Khởi sắc tuyển sinh trường nghề

GD&TĐ - Mới chỉ giữa tháng 9, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề tại Nghệ An đang “về đích” tuyển sinh năm 2023, thậm chí có nơi đã hết chỉ tiêu.

Sinh viên thực hành nghề điện tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
Sinh viên thực hành nghề điện tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

Nguyên nhân có thể kể đến nhờ đổi mới phương thức tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo, mở mã ngành có nhu cầu lao động lớn…

Phát huy năng lực

Khi còn là học sinh Trường THPT Yên Thành 3 (huyện Yên Thành), Phạm Văn Tiến đã xác định không đăng ký xét tuyển đại học dù học lực khá. Thay vào đó, em quyết định đăng ký học ngành Điện công nghiệp của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.

Sau gần 1 tháng theo học tại đây, nam sinh chia sẻ vừa học lý thuyết, vừa thực hành trên máy nên dễ hiểu, dễ tiếp thu. Em còn được nhà trường cấp học bổng qua giảm học phí. Tiến chia sẻ thêm, em sẽ cố gắng tập trung học tập, rèn luyện để sang năm thứ 2 đi thực tập tại doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh với máy móc, công việc và được nhận lương.

Hiện, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (TP Vinh) đã tuyển sinh được 60% chỉ tiêu dù mới bắt đầu vào mùa cao điểm. Ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng - cho hay, thông thường, việc tuyển sinh nhộn nhịp sau khi các trường đại học hoàn thành tuyển sinh. Vì vậy, với 40% chỉ tiêu còn lại, nhà trường lạc quan sẽ sớm về đích.

Những năm gần đây, nhà trường đổi mới phương thức tuyển sinh cả bằng trực tiếp lẫn trực tuyến, xét học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp; việc tuyển sinh cũng chia thành nhiều đợt. Trường sẽ gọi sinh viên nhập học theo hình thức cuốn chiếu, đủ lớp tới đâu thì đào tạo tới đó chứ không chờ đến khi hết chỉ tiêu.

Ông Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho rằng, trường nghề có thế mạnh riêng nếu sinh viên nỗ lực nghiêm túc trong học tập, rèn luyện. Sang năm thứ 2, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp được nuôi ăn ở và nhận lương theo hiệu quả làm việc lên đến gần 40 triệu đồng. Trong khi đó, học phí toàn khóa chỉ gần 30 triệu đồng. Việc trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp chính là thời gian thực hành hiệu quả, nâng cao tay nghề và giúp sinh viên hiểu giá trị đồng tiền từ lao động của mình.

Mới nhất, Công ty LG Display (đóng tại Bắc Ninh) tổ chức chương trình học bổng tại trường dành cho 20 sinh viên năm cuối. Sinh viên nhận học bổng sẽ được đến thực tập tại công ty và cam kết làm việc 2 năm sau khi ra trường. Trong thời gian thực tập, sinh viên được hướng dẫn, đào tạo về kỹ thuật, được trả lương theo quy định kèm phúc lợi của công ty.

Ông Lê Quang Suốt - Phó phòng tuyển dụng công ty - cho biết: “Từ khi triển khai chương trình học bổng, đã có hơn 100 lao động là cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, các bạn được đánh giá khá cao về năng lực, tay nghề và tiếp cận nhanh với máy móc, thiết bị. Trong những năm tới, quy mô công ty mở rộng, nhu cầu việc làm rất lớn, nhất là lao động được đào tạo bài bản thuộc các ngành nghề Điện, Điện tử, Điện công nghiệp, Chế tạo máy, Tự động hóa…”.

Ông Hồ Văn Đàm cho biết thêm: “Về phía doanh nghiệp, từ quá trình thực tập sẽ thấy được năng lực sinh viên, giúp các em có nhiều cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, sinh viên của trường cũng có nhiều cơ hội làm việc tại nước ngoài, theo diện kỹ sư, lao động đã qua đào tạo với thu nhập cao hơn lao động phổ thông”.

Học sinh học văn hóa tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam.

Học sinh học văn hóa tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam.

Sớm chốt chỉ tiêu

Dù đã “khóa sổ” tuyển sinh, tổ chức khai giảng năm học mới 2022 - 2023, nhưng phòng tuyển sinh - Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam (TP Vinh) vẫn có nhiều phụ huynh xin đăng ký. Chị Bùi Thị Thu Hà - cán bộ tuyển sinh của trường - cho hay: “Tính riêng tuần vừa qua, có gần 10 trường hợp xin vào trường, nhưng chúng tôi phải từ chối vì danh sách tuyển sinh đã được Sở GD&ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An phê duyệt”.

Năm học 2023 - 2024, Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam tuyển sinh được 495 chỉ tiêu. Đây đều là học sinh phân luồng vừa hoàn thành chương trình THCS và có nguyện vọng tiếp tục vừa học văn hóa, vừa học nghề. Bên cạnh đó, mỗi năm trường nhận đào tạo gần 600 học viên học nghề liên kết với Trung tâm GDNN - GDTX tại các huyện, thị trong tỉnh.

Nguyễn Thị Thảo Duyên (học sinh lớp 10A1) cho biết, tại trường, em tiếp tục học chương trình văn hóa để sau này thi tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ phải học 7 môn. Song song với học văn hóa, Thảo Duyên học nghề nấu ăn và được miễn học phí. “Em nghĩ với lực học trung bình khá, lựa chọn học trường trung cấp bớt áp lực hơn, sau này vừa có bằng văn hóa và bằng trung cấp nghề”, Thảo Duyên chia sẻ.

5 năm gần đây, việc tuyển sinh của Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam vượt qua khó khăn và khởi sắc hơn. Theo ông Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng, cách làm của nhà trường là đặt chất lượng lên hàng đầu, kể cả đào tạo nghề lẫn dạy văn hóa.

Năm học 2022 - 2023, trường có 100% học sinh tham dự thi học sinh giỏi đều đạt giải với 2 giải Nhất; 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, nhiều em có điểm thi 3 môn tổ hợp trên 25 điểm, hơn 50% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào đại học. Những em có năng lực kém hơn được định hướng học nghề và có việc làm sau khi ra trường.

Nhà trường đã mở thêm cơ sở 2 tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) để thu hút người học vì địa bàn này chỉ có 2 trường THPT công lập, và không có trung tâm GDTX. Bên cạnh đó, nhà trường vận dụng các chính sách hiện hành, mở thêm một số lớp ngôn ngữ Đức, Anh, Hàn, Nhật, Trung Quốc… miễn học phí cho học sinh.

Tương tự, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An (đóng tại huyện Con Cuông) cũng hoàn thành tuyển sinh năm học 2023 - 2024 với hơn 550 chỉ tiêu. Các em đều là học sinh người dân tộc thiểu số đến từ các huyện miền núi cao của Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương…

Ông Lê Văn Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trong số 550 học sinh khóa mới, có khoảng 80 học sinh lựa chọn chương trình văn hóa THPT 3 năm, liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên. Còn lại các em sẽ học văn hóa, song song với học nghề với thời gian học 2 năm. Học xong các em vẫn có thể học liên thông lên cao đẳng”.

Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng dạy nghề - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An - cho biết: Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, trên cơ sở chuẩn đầu ra của người học sau tốt nghiệp. Một số nghề bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh, yêu cầu sử dụng của thị trường lao động.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chủ động hơn trong liên kết với doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Với tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đạt trên 90%, có mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại Nghệ An đang đi đúng hướng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

các khối thi đại học Đại học Duy TânHiểu rõ deadline và tầm quan trọngTìm hiểu mbti và cách áp dụng