Trường Mù Cả thắp sáng vùng khó

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các thế hệ học sinh mãi nhớ ơn thầy giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn - người đã gắn bó cả tuổi thanh xuân vì cộng đồng người Hà Nhì.

Trường Phổ thông DTBT THCS Mù Cả trong ngày khai trường.
Trường Phổ thông DTBT THCS Mù Cả trong ngày khai trường.

Biết ơn người thầy giáo - Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn, lớp lớp người Hà Nhì ở thượng nguồn biên giới Mường Tè (Lai Châu) đã phát huy tinh thần hiếu học để xây dựng tương lai tươi sáng.

Người biến Mù Cả thành “sáng cả”

Thầy Bôn trong một lần trở lại thăm Mù Cả.

Thầy Bôn trong một lần trở lại thăm Mù Cả.

Năm 1959, theo lời kêu gọi của Ðảng và Bác Hồ, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn đã viết đơn cùng đội ngũ giáo viên xung phong lên dạy học ở Tây Bắc (khi đó còn là khu tự trị Thái Mèo).

Sau hơn hai ngày ngồi trên xe tải, thầy Bôn cùng 18 thầy giáo nữa đi từ Sơn La vào thị trấn Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên), rồi đi bộ ba ngày mới vào đến huyện lỵ Mường Tè. Ngày hôm sau, các thầy chia nhau ra từng địa bàn. Thầy Nguyễn Văn Bôn được một người đàn ông Hà Nhì dẫn đi bộ xuyên rừng thêm ba ngày để vào xã Mù Cả.

Toàn xã Mù Cả khi đó có khoảng 500 dân, sống rải rác khắp các bản. Cả cán bộ xã và người dân đều không biết nói và viết tiếng phổ thông. Chính quyền xã phải nhờ một người Thái biết cả tiếng Hà Nhì và tiếng phổ thông lên làm phiên dịch suốt một năm trời. Thời gian này, thầy Bôn cũng tranh thủ học tiếng Hà Nhì.

Những ngày đầu, thầy Bôn bàn với cán bộ và bà con sẽ dạy chữ cho khoảng 40 em trong toàn xã (tuổi từ 7 - 12). Các bên thống nhất học sinh đi học phải mang theo gạo và quần áo. Ngay sau đó, thầy bắt tay cùng thanh niên trong bản chặt gỗ, tre để dựng trường, làm lớp. “Trường ông Bôn” lúc đó là công trình công cộng duy nhất ở Mù Cả vào thời điểm đó.

Hết học kỳ I năm học đó, gần như 100% trẻ em Mù Cả trong độ tuổi đã đến trường. Về xã, thầy Bôn nghĩ cách để cả bản, cả xã dạy nhau học. Thầy đề nghị xã cho nghị quyết: Mỗi bản phải cử một vài thanh niên đến học thầy Bôn mỗi tối, học liền trong hai tháng. Khi thuộc hết chữ trong cuốn sách vỡ lòng, họ trở về bản và xóa mù cho những người khác.

Sáng sớm, thầy Bôn dạy chữ cho người đi nương. Rời con chữ trên bảng, họ lại được thầy Bôn lấy phấn viết chữ trên lưng trâu để vừa đi vừa ôn bài. Chiều tối là lớp học bên bếp lửa của các bà, các mẹ. Suốt nhiều tháng ròng, mỗi ngày thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Bôn đứng ở 4 lớp như thế. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả thầy và trò, năm 1963, Mù Cả là xã đầu tiên của rẻo cao phía Bắc được ghi nhận đã xóa nạn mù chữ.

5 năm sau ngày thầy Bôn lên dựng trường, Mù Cả trở thành gương sáng hàng đầu về giáo dục của miền núi nước ta. Với sáng tạo kỳ diệu và những thành tích to lớn, thầy đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 1962, thầy được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lao động. Thầy được mời về dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3.

Kể câu chuyện về quãng thời gian “cõng chữ” lên vùng cao, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn bộc bạch: “Đó là quãng thời gian trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Tôi yêu công việc dạy học, trân quý những người dân bản và học trò nơi “sơn cùng thủy tận” nhưng không ngại khó, ngại khổ quyết tâm học chữ”.

“Mọi người cứ bảo tôi đã biến Mù Cả thành “sáng cả”. Nhưng không, chính Mù Cả đã thắp sáng cho tôi lý tưởng cộng sản để tôi được làm anh hùng. Giờ làm lại, tôi vẫn chọn con đường Tây Bắc ấy”, thầy Nguyễn Văn Bôn chia sẻ.

Bà Vù Phí Tư – bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè là một trong những học sinh đầu tiên của thầy Bôn. Năm nay đã 75 tuổi nhưng bà vẫn còn nhớ như in những bài học đầu tiên và hình ảnh người thầy miền xuôi, cao dong dỏng lên dạy chữ cho người dân bản mình.

Trên tay cầm những chiếc ảnh kỷ niệm của thầy Bôn, trong lòng bà Vù Phí Tư trào dâng cảm xúc khi kể với con cháu trong gia đình về những quãng thời gian thầy đến từng nhà, từng bản để vận động học sinh ra lớp.

“Bản làng rất biết ơn anh hùng Bôn. Bây giờ ai ai cũng biết cái chữ rồi, nhớ những quãng thời gian vất vả của thầy, mà bản thân tôi nhắc con cháu đều phải noi gương anh hùng, nỗ lực học tập, sau này trở về xây dựng quê hương”, bà Vù Phí Tư nói.

Bà Vù Phí Tư kể cho con cháu về thầy giáo Bôn.

Bà Vù Phí Tư kể cho con cháu về thầy giáo Bôn.

“Cây rừng” mọc thẳng

Người Hà Nhì ở Mường Tè có khoảng 9.000 người, sinh sống ở 28 bản, tập trung chủ yếu ở các xã: Mù Cả, Tá Bạ, Thu Lũm, Ka Lăng. Học sinh người Hà Nhì có nhận thức tốt, tỷ lệ chuyên cần cao. Hằng năm, tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện dân tộc Hà Nhì đạt trên 22%, học sinh giỏi cấp tỉnh đạt trên 17%. Ông Hà Đình Nhuận

Lớp lớp thế hệ học sinh Hà Nhì của thầy Bôn đều trưởng thành và có vị thế trong xã hội. Lứa học trò đầu tiên của thầy năm ấy có 35/40 người học hành đỗ đạt, đóng góp công sức trong việc xây dựng mảnh đất Mường Tè, Lai Châu.

Bà Pờ Go Sừ - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XII, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu cũng là học trò của thầy Bôn. Bà Sừ chia sẻ: “Thầy Bôn đã chỉ đường, dẫn lối cho bà con người Hà Nhì chúng tôi phấn đấu học tập kinh nghiệm từ nơi khác để phục vụ xây dựng quê hương của mình”.

Mặc dù không được học trực tiếp thầy Bôn, tuy nhiên qua những câu chuyện kể về thầy của ông bà, bố mẹ cùng với tinh thần hiếu học của gia đình, dân tộc mình, chị Lỳ Phương Duyên đã nỗ lực vượt khó, phấn đấu trở thành PGS, Tiến sĩ đầu tiên của đồng bào Hà Nhì. Hiện, chị Duyên giảng dạy tại Học viện Tài chính Hà Nội.

“Không phải riêng tôi mà tất cả người dân Hà Nhì đều coi thầy Bôn là động lực để phấn đấu học tập và rèn luyện. Kết quả ngày hôm nay không chỉ là nỗ lực của bản thân, mà còn nhờ sự truyền lửa từ thầy Bôn và các thế hệ cha ông”, chị Lỳ Phương Duyên chia sẻ.

Nhiều năm trở lại đây, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Mù Cả (ngôi trường mà thầy Bôn đã sáng lập) được đánh giá là một trong những ngôi trường có phong trào học tập thuộc tốp đầu của huyện Mường Tè. Tỷ lệ học sinh giỏi luôn đạt cao qua các năm (chiếm 47%).

Thầy giáo Trần Quang Dũng - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Noi gương thầy Bôn, nhiều thế hệ học sinh người Hà Nhì ở đây đã nỗ lực học tập. Tỷ lệ học sinh khá giỏi được nâng lên, chất lượng học sinh khá giỏi đạt tốp đầu của huyện. Năm học 2021 - 2022, đã có 10 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, 3 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Số học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật ngày một tăng”.

Khi bắt đầu khai sáng con đường học tập tại xã vùng biên nơi thượng nguồn sông Đà, thầy Bôn phải vận động học sinh ra lớp và xóa bỏ tư tưởng sinh con ra để lấy nhân lực lao động, duy trì giống nòi. Nhưng giờ đây, học tập đã trở thành nhu cầu của mỗi người. Học sinh trong độ tuổi được chăm lo học tập, rèn luyện đầy đủ, được ăn ở bán trú.

“Sự nghiệp giáo dục của xã vùng cao Mù Cả ngày càng phát triển. Các nhà trường trên địa bàn luôn chú trọng giáo dục cho học sinh về tấm gương Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn nhằm khích lệ tinh thần học tập của các em” - ông Lỳ Gia Tư – Phó Chủ tịch UBND xã Mù Cả chia sẻ.

Ông Hà Đình Nhuận - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè - cho biết: “Nền móng đề cao vấn đề học tập của dân tộc Hà Nhì luôn được quan tâm. Người dân tạo mọi điều kiện cho con em được đến trường đầy đủ. Sự cố gắng, nỗ lực ấy được thể hiện, ghi nhận qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh”.

“Di sản” mà nhà giáo Nguyễn Văn Bôn để lại không chỉ là một xã vùng cao đầu tiên xóa mù chữ cách đây gần 60 năm. Ông còn để lại niềm tin về sự hy sinh quên mình để dám sống cho lý tưởng tốt đẹp và là biểu tượng tinh thần cho những người đi gieo chữ ở vùng cao đến tận hôm nay.

Thế hệ học sinh đầu tiên và cả sau này mãi nhớ ơn thầy giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn - người đã gắn bó cả tuổi thanh xuân vì cộng đồng người Hà Nhì. Lớp lớp học sinh Hà Nhì sẽ luôn như những “cây rừng” mọc thẳng, hiên ngang trên mảnh đất biên viễn xa xôi này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.