Xôn xao Mù Cả

GD&TĐ - Thú thực, khi nghe các anh ở phòng chính trị Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu nói “đoàn công tác lần này sẽ đi Mù Cả”, tôi đã hơi ngỡ ngàng.

Phong cảnh Mù Cả.
Phong cảnh Mù Cả.

Ngỡ ngàng vì không ngờ chúng tôi lại được đi tới tận một trong những xã xa xôi nhất của huyện Mường Tè. Mà ngay địa danh Mường Tè thôi nghe đã lạ, đã tít tắp xa vậy mà còn có xã mang tên là Mù Cả nữa thì hỏi sao không bất ngờ.

Vậy là chúng tôi nhằm hướng Phong Thổ háo hức đi luôn. Đã chớm đông, nước sông, nước suối đã vắt trong trở lại và bắt đầu chảy xuôi thong thả. Mới tới Chăn Nưa đã thoáng bên cửa xe là những cô bé người Mông váy hoa sặc sỡ. Các em túm tụm đứng nghỉ bên đường.

Máu nghề nghiệp nổi lên, chúng tôi cũng vội dừng xe để tranh thủ làm mấy kiểu ảnh. Các bé gái người Mông mới đầu còn bẽn lẽn nhưng được khích lệ nên cũng vui vẻ “tạo dáng”. Hỏi ra mới biết bữa nay Chủ nhật nên các em được nghỉ học bèn rủ nhau lên nương gùi chuối.

Những buồng chuối hột rừng nặng chình chịch trên lưng nhìn mà thấy ái ngại. Nhưng nhìn những đôi mắt tròn vo, chúng tôi lại thấy các em đang tỏ ra phấn khích vì đã giúp cha mẹ một phần thu nhập. Nghe nói chuối hột rừng thái lát rồi phơi khô đem ngâm rượu uống rất bổ cho gan thận.

Qua cầu Nậm Bum xe nhập vào Quốc lộ 4D, nối huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu sang huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên giờ đã trải thảm bê tông nhựa, do vậy việc đi lại đã thuận lợi hơn rất nhiều cho dù vẫn còn những vòng cua làm người và xe nghiêng ngả, cho dù còn cảm thấy mù xa bởi những vệt sương giăng mờ thung núi.

Tôi được nghe ai trầm trồ: “Có đường nên khoảng cách xa mấy cũng gần lại”. Tôi đế luôn: “Chuẩn không cần chỉnh”.

Nghe nói cung đường 4D mới này được nối dài từ đường 4D trước đó có điểm đầu ở huyện Phong Thổ, đường được nâng cấp cũng bắt đầu từ những chuyện phức tạp nơi biên viễn. Đâu như từ khi có con đường này mọi tình hình xấu dường như đã được giải tỏa, mọi phức tạp dường như đều được khai thông.

Thế mới biết hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng không chỉ trong chuyện đi lại cho người dân, trong phát triển kinh tế - xã hội mà trên thực tế nó đóng vai trò gần như quyết định đối với trật tự trị an, an ninh quốc phòng.

*  *  * 

Xôn xao Mù Cả ảnh 1

Đồn biên phòng 315 hay gọi theo địa danh là Đồn biên phòng Mù Cả, được xây dựng trên một lưng núi có độ cao 1.000m và cách trung tâm xã 6km. Bản gần đồn nhất cũng gần 5km. Từ đồn biên phòng 315 nếu muốn đi xuống thị trấn huyện Mường Tè gần 40km và muốn về tỉnh phải mất 150km đều là những cung đường đèo quanh co khúc khuỷu.

Sau hồi thăm hỏi xã giao, tôi liền níu tay Thiếu tá Lý Già Ly, Chính trị viên Phó Đồn biên phòng Mù Cả để hỏi cho rõ ngọn ngành. Thì ít ra “viên” thiếu tá này không chỉ là người dân tộc Hà Nhì chính hiệu mà còn là người xã Mù Cả.

Hỏi đúng người rồi, tôi thầm khẳng định như vậy và “hồn nhiên” hỏi: “Tên xã là Mù Cả có nghĩa là gì? Cứ chiểu theo cách hiểu giản đơn thì cái tên này nghe nó là lạ lắm”. Thiếu tá Lý Già Ly cười thân thiện: “Thì Mù Cả là Mù Cả thôi. Thú thực với các nhà báo thì từ khi sinh ra đến giờ tôi đã nghe gọi tên như thế. Chắc là Mù Cả là xa xôi heo hút?”.

Câu trả lời nghe chưa thỏa đáng nhưng thôi. Tên gọi nào cũng có nghĩa đẹp chứ không hề có nghĩa không đẹp. Đấy là điều chắc chắn bởi các cụ ta xưa mỗi khi đặt tên cho ai đó, cho làng quê hay vùng đất nào đó đều rất cân nhắc. Tên nào có ý nghĩa, tên nào có thiết thực thì các cụ mới đặt.

Yên tâm rồi, tôi nhanh chóng “bắt vào” những điều tai nghe mắt thấy ở ngay chính địa danh, địa phương lần đầu đặt chân tới này. Thì ra xã Mù Cả nằm ngay “ngã ba biên giới”. Đầu tiên là xã giáp với huyện Mường Nhé bên tỉnh bạn Điện Biên, tiếp đó xã có đường biên giới chung với Trung Quốc.

Trung tá Phạm Văn Hóa, Đồn trưởng Đồn biên phòng Mù Cả, khoát tay chỉ lên bức ảnh to rộng chiếm trọn bức tường chính diện trong phòng khách của Đồn, nói rất tự hào: “Xã Mù Cả hay nói cách khác nữa là địa bàn này chính là nơi con sông Đà chảy vào đất Việt”.

Tôi ngước nhìn vào bức ảnh phóng to, chụp phong cảnh. Điều đặc biệt ở bức ảnh này là nó ôm trọn cả không gian cần miêu tả với hình ảnh cột mốc. Ngay bên cột mốc đó là một ngã ba sông với một dòng chính đang chảy về phía xuôi.

Trung tá Phạm Văn Hóa nói thêm: “Chỗ ngã ba đó chính là hợp lưu của hai dòng sông nhỏ tạo nên đầu nguồn của sông Đà. Chính tại vị trí cột mốc là nơi sông Đà bắt đầu chảy vào đất Việt. Chúng tôi có vinh dự được đứng chân ở đây và chúng tôi tự hào là những người cùng với bà con Hà Nhì nơi đây được uống những giọt nước đầu nguồn con sông Đà huyền thoại”.

Xã Mù Cả hiện có 9 bản với 2.190 nhân khẩu. Trong đó, người Hà Nhì chiếm tới 98%. Các bản không gần nhau. Bản xa nhất cách trung tâm xã 60km. Từ lâu mối quan hệ giữa đồn 315 với bà con đã trở nên thân thuộc.

Cán bộ chiến sĩ biên phòng với bà con.

Cán bộ chiến sĩ biên phòng với bà con.

Nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước đến được với bà con người Hà Nhì, người La Hủ, người Mông nơi đây có một phần nhờ tinh thần tận tụy của cán bộ chiến sĩ biên phòng. Những buổi “đi bản” bao giờ cũng để lại nhiều cảm tình và giá trị thiết thực. Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 80%, cao nhất tỉnh đã chứng mình điều đã đó.

Thiếu tá Lý Già Ly, chính trị viên Phó Đồn biên phòng Mù Cả, cho biết thêm về tình hình của xã. Thấy tôi ngạc nhiên bởi sự nắm chắc địa bàn của “chàng bộ đội” người Hà Nhì này, Trung tá Phạm Văn Hóa nói nhỏ: “Còn có nhiều tình tiết bất ngờ nữa”.

Thì ra Lý Già Ly nhập ngũ như mọi thanh niên khác có đâu ngờ rằng lại được trở về ngay chính quê hương mình. Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Lý Già Ly được phân công về tỉnh Lai Châu rồi được bổ nhiệm làm chính trị viên Phó đồn Mù Cả.

Tôi vui miệng hỏi: “Ở đồn suốt thế này vợ của Lý Già Ly có nói gì không?”. Trung tá Phạm Văn Hóa bấy giờ mói thủng thẳng: “Vợ Lý Già Ly cũng làm cán bộ mà anh. Cô ấy hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Gái Hà Nhì vừa xinh, vừa đảm nên Lý Già Ly an phận lắm”.

Nghe anh Hóa nói vậy Lý Già Ly cười tủm tỉm rồi nói lảng sang chuyện khác. Lý Già Ly cho biết: “Nghe theo lời bộ đội biên phòng. Bà con đã phấn đấu xây dựng xã Mù Cả thành một xã mạnh có tiếng. Đời sống kinh tế nâng lên đã góp phần xây dựng bản làng khang trang sạch đẹp. Cũng từ đó việc học tập, công tác và lao động sản xuất được thường xuyên hơn và nhiều hơn.

Xôn xao Mù Cả ảnh 3

Bà con không phá rừng nữa bởi đã hiểu bảo vệ rừng là bảo vệ cho nguồn nước thủy điện”. Rồi Lý Già Ly cho biết thêm: “Thủy điện Pắc Ma của xã chính là “bậc thứ nhất” trong hệ thống thủy điện sông Đà bởi nó ở vị trí đầu nguồn của dòng sông nổi tiếng này”.

Đêm ngủ lại đồn 315 với tôi thật nhiều ý nghĩa. Lần đầu tiên sau đúng 36 năm tôi mới được “ngủ giường bộ đội”. Lúc đặt lưng xuống chiếc giường mà Trung úy Đội trưởng Đội Hành chính Pờ Hồng Tơ nhường lại, tôi cứ nao nao.

Chẳng phải vì Tơ cũng là chàng trai Hà Nhì quê xã Mù Cả này mà sâu xa hơn là tôi được biết: “Đồn 315 hiện có tới hơn 40% cán bộ chiến sĩ là người dân tộc”. Được là người lính biên phòng trực tiếp bảo vệ giữ gìn biên cương Tổ quốc ngay trên quê hương mình thì còn có ý nghĩa nào hơn.

Lại bồi hồi nhớ lại quãng hơn 36 năm trước tôi từng 10 năm gắn bó với “đường dài biên giới” phía Đông Bắc. Đó là những năm chẳng thể phai mờ trong tâm khảm. Đêm nay ngủ lại biên cương phía Tây Bắc cứ như mình xưa từng gác đầu Đông nay sang gác đầu Tây vậy.

Lại nhớ, hồi tối trong cuộc trà hàn huyên, các anh trong Can Chỉ huy đồn 315 cho biết: “Có được mối quan hệ quân dân tốt như hiện nay là trải bao nỗ lực”. Do cuối năm 2007, trên địa bàn xã Mù Cả xuất hiện 3 điểm người Mông với 342 nhân khẩu từ các tỉnh huyện khác di dân tự do đến sinh sống.

Vấn đề là ở chỗ là làm thế nào để bà con không bị kẻ xấu lôi kéo hay lợi dụng? để bà con di dân và bà con tại chỗ được giao hòa đoàn kết? Và quan trọng là làm thế nào để đường biên giới quốc gia được giữ gìn toàn vẹn.

Vào cuộc. Đó là nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ đồn 315. Những buổi “xuống dân”, những cuộc “vận động” và với tình thương chân thành, các anh “bộ đội ba mười lăm” như cách gọi của bà con đã làm được điều cần làm.

Ngoài kia, màn trời đêm chợt sáng lên kỳ vĩ. Ngàn vạn vì sao cùng đồng loạt nhấp nháy chào gọi. Nhớ những năm tháng trước từng ở rừng nôn nao đến không sao ngủ được. Vẻ yên bình nơi biên viễn phía Tây cứ chầm chậm mà bước vào ký ức của tôi nhưng dư cảm về một khung cảnh năm nào mà chúng tôi từng ao ước, chúng tôi từng đổ mồ hôi và đổ máu xương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.