các em ngồi đọc sách, trò chuyện… Cảm nhận được môi trường học tập thân thiện, tiện nghi sẽ giúp học trò yên tâm học tập, coi trường học như gia đình, thêm hứng thú và nỗ lực học tốt…”, cô Vương Xuân Thuận – Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ