Tận dụng tối đa
Năm học 2022 - 2023, Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) có 70 học sinh lớp 10 và 35 học sinh lớp 6. Nhà trường đang sắp xếp, tân trang lại cơ sở vật chất để chuẩn bị đón học sinh quay trở lại trường sau kỳ nghỉ hè.
Khác với trường THPT bình thường, các trường PTDTNT THCS & THPT có nhiều lợi thế hơn trong việc triển khai môn học mới Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, nhiều trường đã tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của hai cấp học để giảng dạy.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Đức Mích – Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên, để thuận lợi trong việc bố trí cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, ngay sau khi có danh sách học sinh đăng ký lựa chọn tổ hợp, nhà trường tiến hành mua sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Dự kiến 25/8 nhà trường có đầy đủ trang thiết bị, sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh vào năm học mới.
Là trường nội trú có hai cấp học, Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên đã tận dụng được cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên âm nhạc, mỹ thuật để phục vụ giảng dạy trong môn Nghệ thuật ở bậc THPT.
Thầy Mích cho biết: Trong các phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật thì cơ sở vật chất, giáo viên của nhà trường cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Đặc biệt đối với phân môn Âm nhạc, trường có phòng âm nhạc, đàn, dụng cụ để phục vụ giảng dạy. Giáo viên lựa chọn giảng dạy đều trình độ đại học.
Bên cạnh đó, đối với chương trình mới, Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên cũng tuyển chọn đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, thành thạo công nghệ thông tin đi tập huấn. Triển khai dạy thử nhằm nắm được những yêu cầu chương trình đặt ra.
Riêng môn Lịch sử, theo thầy Mích, chuyển từ môn tự chọn sang môn bắt buộc, Ban Giám hiệu cùng với Hội đồng Sư phạm nhà trường tính toán, thảo luận, nghiên cứu để xây dựng bài giảng, thời khóa biểu sao cho khoa học, đảm bảo chương trình đạt hiệu quả.
Học sinh Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên tăng gia sản xuất sau mỗi ngày học. Ảnh: NVCC |
Dạy thử để học sinh chọn lại tổ hợp
Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G'Long (tỉnh Đắk Nông) thành lập từ nhiều năm do đó cơ sở vật chất cơ bản được trang bị khá đầy đủ. Theo chia sẻ của thầy Phan Văn Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, để triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS và THPT ngay sau khi kết thúc năm học, trường có kế hoạch mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học, hiện chờ nhà cung ứng chuyển về để lắp đặt.
Đánh giá nội dung Chương trình GDPT 2018, thầy Thanh cho rằng: Điểm nổi bật là học sinh có năng khiếu về nghệ thuật được theo đuổi đam mê xuyên suốt ba cấp. Trong những năm THPT, sau khi có định hướng ngành nghề, các em được hỗ trợ từ thầy cô có chuyên môn để trau dồi, nâng cao kiến thức, tự tin theo đuổi đam mê của mình.
Đối với Chương trình GDPT 2018, ngoài chú trọng vào bài giảng, sách giáo khoa, cách lựa chọn tổ hợp cho học sinh thì Trường PTDTNT THCS &THPT Đăk G'Long cũng chú ý đến phân môn Âm nhạc. Được biết, số học sinh đăng ký học môn Nghệ thuật không nhiều, nhưng nhà trường vẫn mở lớp bởi giáo viên, cơ sở vật chất của trường đáp ứng được yêu cầu của chương trình.
“Bên cạnh đó, nhà trường sẽ xây dựng chương trình để học sinh có cơ hội biểu diễn, cọ xát với sân khấu, từ đó nâng cao kỹ năng cho bản thân, có định hướng rõ ràng trong chọn ngành, nghề”, thầy Thanh nhấn mạnh.
Chương trình GDPT 2018 mang tính định hướng nghề nghiệp trong tương lai, do đó ngay từ khi vào lớp 10, học sinh cần cân nhắc, nhìn nhận đúng năng lực của bản thân. Đồng thời, tham khảo thông tin các ngành nghề, nhu cầu việc làm trong những năm tới được dự báo ra sao để có lựa chọn phù hợp.
Đồng hành cùng trò, Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G'Long dự kiến sau khi học sinh đến nhập học, ổn định chỗ ở tại ký túc xá sẽ tổ chức giới thiệu các tổ hợp, dạy thử Chương trình GDPT 2018 bậc THPT. “Từ buổi học đó, chúng tôi hy vọng các em hiểu rõ nội dung từng môn học, biết được lợi thế, sở trường, sở đoản của mình và có thể lựa chọn lại tổ hợp trước khi bước vào năm học mới”, thầy Thanh thông tin.
Tỉnh có 10 trường PTDTNT THCS & THPT, những trường có hai cấp học chung rất lợi thế cho việc tận dụng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để giảng dạy. Đặc biệt có thể sử dụng phòng bộ môn, phòng âm nhạc, phòng tin học chung. Với môn Nghệ thuật ở bậc THPT, các trường sử dụng thiết bị đã có sẵn của bậc THCS. Nếu trong quá trình giảng dạy, nhà trường thấy thiếu có thể làm đề xuất để mua sắm bổ sung. Đối với đội ngũ giáo viên dạy bậc THPT, chúng tôi yêu cầu trình độ đại học, kinh nghiệm lâu năm, thông thạo công nghệ thông tin để phục vụ giảng dạy tốt nhất. - Bà Hà Thị Khánh Vân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn)