Vùng cao Mường Tè tìm cách vượt khó triển khai Chương trình mới

GD&TĐ - Vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên, ngành Giáo dục huyện Mường Tè (Lai Châu) đã đạt kết quả khích lệ trong thực hiện Chương trình GDPT mới.

Triển khai Chương trình GDPT mới ở Mường Tè gặp không ít khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và giáo viên.
Triển khai Chương trình GDPT mới ở Mường Tè gặp không ít khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và giáo viên.

Đồng thời, chuẩn bị điều kiện sẵn sàng triển khai chương trình với lớp 3, lớp 7 trong năm học tới.

Thiếu phòng học, thiếu cả giáo viên

Năm học 2021 - 2022, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè quản lý 36 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Trong đó, có 14 trường mầm non, 7 trường tiểu học; 7 trường THCS và 8 trường liên cấp tiểu học & THCS.

“Hầu hết, các trường trong huyện thiếu phòng học chức năng, phòng học bộ môn. Các điểm trường lẻ chưa bảo đảm diện tích sân chơi, bãi tập. Nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị hạn hẹp nên số thiết bị dạy học đối với lớp 1, 2, 6 còn ít” – ông Hà Đình Nhuận, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè chia sẻ.

Theo thống kê, huyện Mường Tè có tổng số 886 phòng học. Trong đó, có 200 phòng bán kiên cố và 53 phòng học tạm. Tính riêng bậc tiểu học có 50 phòng học tạm, chủ yếu là khối lớp 1, 2 tại các điểm trường lẻ.

“Học tại những lớp tạm bợ ở điểm trường lẻ khiến thầy và trò đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT mới. Điều kiện hạ tầng mạng và thiếu thiết bị dạy học là rào cản khó khắc phục để áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học”, ông Hà Đình Nhuận trăn trở.

Theo ông Nhuận, năm học 2021 - 2022, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè được giao 1.433 biên chế (1.082 giáo viên). Đến nay, toàn huyện vẫn còn thiếu 98 giáo viên so với định mức biên chế được giao. Do đó, việc bố trí giáo viên tham gia giảng dạy lớp 1, 2, 6 chưa đáp ứng được yêu cầu do thiếu giáo viên môn chuyên biệt như: Âm nhạc, Mỹ thuật và Tiếng Anh.

Bên cạnh đó, số lượng giáo viên ở một số trường THCS không đủ để phân công giảng dạy ở lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt là môn: Nghệ thuật, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ, Giáo dục công dân. “Nhiều trường chưa có giáo viên chuyên dạy về các môn tích hợp như: Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật. Hiện, các trường giảng dạy tích hợp theo từng môn. Điều này gây khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự, bố trí giờ dạy, đặc biệt là những năm tiếp theo thực hiện tiếp chương trình đối với khối 7, 8, 9” – ông Nhuận nhấn mạnh.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Bum Tở nỗ lực triển khai Chương trình GDPT mới.
Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Bum Tở nỗ lực triển khai Chương trình GDPT mới.

Nỗ lực vượt khó

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Bum Tở, huyện Mường Tè có 754 học sinh đang theo học tại 7 điểm trường. Trong đó, có 339 em bậc THCS và 415 em bậc tiểu học.

Cô Nguyễn Thị Yến Giang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thực hiện Chương trình GDPT mới, giáo viên được lựa chọn dạy lớp 1, 2, 6 đều có năng lực chuyên môn vững, được tập huấn đầy đủ các mô-đun. Tuy nhiên, với đa số học sinh là người dân tộc La Hủ nên việc duy trì tỷ lệ chuyên cần chưa cao. Cùng với đó, nhận thức của phụ huynh còn nhiều hạn chế dẫn đến công tác xã hội hóa SGK cho học sinh gặp không ít khó khăn. “Chúng tôi đã chủ động đăng ký SGK cho học sinh, sau đó trừ vào tiền hỗ trợ hàng tháng. Có như vậy, mới đủ SGK cho học sinh” – cô Giang nói.

Một khó khăn nữa của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Bum Tở là thiếu đội ngũ giáo viên Tin học, Tiếng Anh. Theo thầy Cao Văn Hoạt, Phó Hiệu trưởng nhà trường, Ban giám hiệu đã tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn. “Đối với môn Tin học, chúng tôi có giáo viên Toán – Tin để giảng dạy. Còn với môn Tiếng Anh, nhà trường đã dồn 2 lớp vào dạy cùng 1 tiết và bố trí giáo viên trợ giảng” – thầy Hoạt chia sẻ giải pháp và nhận định: Sau 2 năm triển khai Chương trình GDPT mới, kết quả quan trọng nhà trường đạt được là bước đầu hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh.

“Qua các hoạt động trải nghiệm cũng như thay đổi phương pháp giáo dục, học sinh được tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Từ đó, các em hứng thú hơn trong giờ học. Đó là điều mà chúng tôi hướng tới” – cô Lùng Thị Hoa, giáo viên môn Sinh học chia sẻ.

Từ kết quả đạt được của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Bum Tở cũng như trường còn lại trên địa bàn, theo ông Nhuận, đây là tiền đề vững chắc để ngành GD huyện tự tin xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT mới trong năm tiếp theo.

Theo đó, năm học 2022 – 2023, toàn huyện dự kiến có 44 lớp 3 với 1.162 học sinh và 30 lớp 7 với 999 học sinh. Huyện Mường Tè đã bố trí đủ giáo viên dạy 2 buổi/ngày, tối thiểu có 66 giáo viên/44 lớp.

Ngoài ra, ông Nhuận cho biết thêm, bên cạnh sử dụng phòng chức năng có diện tích rộng, bố trí dạy ghép lớp (cùng khối), Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè tiếp tục rà soát số giáo viên còn thiếu. Từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch, thông báo tuyển dụng, hợp đồng giáo viên. Cùng với đó, tham mưu đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền, huy động nguồn lực tổ chức mua sắm SGK, thiết bị dạy và học để bảo đảm hiệu quả Chương trình GDPT mới.

“Năm học 2022 – 2023, huyện có 9 giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học, còn thiếu 11 chỉ tiêu. Chúng tôi sẽ bố trí giáo viên THCS dạy hoặc tổ chức dạy học kết nối trong và ngoài trường để khắc phục tình trạng trên” – ông Hà Đình Nhuận nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.